Nguyên nhân của bệnh hẹp lỗ van động mạch chủ có thể là viêm màng trong tim do thấp hoặc viêm động mạch chủ do giang mai. Hẹp lỗ van động mạch chủ thường có hở van động mạch chủ kèm theo, về mặt giải phẫu, ta thấy các phễu, lỗ van động mạch chủ co dúm lại và dính với nhau. Cuối cùng lỗ van bị hẹp lại và có hình một cái phễu, lỗ nhỏ hướng về phía động mạch chủ.

Trong bệnh này, rối loạn tuần hoàn thường bị gây ra bởi sự cản trở dòng máu chảy từ tâm thất trái vào động mạch chủ qua lỗ van hẹp. Vì sự cản trở đó phát sinh ra dần dần nên trong quá trình bệnh phát triển, thành tâm thất trái cũng dần dần dày ra, và ở trong trạng thái bù trừ tốt, không bị rối loạn tuần hoàn. Khi đó áp lực động mạch chủ vẫn ở mức độ gần bình thường vì áp lực của tâm thất trái tăng lên, cơ tim còn co bóp tốt.

Dần dần bệnh nặng lên và cuối cùng tâm thất trái giãn căng, máu ứ ngược lên tâm nhĩ trái và vào vòng tiểu tuần hoàn. Khi đó áp lực trong động mạch chủ hạ thấp xuống, gây nên một sự chênh lệch rõ rệt giữa áp lực động mạch chủ và tâm thất trái (áp lực động mạch chủ thấp dưới mức bình thường, áp lực trong tâm thất trái cao).

Những triệu chứng lâm sàng của bệnh hẹp van động mạch chủ rất điển hình. Ớ giai đoạn đầu, trong một thời gian khá lâu, bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường, về sau, chỉ khi sự tuần hoàn đã bị rối loạn mới thấy xuất hiện triệu chứng khó thở, chóng mặt, đau ỗ vùng tim, tim đập mạnh.

Khó thở trong hẹp van động mạch chủ có hai nguyên nhân: một là thiếu dưỡng khí trong các tổ chức và tế bào vì máu động mạch chủ chảy tới ít, không đủ; hai là máu bị ứ lên phổi, làm cản trở hô hấp ngoài.

Chóng mặt là do thiếu dưỡng khí trong các tổ chức và tế bào: máu động mạch chủ chảy vào não ít, gây thiếu dưỡng khí ở não.

Đau ở vùng tim cũng do thiếu dưỡng khí vì cơ tim cũng như các tổ chức khác đều bị ảnh hưởng khi dòng máu động mạch chủ không chảy tới đủ,

Trong giai đoạn cuối của bệnh thường hay phát sinh các cơn suyễn tim do sự mất thăng bằng giữa dòng máu chảy về phổi và dòng máu chảy từ phổi đi. Máu chảy về phổi nhiều, còn máu từ phổi chảy đi thì bị cản trở, phổi bị tràn ngập máu.

Da và niêm mạc bệnh nhân nhợt nhạt, lồng ngực có thể hơi bị biến dạng do tâm thất trái to ra. Mỏm tim nhìn thấy đập ở thấp và lệch về bên trái. Áp lực động mạch ngoại biên hơi thấp. Chụp X quang thấy tim to về bên trái.

Khi nghe ở trên ổ van động mạch chủ, thấy rõ tiếng thổi tâm thu rất mạnh (tiếng thổi khi các tâm thất co bóp) vì máu chảy qua các lỗ van hẹp một cách rất khó khăn. Tiếng thổi đôi khi rất mạnh đến nỗi ta có thể nghe thấy khi đứng gần bệnh nhân.

Theo các dấu hiệu và triệu chứng kể trên, ta có thể chẩn đoán được bệnh hẹp lỗ van động mạch chủ. Tuy vậy, đối với người thầy thuốc mổ xẻ thì như thế vẫn chưa đủ, mà còn phải đo sự chênh lệch giữa áp lực động mạch chủ và áp lực trong tâm thất trái. Dựa vào đó, ta đặt vấn đề chỉ định mổ mở van hay thay van.

Chúng tôi đo áp lực động mạch chủ và áp lực tâm thất trái bằng phương pháp thông tim trái (đưa ông thông tim vào động mạch chủ ngược chiều qua động mạch đùi) hoặc đo trong khi tiến hành mổ xẻ bằng cách chọc kim trực tiếp vào tâm thất trái và vào động mạch chủ.

Chống chỉ định mổ khi quá trình thấp tim đang tiến triển hoặc khi cơ tim đã bị biến đổi nhiều với những hiện tượng mất bù trừ rõ rệt.

Điều trị phẫu thuật bệnh hẹp lỗ van động mạch chủ bằng hai phương pháp sau đây: mở lỗ van động mạch chủ bằng dụng cụ (phương pháp kín) hoặc cắt mép van động mạch chủ trực tiếp dưới sự kiểm tra của mắt phẫu thuật viên trong điều kiện hạ thể nhiệt nhân tạo hay tuần hoàn ngoài cơ thể (phương pháp hở) và thay van động mạch chủ bằng van tim nhân tạo trong điều kiện tuần hoàn ngoài cơ thể.

Mổ mở van động mạch chủ qua thành tâm thất trái bằng một cái nong van đặc biệt là phương pháp có nhiều nguy hiểm và hiện nay người ta ít áp dụng, vì khi nong lỗ van, ta có thể làm rách hoặc làm vỡ các nắp van tim bị cứng do vôi hóa, kết quả sẽ làm cho van động mạch chủ bị hở nặng và cuối cùng có thể dẫn tới tử vong.

Cắt mép van động mạch chủ dưới sự kiểm tra của mắt trong điều kiện hạ thể nhiệt nhân tạo hay tuần hoàn ngoài cơ thể chỉ có thể thực hiện được khi các nắp van còn mềm mại, chưa bị biến đổi nặng, nhất là chưa bị vôi hóa. MỔ bằng phương pháp này cho kết quả tốt hơn phương pháp nong van bằng dụng cụ.

Khi các nắp van động mạch chủ bị tổn thương nặng, thay van động mạch chủ bằng van tim nhân tạo là phương pháp lý tưởng nhất. Thật vậy, thay van tim cho tới nay vẫn còn có một số nhược điểm như chúng tôi đã trình bày ở trên (trong bệnh hẹp van hai lá), do đó hiện nay người ta vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cải tiến thêm.

Nếu thời kì sau mổ tiến triển bình thường, không có biến chứng gì thì một tháng sau khi mổ có thể cho bệnh nhân ra viện và chỉ cho phép trở lại lao động bình thường sau khi mổ sáu tháng.

Trong số 84 bệnh nhân được chúng tôi mổ và theo dõi điều trị (luận án phó tiến sĩ năm 1964), có 43 trường hợp hẹp van động mạch chủ đơn thuần, 38 trường hợp hẹp van động mạch chủ phối hợp với hẹp van hai lá và 3 trường hợp hẹp van động mạch chủ, hẹp van hai lá và hẹp van ba lá phối hợp. Trong số 44 bệnh nhân được chúng tôi theo dõi kết quả lâu dài, có 31 trường hợp kết quả tốt, trở lại lao động bình thường, 9 bệnh nhân với kết quả trung bình, nghĩa là các triệu chứng chính của bệnh chỉ giảm đi, 3 bệnh nhân với tình trạng không hơn không kém so với trước khi mổ và 1 bệnh nhân kết quả xấu sau khi mổ, nghĩa là tình trạng bệnh nhân tồi đi nhiều so với trước khi mổ.

0/50 ratings
Bình luận đóng