BA KÍCH LÔNG
Tên khác: Ba kích quả to, Đại quả Ba kích, Nhàu Nam Bộ.
Tên khoa học: Morinda cochinchinensis DC.; thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).
Mô tả: Cây nhỡ, thân có lông vàng dày, nằm. Lá có phiến thon, chóp có đuôi, dài 5-10mm, đen lúc khô, hai mặt có lông vàng, dày ở gân chính, gân phụ 10-12 cặp; cuống dài 4-10mm; lá kèm mỏng, nhọn, có lông. Tán hoa 5-8 mỗi tán mang 30-40 hoa, cuống tán 3,3cm, hoa không cuống, lúc khô đen; đài cao 1,5mm, tràng có ống cao 2,2mm, trắng. Quả hợp, to vào cỡ 2cm, vàng khi chín sau đỏ.
Bộ phận dùng: Rễ (Radix Morindae Cochinchinensis), thường có tên là Ðại quả Ba kích.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc ở các tỉnh phía Nam, gặp nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên; Kontum, Gia Lai, Ðắc Lắc, Lâm Ðồng. Thu hái rễ quanh năm. Rễ gầy và ít thịt hơn Ba kích.
Tính vị, tác dụng: Vị cay ngọt tính hơi ấm; có tác dụng làm ngừng ho, trừ phong.
Công dụng: Ta thường dùng như Ba kích, chữa lưng gối mỏi đau, phong thấp, đau thần kinh tọa, chữa di tinh, mộng tinh.
Cách dùng liều lượng: Ngày dùng 4-8g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1.Chữa lưng gối mỏi đau, mặt trắng nhợt nhạt, chân tay lạnh: Ba kích lông, Tục đoạn, Cốt toái bổ, Cẩu tích, mỗi vị 12g, Thiên niện kiện 8g, sắc uống mỗi ngày một thang, dùng 5-7 ngày.
2.Chữa thận hư di tinh: Ba kích, Thục địa, mỗi vị 15g, Sơn thù du, Kim anh mỗi vị 12g sắc uống.
3.Chữa di tinh, mộng tinh: Khiếm thực 20g, Bạch tật lê 12g, hạt Sen 20g, Long cốt 20g, nhị Sen 10g, Ba kích lông 12g, Thỏ ty tử 20g, Câu kỷ tử 12g, vỏ Đùm đụm 20, Kim anh tử 12g, sắc uống ngày một thang,
dùng 5-7 ngày liền.
4.Chữa đau thần kinh tọa: Ba kích lông 16g, Dây chiều 10g, Nho rừng 20g, Thiên niên kiện 16g, Cối xay 16g, Trinh nữ 16g, lá Lốt 12g, Cỏ xước 20g, Sầm xạ 20g, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia 2 lần uống trong ngày.