1 – Nhóm phẩm nhuộm:
Những dẫn chất thuộc nhóm này có màu từ đỏ cam đến tía; trong cấu trúc có 2 nhóm OH kế cận ở vị trí a và b và hay gặp trong một số chi thuộc họ Cà phê – Rubiaceae (chi Rubia, Coprosma…) Ví dụ alizarin (= 1,2-dihydroxy anthraquinon), acid ruberythric (=2-primeverosid của alizarin), purpurin (= 1,2,4-trihydroxyanthraquinon).
Có thể kể thêm một số dẫn chất khác:
Boletol là chất có màu đỏ sáng có trong một số loài nấm thuộc chi Boletus.
Acid carminic (=7-C-glucopyranosyl-3,5,6,8-tetrahydroxy-1-methylanthraquinon-2-carboxylic acid) ở dạng muối nhôm được gọi là carmin có màu đỏ là thuốc nhuộm dùng làm tá dược màu trong bào chế khoa, trong thực phẩm, mỹ phẩm và nhuộm vi phẫu thực vật. Acid carminic được chiết từ loài sâu Dactylopius coccus Costa (Coccus cacti L.). Loại sâu này sống trên nhiều loài xương rồng thuộc chi Opuntia họ Xương rồng – Cactaceae ở Trung Mỹ, chủ yếu ở Mexico. Người ta lấy những con sâu cái trước khi trứng chưa phát triển hoàn toàn rồi đem sấy khô. Nguyên liệu chứa đến 10% chất màu. Acid carminic là một C-glucosid.
Acid kermesic là chất màu cho bởi loài sâu Kermococcus ilicus.
Ở nước ta có cánh kiến đỏ là sản phẩm do loài sâu Laccifer lacca Kerr. tạo ra trên cành một số cây chủ như cây đậu chiều – Cajamus indicus Spreng, cây đề – Ficus religiosa L. và một số cây khác. Thành phần chính của cánh kiến đỏ là nhựa (75%) dùng để chế shellac. Shellac được sử dụng để đánh bóng verni đồ gỗ, tre, mây, chế sáp triện… Sản phẩm phụ là chất màu đỏ sẫm gọi là acid laccaic. Đây là một hỗn hợp nhiều chất, trong đó acid laccaic A, B, C có màu đỏ. Acid laccaic D vì không có 2 nhóm OH ở a và b nên có màu vàng.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật