Bệnh mạn tính do giun móc gây ra, phổ biến ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bệnh có biểu hiện tiêu hoá nhưng sự trầm trọng lại là thiếu máu nhược sắc do giun có khả năng làm mất khối lượng máu lớn.

KÝ SINH TRÙNG

Giun Ancylostoma Duodenale trưởng thành màu trắng xám, xoang miệng có 2 đôi răng nhọn. Giun đực. dài 8-11 mm, phần đuôi phình to thành hình túi (burse), sườn lưng đến đuôi chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh chẻ 3. Giun đực có 2 gai giao hợp tách rời. Giun cái dài 10-13 mm, đuôi cùn.

Giun Necator Americanus trưởng thành nhỏ hơn Ancylostoma Duodenale, xoang miệng có 2 dao hình bán nguyệt. Giun đực dài 7-9mm, sườn lưng đến đuôi chia làm 2 nhánh, mỗi nhánh chẻ 2, giun đực có 2 gai giao hợp chụm lại. Giun cái dài 9-11mm.

Ancylostoma Duodenale sống ở tá tràng, Necator Americanus sống ở phần đầu hỗng tràng. Giun cái đẻ 10.000 trứng (Necator) hay 20.000 trứng (Ancylostoma)/ngày. Trứng theo phân ra ngoài có một đám tế bào phôi, ở ngoại cảnh phù hợp: Đất xốp ẩm, có bóng râm, pH trung tính… trứng phát triển và nở ra ấu trùng I sau 3-5 ngày; ấu trùng (ăn các chất hữu cơ trong phân và lột xác thành ấu trùng II sau 1 tuần). Ấu trùng II có khả năng lây nhiễm, không ăn, nó có thể sống tối đa 3 tháng ở ngoại cảnh. Khi người tiếp xúc với đất có ấu trùng II, nó chui qua da, vào máu, lên gan rồi tới phổi. Sau đó ấu trùng di chuyển lên phế quản, xuống ruột non và trưởng thành khoảng 30 ngày sau khi nhiễm, 10 ngày sau đó giun cái bắt đầu đẻ trứng.

DỊCH TỄ

Bệnh do giun móc phổ biến, ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đối, nhất là những ndi người dân sống thiếu vệ sinh (đi tiêu bừa bãi), có tục sử dụng phân người để bón cây, có tập quán đi chân đất, tay tiếp xúc với đất trong khi lao động: ở vùng ôn đới, bệnh tập trung vào các vùng hầm mỏ, những kho dưới đất. Bệnh có vẻ như một bệnh nghề nghiệp. .

Tỷ lệ nhiễm giun chịu ảnh hưởng rõ rệt của các yếu tố- địa lý, thời tiết, tuổi, mức độ tiếp xúc với đất. ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm giun ở miền Bắc là 10-15%, miền Nam khoảng 10% nói chung nhưng cao hơn ở các vùng trồng rẫy, cao su, làm gạch ngói…

BỆNH SINH

Ấu trùng giun khi chui vào da có thể gây ngứa ở điểm xâm nhập, cũng như chúng có thể gây phản ứng viêm ở phổi, mức độ nghiêm trọng tuỳ vào số- lượng ấu trùng.

Giun trưởng thành gây viêm ruột, tiêu chảy vào lúc đầu. Sau đó giun tiết ra chất kháng đông gây xuất huyết liên tục ở niêm mạc nơi giun bám, bệnh nhân bị mất máu một phần do giun hút vào ruột, một phần máu chảy vào lòng ruột theo phân ra ngoài. Số lượng máu mất/ 1 con giun/ ngày là 0,03 ml với Necator Americanus và 0,20 ml với Ancylostoma Duodenal. Dần dần trữ lượng sắt trong cơ thể bị hao hụt, bệnh nhân bị thiếu máu nhược sắc, dẫn theo các hội chứng lâm sàng liên quan đến thiếu máu.

TRIỆU CHỨNG

Giai đoạn ấu trùng qua da, phối

Ngứa da, mẩn đỏ ở chân, tay.

Ho, khó nuốt… không có hội chứng Loefer rõ như trường hợp giun đũa.

Giai đoạn giun trưởng thành

Rối loạn tiêu hoá:

Đau thượng vị (viêm tá tràng).

Nôn, ói.

Ăn không ngon.

Tiêu chảy.

Hội chứng thiếu máu:

Mức độ trầm trọng tuỳ theo số lượng giun ký sinh và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.

Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt.

Khó thở, tim đập nhanh, huyết áp giảm, bóng tim to trên X quang.

Da phù, dấu Godet (+), móng dẹt, cong như muỗng cà phê.

Hồng cầu có thể chỉ còn 1-2 triệu/ mm3, hemoglobin có khi còn 2 g%, hồng cầu nhỏ, nhược sắc.

CHẨN ĐOÁN

  • Tìm trứng giun trong phân.
  • Đếm số trứng giun có thể cho biết số lượng giun nhiễm.

ĐIỀU TRỊ

  • Tẩy giun bằng

Pyrantel pamoat: 20mg/kg/ ngày trong 2-3 ngày.

Thiabendazol 50 mg/kg liều duy nhất.

Livamisol 6 mg/ kg/ngày trong 2 ngày.

Mebendazol 200mg/ ngày trong 3ngày.

Albendazol liều duy nhất 400 mg. .

  • Bù sắt

Sulfat hay fumarat sắt 0,5- lg/ngày. Khi nặng có thể truyền máu.

DỰ PHÒNG VÀ CHĂM SÓC

Dự phòng

Phát hiện bệnh và điều trị hàng loạt.

Quản lý tốt phân, vận động người dân làm hố xí hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi, không dùng phân tươi để bón cây.

Diệt ấu trùng ở ngoại cảnh: rắc vôi ở nơi ô nhiễm nặng.

Giáo dục sức khoẻ về các biện pháp phòng chống giun.

Công nhân hầm mỏ, người dân phải tiếp xúc với đất cần mang giầy khi lao động, phòng chống suy dinh dưỡng.

Chăm sóc bệnh nhân

Ngoài các biện pháp dự phòng cho cá nhân (giáo dục sức khoẻ…), việc chăm sóc bệnh nhân nhằm:

Tẩy giun một cách có hiệu quả (sạch giun) và an toàn (tránh các phản ứng phụ của thuốc). Chú ý các chống chỉ định của Mebendazol, Albendazol, đặc biệt với người có thai.

Chăm sóc bệnh nhân cũng nằm trong chăm sóc người bị thiếu máu nhược sắc nói chung. Bù đủ sắt và bồi dưỡng cơ thể sẽ làm cải thiện rất nhanh bệnh cảnh thiếu máu do giun.

0/50 ratings
Bình luận đóng