Tăng huyết áp thai kỳ là gì ?
Tăng huyết áp thai kỳ là một biểu hiện xảy ra trong thời kỳ có thai. Theo các thống kê ở nước ngoài, 8 – 10% thai phụ có tăng huyết áp thai kỳ, song một nửa đã bị tăng huyết áp từ trước khi có thai, ở số còn lại chính thai kỳ đã gây nên tăng huyết áp, nhất là từ tuần thứ 20 trở đi. Tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến sản giật là một tai biến rất nặng xảy ra trong những tháng cuối cùng của thai kỳ, nếu không được xử trí kịp thời thì dễ đe doạ tính mạng cả mẹ lẫn con. Bệnh nhân bị bệnh này thường là thai phụ con so có tuổi rất trẻ nhưng cũng xảy ra ở những thai phụ con so lớn tuổi và ở cả những thai phụ có tuổi trên 35, bất kể đẻ lần thứ mấy.
Các triệu chứng chính được coi là tiền sản giật:
– Tăng huyết áp: tăng huyết áp là đặc trưng cơ bản của bệnh, cả huyết áp tâm thu lẫn tâm trương đều tăng, nhưng người ta chú ý đến huyết áp tâm trương nhiều hơn. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới huyết áp tâm trương được coi là tăng khi >90 mmHg; tuy nhiên do mức huyết áp của phụ nữ bình thường thường giảm trong thời kỳ có thai nên một số tác giả đã đề nghị những con số thấp hơn ví dụ 85 mmHg đã phải coi là tăng. Báo cáo kỹ thuật số 758 năm 1987 của Tổ chức Y tế thế giới đã quy định “huyết áp tâm trương phải tồn tại dai dẳng từ 90 mmHg trở lên qua 2 lần đo liên tiếp cách nhau 4 giờ trở lên sau khi nghỉ ngơi, khoảng cách 4 giờ đó có thể giảm xuống trong trường hợp cần lấy thai ra để cấp cứu hoặc nếu có huyết áp tâm trương >110 mmHg”.
– Protein niệu: Protein niệu (thường vẫn gọi nhầm là albumin niệu) phải xuất hiện cùng với tăng huyết áp. Nếu có trước tăng huyết áp thì phải nghĩ đến bệnh thận tiềm tàng, nếu xuất hiện mà không có tăng huyết áp thì phải nghĩ đến biến chứng thận của thai kỳ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu sinh dục… Lượng protein niệu phải có ít nhất 300 mg trong 1 lít nước tiểu, người ta quy định :
0,30 – 0,45 g/l +
0,45 – 1 g/l + +
>1 – <3g/l +++
>3 g/l ++++
Friedman và Neff thấy rằng sự phối hợp huyết áp tâm trương từ 95 mmHg trở lên với protein niệu (++) trở lên làm tỷ lệ tử vong thai nhi vượt xa tổng số các tỷ lệ tử vong độc lập.
- Phù và tăng cân là triệu chứng sớm nhưng không đặc hiệu. Người ta thấy rằng các sản phụ có thai lần đầu bị phù toàn thân, hoặc tăng cân từ 0,5 kg trở lên mỗi tuần từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 28 của thai kỳ thì có nguy cơ bị sản giật.
- Các dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén như mệt mỏi, uể oải, tiểu tiện ít, hay nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt…
Bệnh sẽ dẫn đến sản giật rất nguy hiểm, xuất hiện rất đột ngột với những cơn co cứng, bệnh nhân cứng đờ như khúc gỗ, tím tái… rồi co giật toàn thân, sau đó mê man bất tỉnh, thở rống như người ngủ say, gọi hỏi không biết; vài phút tới vài chục phút sau, bệnh nhân mới tỉnh nhưng tiếp tục ngủ vì mệt mỏi. Nếu cơn co giật liên tiếp xuất hiện thì thời gian hôn mê kéo dài nhiều giờ. Tỷ lệ tử vong của mẹ do sản giật đã được báo cáo là 5,5% ở tuổi thanh thiếu nữ, 20% ở phụ nữ >30 tuổi, một nghiên cứu khác trên 208 trường hợp sản giật cho thấy tỷ lệ đó là 1,1% ở tuổi thanh thiếu nữ và 9% ở tuổi 40-43, tỷ lệ tử vong ở người đẻ con dạ gấp 2-3 lần so với người đẻ con so (báo cáo kỹ thuật số 758 của Tổ chức y tế thế giới 1987). Nguyên nhân chính gây tử vong là chảy máu não rồi đến suy hô hấp, suy tim, chảy máu sau đẻ, đông máu rải rác trong mạch, suy thận cấp, bong rau non… Về phía con, ngoài tử vong trong bụng mẹ do nhiễm độc thai nghén nặng, số trẻ sống cũng bị suy dinh dưỡng, phát triển kém; theo một số tài liệu, tử vong chu sinh tăng gấp 3 lần so với các trường hợp thai bình thường.
Về cơ chế sinh bệnh, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất. Các tài liệu về giải phẫu bệnh lý cho thấy tổn thương chủ yếu ở các động mạch của rau thai, làm tăng sinh thromboxan là một chất gây co mạch rất mạnh và gây tăng kết dính tiểu cầu, tăng đông máu với hậu quả là làm cho giảm cung lượng máu cần thiết đến cho rau thai, làm cho rau thai bị thiếu máu, chức năng bị suy giảm dẫn đến nhiều rối loạn bệnh lý cho cả mẹ lẫn con. Ngoài các tổn thương trên, người ta còn thấy những tổn thương ở các tiểu động mạch cầu thận.
Dự phòng và điều trị tăng huyết áp thai kỳ ?
Để đề phòng sản giật, người phụ nữ có thai nhất là những người có nhiều nguy cơ phải được thường xuyên thăm khám tại các cơ sở sản khoa, ngoài khám thai phải được đo huyết áp và kiểm tra protein trong nước tiểu, nhất là trong 3 tháng cuối của kỳ thai. Khi thấy các biểu hiện bất thường, thầy thuốc sẽ cho những hướng dẫn cần thiết như chế độ theo dõi, chế độ nghỉ ngơi, chế độ ăn giảm natri phù hợp với bệnh, phương pháp điều trị…
Trong điều trị, tuỳ theo tình hình bệnh, tuổi của thai, sức khoẻ của sản phụ… thầy thuốc sẽ quyết định giữ thai hay phải xử trí để lấy thai ra. Lấy thai ra nói chung là cách điều trị dứt điểm đối với bệnh khi đã có cơn sản giật, tính toán để lấy thai ra đúng lúc còn tất cả các loại thuốc, các cách điều trị khác chỉ là các biện pháp tạm thời. Đối với triệu chứng tăng huyết áp, phải dùng thuốc để đưa huyết áp xuống, song không được dùng các thuốc quá mạnh và cũng không nên đưa huyết áp xuống quá nhanh, sợ ảnh hưởng xấu đến tuần hoàn rau – thai rất nguy hiểm cho thai nhi. Người ta hay dùng thuốc ức chế thụ thể beta (propranolol, metoprolol), alpha-methyl dopa (Aldomet, Dopegyt), các thuốc này có hiệu lực trên 80% số bệnh nhân. Không dùng các thuốc lợi tiểu và chế độ ăn nhạt, dễ làm giảm thể tích máu lưu hành nhiều hơn và có hại cho thai nhi. Cũng không dùng nhóm các chất ức chế men chuyển (Captopril) và nhóm các chất đối kháng các thụ thể của angiotensin đã thấy có tai biến đối với thai nhi. Khi đã có biểu hiện co giật thì phải tích cực điều trị chống co giật (tiêm Seduxen, magiê sulfat…) trong khi chờ đợi lấy thai ra.
Một số tác giả chủ trương dùng aspirin liều thấp 100 mg/ngày để dự phòng bệnh này, aspirin có tác dụng ức chế mạnh sự hình thành thromboxan, nhiều công trình cho thấy kết quả tốt. Tuy vậy cũng còn ý kiến chưa đồng tình vì thuốc còn có những tác dụng phụ đáng ngại như gây chảy máu dạ dày…, dùng thuốc lâu ngày trong suốt thời kỳ có thai không phải là biện pháp không nguy hiểm.