Tên khác: viêm tĩnh mạch, viêm quanh tĩnh mạch.

Định nghĩa

Viêm các tĩnh mạch nông và hình thành huyết khối trong các tĩnh mạch này.

Căn nguyên

Huyết khối hình thành tự phát trong tĩnh mạch bị giãn, nhất là ở chi dưới.

Tĩnh mạch bị ứ trệ (ứ máu): trong các hoàn cảnh: nằm liệt giường lâu ngày, thời kỳ hậu phẫu, suy tim, sau đẻ.

Chứng đa hồng cầu, dùng thuốc tránh thai là hormon, thiếu hụt yếu tố kháng thrombin III.

Chấn thương, tiêm tĩnh mạch các dung dịch thuốc có tính kích thích, tiêm chích ma tuý vào tĩnh mạch, đặt ống thông tĩnh mạch (xông, catheter).

Huyết khối tĩnh mạch sâu, viêm mạch máu-huyết khối tắc nghẽn, khối u ác tính (nhất là ở tuy).

Triệu chứng

Trên da thấy nổi lên một thừng tĩnh mạch màu đỏ, rắn, đau, phù nề. Quá trình viêm có thể chỉ giới hạn ở một đoạn tĩnh mạch ngắn, hoặc lan rộng tới toàn địa phận phân nhánh của tĩnh mạch đó. Viêm tĩnh mạch có thể lui trong vòng 10-15 ngày, chỉ để lại một thừng rắn nhỏ. Nói chung bệnh nhân không bị sốt.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm tĩnh mạch nông phân biệt với viêm bạch mạch vì không sưng hạch bạch huyết địa phương, không sốt. Phân biệt với viêm (da) quầng bởi không có những mảng ban đỏ có mụn nước phủ với gờ bao quanh. Phân biệt với ban đỏ nút (hồng ban nút) vì tổn thương hồng ban không đi theo đường tĩnh mạch.

Cũng nên đảm bảo chắc chắn là viêm tĩnh mạch nông không kèm theo bởi huyết khối tĩnh mạch sâu phát hiện được bằng siêu âm Doppler tĩnh mạch.

Biến chứng

Trong 10% số trường hợp viêm tĩnh mạch nông có biến chứng nghẽn mạch phổi, trong 30% có huyết khối tĩnh mạch sâu kết hợp.

Dự phòng: để bệnh nhân đứng dậy và tập đi sớm sau phẫu thuật hoặc sau đẻ, heparin tiêm dưới da một cách hệ thống trong một số phẫu thuật, nhất là phẫu thuật chỉnh hình.

Điều trị

Để bệnh nhân nằm trên giường, kê chân cao trong những thể đau hoặc lan rộng. Đặt một băng giữ đàn hồi. Vận động sớm ngay sau khi hết đau.

Aspirin hoặc các thuốc chống viêm non steroid khác.

Thuốc chống đông máu: chỉ được phép chỉ định trong trường hợp đe doạ viêm lan tràn tới các tĩnh mạch sâu.

Tới giai đoạn mạn tính người ta đề nghi thắt quai tĩnh mạch hiển trong. Trong trường hợp viêm tĩnh mạch-huyết khối nhiễm khuẩn, thì cắt tĩnh mạch cấp cứu với thuốc kháng sinh để bảo đảm an toàn về mặt nhiễm khuẩn.

GHI CHÚ: dưới tên bệnh Mondor, người ta chỉ trường hợp viêm đau xảy ra ở các tĩnh mạch của thành ngực, dọc theo đường nách trước. Những tĩnh mạch bị viêm thể hiện như những thừng rắn, nhỏ và thẳng.

0/50 ratings
Bình luận đóng