I. ĐẠI CƯƠNG
U tuyến độc tuyến giáp (bệnh Plummer) là tình trạng cường chức năng tuyến giáp với sự gia tăng sản xuất hormon giáp do u tuyến tự động (autonomous adenoma). Nguyên nhân và cơ chế chưa rõ. Có thể liên quan đến đột biến gen của thụ thể TSH làm tăng hoạt động nang tuyến mà không liên quan với TSH. Một cơ chế khác có thể là u tuyến tự động thường phối hợp với đột biến gen protein G (gen G protein).
- Plummer (1913) là người đầu tiên phân biệt bệnh Basedow và cường giáp kèm theo nhân giáp. Sau đó, O Copa và C. Savoie dùng đồng vị phóng xạ để đánh giá chức năng hoạt động của nhân và tổ chức ngoài nhân giáp. Đó là một nhân nóng trên xạ hình tuyến giáp không bị hãm khi sử dụng hormon giáp ngoại sinh.
- Danh từ u tuyến độc (adénome toxique) của tuyến giáp, còn gọi là bướu giáp nhân độc (goitre nodulaire toxique) được hiểu là có tình trạng cường giáp, đó là u tuyến giáp bản chất lành tính nhưng thoát khỏi sự kiểm soát của tuyến yên và hoạt động tự trị gây nhiễm độc giáp.
- U tuyến độc tuyến giáp là một trong những nguyên nhân của cường giáp. Tỉ lệ thay đổi tùy từng quốc gia khoảng 5% (Mỹ và Anh) cho đến 46% (Áo).
- Tuổi khởi phát bệnh thường lớn, khoảng 40-60 tuổi, trung bình 60±15 tuổi, thể nhân tự động không kèm cường giáp khoảng 46 ± 14 tuổi. Tuy nhiên cũng có thể gặp ở độ tuổi
- Phụ nữ thường chiếm ưu thế hơn nam giới, tỉ lệ nữ/ nam # 4/1.
II. CÁC THỂ LÂM SÀNG VÀ SINH HỌC
- U tuyến độc kèm cường giáp
Bệnh cảnh lâm sàng là một nhiễm độc giáp đơn thuần kèm nhân giáp, thường là một nhân giáp đơn độc, đôi khi bị che khuất sau xương ức. U tuyến thường định vị ở một thùy, thùy còn lại thể tích nhỏ hơn bình thường (do bị ức chế phát triển).
Cận lâm sàng ghi nhận:
- Nồng độ hormon giáp cao, thường ưu thế T3.
- TSH thấp.
- Test TRH không đáp ứng.
- Kháng thể kháng giáp không tìm thấy.
- Siêu âm giáp phát hiện tổ chức u tuyến độc và tổ chức giáp còn lại.
- Xạ hình giáp biểu hiện dạng nhân nóng.
- Test hãm Werner (75 – 100mg Cynomel (L.Triiodothyronine)/ ngày trong 7 ngày) không đáp ứng.
- Test Querido (100 TSH/ngày trong 3 ngày liên tiếp) phần nhu mô còn lại thu nhận iod, chứng tỏ nhu mô tuyến giáp ngoài u tuyến bị hãm.
2. U tuyến tự động không kèm cường giáp
Nồng độ hormon giáp trong phần lớn trường hợp bình thường nhưng TSH thấp và không đáp ứng với test TRH (tiền nhiễm độc giáp, cường giáp tiền lâm sàng).
Đặc điểm của xạ hình là hình ảnh bắt xạ của u tuyến độc. Lâm sàng có thể là cường giáp kín đáo với rối loạn nhịp tim không giải thích được. Thường biến chứng tim mạch gặp ở người lớn tuổi. Ghi nhận có sự gia tăng SBP (Sex Binding Protein). Các rối loạn trên biến mất sau khi điều trị u tuyến.
Tần suất các u tuyến tiền độc (adénome prétoxique) trong các u tuyến tự động thay đổi tùy theo cách đánh giá, một nửa theo phân nhóm lâm sàng. Trong một số trường hợp không nhận biết được. U tuyến xuất hiện trên xạ hình là một nhân tự động, định lượng TSH buổi sáng bình thường và còn đáp ứng với test TRH. Điều này khó giải thích sự biến mất phần nhu mô lành mạnh và tái xuất hiện khi cắt bỏ u tuyến, một số tác giả cho rằng do sự hãm một phần TSH kèm biến mất pic tiết về đêm.
3. U tuyến tự động và ung thư
Các nhân nóng tuyến giáp thường lành tính và chẩn đoán ung thư thường dựa vào xạ hình. Thật vậy nhân nóng khi thăm dò với chất technétium nhưng có thể trở thành nhân lạnh khi sử dụng Iod phóng xạ và có khả năng ung thư.
Aschraft và cộng sự (1981) ghi nhận 4% trường hợp ung thư tuyến giáp khi phẫu thuật các trường hợp nhân nóng và thường gặp nhân có đường kính trên 3 cm.
4. Tiến triển u tuyến độc tuyến giáp
Sự tiến triển của một nhân giáp chức năng thường chậm, nhiều tác giả đánh giá khoảng mười năm kể từ khi hình thành cho đến lúc sản xuất đủ hormon giáp gây nhiễm độc giáp lâm sàng.
Trên xạ hình nhân giáp ban đầu đẳng xạ, không bị mất, chức năng hoạt động ngày càng tăng dần để trở thành nhân nóng có tính tự trị rồi trở thành độc tính.
III. ĐIỀU TRỊ U TUYẾN ĐỘC TUYẾN GIÁP
Điều trị nội khoa
Có thể sử dụng thuốc kháng giáp tổng hợp và ức chế beta để điều trị triệu chứng tạm thời, hoặc chuẩn bị tiền phẫu với thuốc kháng giáp như propylthiouracil 100 mg/ 6 giờ/ngày hoặc carbimazol 40 mg/ ngày.
2. Điều trị Iod phóng xạ
U tuyến giáp độc có thể sử dụng iod phóng xạ (I131). Tuy nhiên có một số đặc điểm cần lưu ý:
- Sự nhạy cảm với chất phóng xạ của tổ chức u tuyến độc thường kém hơn so với nhu mô giáp trong Nang tuyến lớn, iod được bắt giữ bởi các chất dạng keo và đổi mới nhanh làm giảm hiệu quả khi điều trị (liều từ 20 – 40 miliCuries, điều này không phù hợp đối với người trẻ).
- Điều trị iod phóng xạ có thể làm nặng thoáng qua tình trạng cường giáp, nguy hiểm cho người lớn tuổi và người có bệnh lý tim mạch tiểm ẩn. Vì thế có thể dự phòng với kháng giáp trước đó, làm giảm iod chứa trong nhân giáp, hoặc dùng iod trong 6 tuần cho đến khi TSH trở lại bình thường để tránh chất phóng xạ phá hủy tổ chức lành.
- Ngược lại với quan điểm trước đây, suy giáp thứ phát thường gặp. Theo Goldstein và cộng sự, theo dõi 4 – 16 năm sau khi điều trị Iode phóng xạ, có đến 8/23 (36%) người bệnh bị suy giáp không liên quan đến kích thước u tuyến và liều xạ. Khoảng 64% u tuyến vẫn tồn tại và có thể phát triển lớn ra.
3. Điều trị phẫu thuật
Can thiệp phẫu thuật bao gồm cắt bỏ thùy giáp hoặc loại bỏ nhân giáp tùy theo kích thước của tổn thương sau khi chuẩn bị tốt với thuốc kháng giáp. Bransom theo dõi sau sáu năm ở người bệnh phẫu thuật không thấy bị tái phát, tuy nhiên 5/35 (14,3%) người bệnh bị suy giáp phần lớn điều trị trước đó bằng kháng giáp trong mười năm và một trường hợp được điều trị iod phóng xạ.
4. Bơm cồn iod vào u tuyến
Bơm cồn vào u tuyến dưới hướng dẫn của siêu âm là phương pháp gây hủy tuyến không phẫu thuật. Cồn được bơm qua da vào nhu mô tuyến mỗi tuần, từ 5 – 8 tuần.
5. Điều trị bằng Laser
Điều trị quang đông Laser tổ chức kẽ (interstial laser photocoagulation) dưới sự hướng dẫn của siêu âm nhằm hủy các nhân tự động.
6. Chỉ định điều trị
Đối với u tuyến giáp độc, phương pháp chọn lựa là phẫu thuật nhưng cần loại trừ ung thư giáp.
Điều trị phóng xạ được chỉ định nếu có khó khăn khi can thiệp phẫu thuật (người già, từ chối phẫu thuật).
Nếu đường kính u tuyến trên 3 cm và dấu hiệu cường giáp nhẹ cần xét đến can thiệp phẫu thuật mặc dù nồng độ hormon giáp còn bình thường.
Tiến triển của u tuyến đưa đến độc tính không có nguyên tắc. Silvestein theo dõi chín trường hợp nhân giáp tự trị không độc tính sau hai – bảy năm cho thấy các nhân trên hoặc không thay đổi, hoặc trở nên đẳng xạ và phụ thuộc TSH, hoặc trở thành nang hóa và mất chức năng. Một trường hợp tăng thể tích và không thấy trường hợp nào bị nhiễm độc giáp. Tuy nhiên theo dõi trên có số lượng ít và thời gian theo dõi tương đối ngắn. Thật vậy cần mất một thời gian trung bình khoảng mười hai năm để một nhân đẳng xạ chuyển sang dạng một nhân độc tính. Hai phương pháp bơm cồn qua da và laser liệu pháp dưới sự hướng dẫn của siêu âm chưa được ứng dụng rộng rãi, cần nhiều nghiên cứu để đánh giá hiệu quả.