Nội dung
Tên khác: tích mủ màng phổi hoặc tích mủ lồng ngực hoặc mủ màng phổi.
Định nghĩa
Là tình trạng màng phổi bị viêm với tích tụ mủ trong khoang màng phổi (trong ổ phế mạc).
Nếu mủ màng phổi có thêm tràn khí màng phổi thì gọi là tràn khí- mủ màng phổi.
Căn nguyên
Viêm màng phổi mủ có thể là thứ phát từ những trường hợp sau đây:
- Viêm phổi do nhiễm vi khuẩn: thường gặp nhất là trường hợp viêm màng phổi thanh dịch-sợi huyết (thanh dịch-giả mạc) lúc đầu xẩy ra sau khi viêm phổi, hoặc xẩy ra muộn trong quá trình viêm phổi, hoặc ngay cả trong thời gian dưỡng bệnh, và từ viêm thanh dịch-sợi huyết chuyển thành viêm mủ. Trong những trường hợp này tác nhân gây mủ thường là các vi khuẩn kỵ khí.
- Nhiễm khuẩn lân cận:do một ổ mủ ở gần vỡ vào khoang màng phổi: áp xe phổi (lỗ rò phế quản- màng phổi), áp xe dưới cơ hoành, hoặc viêm ngoại tâm mạc mủ, viêm xương-tuỷ xương ở xương sườn, giãn phế quản.
- Chấn thương lồng ngực.
- Bệnh lao(hiếm gặp): (xem: tích mủ do lao).
- Tích mủ do đường máu(hiếm gặp): viêm màng phổi mủ có thể bắt nguồn từ ổ nhiễm khuẩn ở răng, từ ổ chín mé ở ngón tay, viêm xương-tuỷ xương, viêm tai, viêm quầng.
Triệu chứng
Triệu chứng viêm màng phổi thường bị che lấp bởi những triệu chứng của ổ viêm nguyên phát (gốc). Tuy nhiên phải nghĩ tới biến chứng viêm màng phổi mủ khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của tràn dịch màng phổi tái hấp thu kém, kèm theo những dấu hiệu nhiễm độc-nhiễm khuẩn như: sốt dai dẳng, gầy còm, nhịp tim nhanh, ra mồ hôi ban đêm, đôi khi có dấu hiệu ngón tay hình dùi trống và đau ngực khó chữa, tốc độ lắng máu tăng, bạch cầu trong máu tăng nhiều. Những dấu hiệu thực thể là dấu hiệu của viêm màng phổi thanh dịch-sợi huyết (thanh dịch-giả mạc).
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Chọc dò màng phổi hút ra được dịch đục, lổn nhổn, đôi khi đậm đặc, giầu bạch cầu hạt đã ít nhiều bị huỷ hoại (> 100.000/pl). Nuôi cấy vi khuẩn trong môi trường hiếu khí và kỵ khí là xét nghiệm chính. Những mầm bệnh sau đây thường hay gặp: tụ cầu vàng coagulase-dương tính, những chủng liên cầu khuẩn khác nhau thường là chủng kỵ khí, trực khuẩn coli,
- Huyết đồ: tăng bạch cầu trong máu, chủ yếu là tăng bạch cầu hạt.
Diễn biến và tiên lượng
Nếu được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh thích hợp, thì viêm màng phổi mủ có tiên lượng tốt. Nếu không chẩn đoán được hoặc điều trị muộn, thì tích mủ màng phổi có thể gây ra những biến chứng tại chỗ (thủng màng phổi mủ chẩy vào phổi, thủng ra ngoài thành ngực hoặc viêm màng phổi mủ phá ra ngoài, viêm màng ngoài tim) và cả những biến chứng ở xa (ví dụ áp xe não, viêm khớp mủ, thoái hoá dạng tinh bột). Những trường hợp tích mủ màng phổi có thể để lại di chứng xơ hoá màng phổi và co kéo.
Điều trị
- Dấn lưu: tuỳ theo mức đặc hoặc loãng và vị trí khu trú của dịch mủ, có thể dẫn lưu mủ bằng chọc kim hoặc mở lồng ngực và đặt ống thông (xông dẫn lưu). Khi pH của dịch mủ thấp dưới 7,30 thì phải chỉ định đặt xông dẫn lưu. Thường cần phải rửa khoang màng phổi bằng dung dịch muối sinh lý nhiều lần. Có thể chỉ định phẫu thuật mở lồng ngực hạn chế khi các biện pháp kể trên không có hiệu quả tốt.
- Thuốc kháng sinh:cho theo đường uống, đường tiêm, và đôi khi bơm vào trong khoang màng phổi dựa trên tính cảm thụ của mầm bệnh và kháng sinh đồ.
- Liệu pháp vận động:nhằm tránh không để viêm dầy màng phổi hình thành.