BA GẠC LÁ NHỎ

Tên khác: Ba gạc lá mỏng; ba gạc đông dương; Huỳnh cầm núi.
Tên khoa học: Rauvolfia micrantha Hook.f.; thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae).
Tên đồng nghĩa: Rauvolfia membranifolia Kerr; R. littoralis Pierre ex Pitard; R. indochinensis Pichon
Mô tả: Cây bụi cao tới 0,8m. Vỏ thân xù xì, màu vàng đất, không có lông. Lá mọc vòng 3, hơi cứng, dài 5-11cm (có thể tới 15-24cm), rộng 1,5-2,9cm, nhọn hai đầu, mép lá nguyên, mặt trên xanh đậm, mặt dưới xanh nhạt, gân phụ 8-17 cặp. Hoa mọc thành xim ở nách và ngọn, dài 3-5cm. Hoa nhỏ, cao 6mm, ống tràng dài 3mm, màu xanh tím phớt trắng, cánh hoa 1mm, màu trắng. Nhị 5, đính trên ống tràng. Bầu gồm hai lá noãn dính nhau ở giữa, đĩa mật hình vòng tròn. Quả hạch đơn hay kép, hình cầu hay hình trứng dài, lúc non màu xanh, khi chín màu tím đen, cao 8mm, rộng 5mm.
Bộ phận dùng: Vỏ rễ, lá (Cortex – Radicis et Folium Rauvolfiae micranthae).
Nơi sống và thu hái: Cây đặc hữu của Ðông Dương, phân bố ở vùng đồi núi thấp và cao nguyên và cả ở ven biển miền Trung, miền Nam (các đảo ven biển Kiên giang: Phú Quốc…). Có thể thu hái lá và vỏ rễ quanh năm.
Thành phần hoá học: Vỏ rễ chứa 2,5-2,8% alkaloid toàn phần sơ bộ thấy có reserpin.
Tính vị, tác dụng: Vỏ rễ có vị đắng tính hàn, có tác dụng hạ huyết áp và an thần, Reserpin có tác dụng hạ huyết áp. Cây còn có tác dụng kháng sinh, sát trùng.
Công dụng: Vỏ rễ thường dùng trị cao huyết áp và lỵ. Còn dùng chữa chốc đầu. Trong dân gian, có khi dùng rễ sắc uống trị thương hàn, tiêu độc và trị đau đầu. Cành lá sắc uống trị

sốt rét, có khi dùng làm thuốc sát trùng. Lá dùng chữa mụn nhọt, nhọt độc sưng to trong thời kỳ viêm, chữa huyết vận, sưng vú, đau vú.

Cách dùng: Thường dùng dưới dạng sắc vỏ rễ hay rễ dùng ngoài giã nát để đắp tiêu sưng.

0/50 ratings
Bình luận đóng