Một bí ẩn trên đỉnh núi Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum mới được công bố. Đó là cả một rừng sâm quý Ngọc Linh 140 ha được ươm trồng “bí mật” trong suốt 13 năm qua hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên giữa rừng già nguyên sinh.
Trong rừng sâm.
Nhiều nghiên cứu trong nước và quốc tế đã chứng minh: Sâm Ngọc Linh của Việt Nam là loại dược liệu có nhiều tác dụng đặc biệt, kể cả phòng chống ung thư và một số tác dụng khác mà ngay cả loài sâm Triều Tiên cũng không có được. Chỉ có điều, sâm Ngọc Linh tự nhiên đã bị khai thác cạn kiệt và gần như tuyệt chủng từ nhiều năm qua. Việc công bố vườn sâm bí mật hơn 100 ha vì thế đã bước đầu hiện thực hóa chiến lược đưa loài dược liệu quý này thành loài cây xóa đói giảm nghèo, thậm chí làm giàu cho nhiều bản làng tại Tây nguyên.
Băng rừng, vượt dốc… Mất 4 giờ đồng hồ đi bộ mới lên đến gần đỉnh núi Ngọc Linh ở độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển, là nơi 140 ha sâm Ngọc Linh đã được trồng và “giấu kỹ” hơn chục năm. Mỗi ha cho sản lượng ít nhất 1 tấn sâm, theo giá thị trường hiện nay có thể thu về 50 tỷ đồng. 140 ha sâm Ngọc Linh là tài sản vô cùng lớn, nhưng để có được nó, chủ vườn cũng đã phải bỏ lượng công sức và tiền của khổng lồ bắt đầu từ việc mua sâm tự nhiên về làm giống.
Ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum cho biết: “Có thời điểm chúng tôi phải mua đến 50 triệu đồng/kg sâm, trong khi tỉ lệ sống của nó chỉ đạt từ 30-40%. Hàng chục năm nay, chúng tôi đã rải người đi khắp các xã thuộc địa bàn có sâm. Khi dân kiếm được thì chúng tôi thu mua rồi lại mang lên rừng”.
Hơn 100 lao động người đồng bào Xê Đăng là lực lượng thường trực trên núi chăm sóc và bảo vệ vườn sâm. Có sự tham gia của đồng bào, 140 ha sâm Ngọc Linh chưa một lần mất trộm dù giá sâm tươi lên tới hàng chục triệu đồng/kg. Ngược lại, người dân cũng thu được lợi ích từ vườn sâm.
Anh A Biên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum nói: “Trước mình chỉ vào rừng phát rẫy, làm nương, không đủ sống, còn bây giờ làm ở vườn sâm có thu nhập 3 triệu đồng/tháng, được nuôi cơm, cấp quần áo và đồ dùng nên đời sống khá hơn trước, không còn đi chặt rừng làm rẫy nữa”.
Bên trái là sâm thật.
Khu rừng quanh vườn sâm đang được người dân vốn quen với phát nương, làm rẫy bảo vệ triệt để. Họ đã ý thức: Chỉ khi giữ được rừng già thì sâm mới phát triển được, và như thế họ mới có thu nhập và cuộc sống tốt. Đây cũng là mô hình mà tỉnh Kon Tum đang hướng tới nhằm xóa đói, giảm nghèo, thậm chí làm giàu bền vững.
Ông Đào Xuân Quý, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum: “Cứ phát rẫy làm rừng thì đời sống người dân không khá được, phải khuyến khích người dân cùng với doanh nghiệp làm, chứ để mình doanh nghiệp làm cũng không được. Phải có sự hợp tác đồng bộ giữa doanh nghiệp và người dân. Nói cụ thể hơn là chia hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp”.
Với việc công bố vườn sâm 140 ha, bài toán về giống – khó khăn lớn nhất trong chiến lược nhân rộng loài dược liệu quý này đã được giải quyết. Riêng trong năm nay, vườn sâm Ngọc Linh 140 ha sẽ cung cấp 1 triệu cây giống, tương đương với 20 ha trồng mới.
justify">Cũng theo ông Trần Hoàn, Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum: “Chúng tôi sẽ cung cấp giống cho bà con và hàng tháng cũng sẽ phải lo hết, đảm bảo cuộc sống cho họ. Rồi phải giám sát, tuyên truyền. Khi quy hoạch, mình cũng sẽ có cam kết ăn chia với bà con về sản phẩm”.
Chính phủ cũng đã có chủ trương đưa sâm Ngọc Linh thành 3 sản phẩm dược liệu quốc gia. Tuy nhiên, chỉ khi vườn sâm “bí mật” 140 ha được công bố, thì hướng phát triển bền vững cho người dân địa phương thông qua loài dược liệu này mới trở nên thực sự khả thi. Dự kiến, sâm Ngọc Linh sẽ được cung cấp ra thị trường từ cuối năm nay.
Tác giả : Kon Tum