“Bệnh lớn tim” là một danh từ dùng trong dân gian để chỉ các bệnh tim có quả tim lớn. Trong ngành y, người ta thường dùng các danh từ “tim to toàn bộ”, “tim bò” để nói về những quả tim lớn đó. Đại đa số các trường hợp bệnh tim bẩm sinh hay mắc phải ở giai đoạn suy tim nặng (độ 3, độ 4) đều có tim lớn hay còn gọi là “tim to toàn bộ”, “tim bò”. Đó là thể hiện của sự mất bù trừ nghiêm trọng của hệ thống tuần hoàn, lúc đầu thành tim dày ra (phì đại) sau đó cơ tim dần dần trở nên nhão và các buồng tim giãn nở lớn ra. Có một số bệnh tim, ở giai đoạn đầu chỉ thấy một nửa phải hoặc nửa trái của tim bị phì đại, giãn nở mà người ta thường gọi là “dày thất phải, “phình giãn thất phải” “dày thất trái” “phình giãn thất trái”. Trong bệnh viêm tràn dịch, tràn mủ màng ngoài tim, bóng tim cũng rất lớn, ở giai đoạn đầu, dịch và mủ chiếm một khoảng rộng trong xoang màng ngoài tim và chèn ép tim, lúc đó tim chưa lớn mà chỉ thấy bóng tim lớn. Ớ giai đoạn cuối của bệnh, tim cũng giãn ra và lớn như các bệnh tim khác.
Vậy “tim lớn” không phải là một bệnh, do đó không nên gọi là “bệnh lớn tim”, mà chỉ là biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn cuối của các bệnh tim.
Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng, ở một số người thường xuyên luyện tập cơ thể, các nhà thể thao chuyên nghiệp, các vận động viên thể thao, thể dục, quả tim có thể lớn hơn tim người không luyện tập có tuổi và cân nặng ngang nhau. Ớ những người đó, tim phải làm việc nhiều để đáp ứng nhu cầu cho công việc luyện tập, thành của nó dày ra, toàn bộ tim to ra nhưng cơ tim chắc lại, không bị nhão vì giãn nở ra như tim bệnh.
Đó là “tim to sinh lý” chỉ có lợi mà không có hại cho cơ thể, và chắc chắn đây không phải là “bệnh tim lớn”, chúng ta khuyến khích mọi người có “quả tim sinh lý” khỏe mạnh như thế.