Mục lục
Tên khoa học:
Kadsura japonica L. (Nam ngũ vị) Schizandra chinensis Baill. (Bắc ngũ vị). Họ khoa học: Mộc lan (Magnoliaceae).
Tên khác:
Ngũ mai tử, ứng cập.
Mô tả:
Cây ngũ vị thân gỗ mọc leo, có vỏ màu nâu sẫm, sần sùi, cành nhỏ, thường có cạnh. Lá mọc so le, phiến hình trứng ngược dài 5-10cm, rộng 2-5cm, mép khía răng cưa. Hoa đơn tính, màu trắng hay phớt hồng, có mùi thơm mát dịu. Quả trơn mọc thành chùm màu đỏ sẫm, có hai hạt trong một quả. Quả ngũ vị được dùng làm thuốc chữa bệnh.
Phân biệt tính chất, đặc điểm:
Ngũ vị tử Bắc có hình cầu hoặc hình cầu bẹt không đồng đều nhau, bề mặt màu đỏ, màu đỏ tía hoặc màu đỏ tối. Nhăn chun, lộ rõ sự trơn bóng của dầu, chất vỏ dày, hơi có ánh quang. Tay sờ vào có cảm giác ẩm mà trơn: Cùi mềm, có quả bề mặt còn lộ rõ màu đỏ hoặc xuất hiện 1 lớp “tuyết trắng”. Có từ 1 – 2 hạt, hình thận, bề mặt mầu nâu, có ánh quang. Hương nhẹ, vị chua.
Ngũ vị tử Nam nhỏ hơn Ngũ vị tử Bắc, quả chỉ 1 hạt. Bề mặt mầu be đỏ, quắt queo, nhăn chun, cùi mỏng, thường dính sát trên hạt. Loại nào sắc hồng, hạt to, cùi dày, có tính dầu, ấy là loại tốt.
Bảo quản:
Để nơi khô ráo, thoáng gió, phòng mốc.
Thành phần chủ yếu:
Sesquicarene, beta-bisabolene, beta-chamigrene, a – ylangene, schizandrin (Ngũ vị tử tố), pseudo-gamma-schizandrin, desoxyschysandrin, schizandrol, citral, stigmasterol, tinh dầu, acid hữu cơ, vitamin C, vitamin E.
Theo các nghiên cứu thời nay, . có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể, và tác dụng chống ung thư.
Tính vị và công hiệu:
Vị thuốc tính ôn, vị chua, ngọt, có công hiệu thu liễm cố sáp, ích khí sinh tân, ninh tâm bổ thận. Chủ trị các bệnh ho lâu hư suyễn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái dầm, đái nhiều lần, ỉa chảy lâu không cầm, tự ra mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, nước bọt tổn thương, miệng khát, khí đoản mạch hư, nội nhiệt tiêu khát, tim đập hốt hoảng, mất ngủ v.v… Mấy năm gần đây người ta dùng để cải thiện chức năng gan.
Liều lượng dùng và chú ý:
Cho vào thuốc sắc 2 – 6g, dùng bột: 1 – 3g/lần.
Độc tính: Liều độc cho uống ở chuột là khoảng 10 – 15g/kg. Biểu hiện độ độc quá liều là hoảng hốt, buồn ngủ hoặc khó thở.
Những cấm kỵ khi dùng thuốc:
Người bị ngoại cảm phát nhiệt, nội hữu thực nhiệt và khi vừa mới lên sởi kiêng dùng.
Ngũ vị Bắc thì màu đen, vỏ và thịt chua ngọt, hột thì đắng cay mặn, Ngũ vị Nam thì sắc vàng, cay và ngọt, nặng hơn.
Theo “Dược phẩm vựng yếu”
Khí vị:
Vị chua đắng, hơi mặn, khí ôn, đủ cả 5 vị mà không có độc, là vị thuốc có ít dương ở trong âm, vào phần huyết của kinh Túc thiếu âm và Thủ thái âm, phần khí của kinh Túc thiếu âm, Thung dung làm sứ, ghét Uy di, thắng Ô đầu.
Chủ dụng:
Bổ hư tổn lao thương, thu con ngươi tán đại, vị chua thu liễm khí hao tán của Phế kim, tính nó bổ mà nhuận cho Thận thủy suy yếu, sinh tân dịch, khỏi khát nước, ích khí, mạnh chân âm, sáp tinh, liễm mồ hôi, định suyễn, sáp tràng, bổ hư, sáng mắt, trừ phiền nhiệt mà bổ nguyên dương, giải độc Rượu mà mạnh gân xương. Thực là vị thuốc chủ yếu đưa khí về nguồn, bảo vệ và giữ gìn khí của Phế, Thận. Lại nói điều hòa được khí của trung tiêu, chữa chứng hoắc loạn gân co rút, phiên vị, tiêu thức ăn tích tụ, báng tích, lãnh khí bôn đồn, khí thủy thấp ẩm ướt, bụng nề trướng to, do đó có công năng điều hòa Tỳ
Hợp dụng:
Cùng dùng với Can Khương chữa chứng ho do Phế hàn của mùa Đông rất hay, cùng dùng với Hoàng kỳ, Nhân sâm, Mạch môn, Hoàng bá để chữa chứng nóng mệt ở cuối Hè cũng tốt.
Cấm ky: Ho mà hỏa khí thịnh không nên vội dùng thuốc hàn lương, tuy vị chua tính liễm cũng không nên dùng nhiều, nếu dùng nhiều có khi lại sinh ra bế nghẽn. Họ Khâu cho rằng ăn nó nhiều sẽ sinh ra hư nhiệt, đó là vì thu bổ vội quá. Còn như phong tà ở ngoài biểu, sởi mới hình thành thì nhất thiết đừng dùng, Phế có thực nhiệt phải cấm tuyệt, khi có ngoại tà bó ở phần biểu thì chớ dùng lầm.
Cách chế:
Muốn cho liễm thì dùng sống, muốn cho 5 mùi vị cùng xuất hiện thì nghiền nhỏ mà dùng, muốn cho bổ nhiều thì giã nát chưng với Mật và Rượu để tăng vị ngọt và giảm bớt tính vị chua gắt của nó.
Nhận xét:
Ngũ vị tử thịt nó chua có thừa mà ngọt không đủ, hột nó đắng cay mà mặn cho nên gọi là ngũ vị. Ông Trương Khiêt Cô nói: mùa hè uống Ngũ vị tử làm cho tinh thân tăng thêm, gân sức hai chân mạnh lên là vì dùng vị chua của Ngũ vị tử để giúp cho Nhân sâm thì tả được hỏa ở phương Bính mà bổ cho Kim ở phương Canh, là vị thuốc để thu liễm hao tán. Lý Đông Viên nói: Thần của Đồng tử (con ngươi) tán đại thì Ngũ vị tử phải dùng để chữa hỏa nhiệt, Nếu có ngoại tà thì không nên dùng vội. Chu Đan Khê nói:Ngũ vị tử để thu Phế, bổ Thận, là thuốc tất yếu phải dùng để chữa chứng ho thuộc hỏa.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Bản sự phương”
Bài Ngũ vị tử tán
Ngũ vị từ 80g, Ngô thù du 20g. Cùng tán nhỏ, mỗi lần uống 2-3g, ngày 2 lần.
Trị chứng ngũ canh tiết tả lâu ngày.
“Phụ nhân lương phương”
Bài Tứ thần hoàn
Bổ cốt chỉ 160g, Ngô thù du 160g, Nhục đậu khấu 80g, Ngũ vị tử 80g. Cùng tán nhỏ, liều uống 6-8g, ngày 2 lần.
Trị Tỳ, Thận hư hàn, ngũ canh tiết tả, hoặc ỉa chảy kẻo dài, rói loạn tiêu hóa, hoặc đau bụng, chân tay lạnh, cũng dùng chữa viêm Đại tràng mạn tính thuộc thể Tỳ, Thận khí hư. (Xem thêm vị Ngô thù du).
Bài Xạ can ma hoàng thang (Kim quỹ yếu lược)
Xạ can 6g, Ma hoàng 8g, Sinh Khương 8g, Ngũ vị tử 5g, Đại táo 3 quả, Tế tân 6g, Tử uyển 6g, Khoản đông hoa 6g, Bán hạ 8g. Sắc, chia uống vài lần trong ngày. Chữa hàn ấm uất ở Phế, ho, khí nghịch lên, trong họng có tiếng khò khè.
“Thương hàn luận”
Bài Tiểu thanh long thang
Ma hoàng 6g, Quế chi 6g, Bạch thược 6g, Bán hạ 8g, can Khương 4g, Tế tân 6g, Ngũ vị tử 8g, Cam thảo 6g.
Sắc, chia uống vài lần trong ngày.
Những người có thủy dịch, hàn khí thượng xung, ho ra đờm loãng, nhiều mũi, hen Phế quản, ho gà, màng ngực có đờm hoặc bị phù Thận, cảm mạo, lên sởi, viêm kết mạc…dùng thuốc này để trừ hết thủy thấp, rất có kết quả. Thuốc phần nhiều hành khí cho nên không dùng cho người khí lực yếu. Tóm lại Tiểu thanh long thang trị chứng biểu nhiệt, lý hư, khí thượng xung hại Phế.
Bài này gia Thạch cao 10g dùng trị Phế táo nhiệt, nhiệt tà ở biểu, nhưng không đàm thấp kết ở Phổi, khí quản.
“Hướng dẫn sử dụng các bài thuốc”
Bài Tiểu thanh long hợp ma hạnh cam thạch thang
Ma hoàng 8g, Bạch thược, Can Khương, Cam thảo, quế chi, Tế tân đều 4-6g, Ngũ vị tử, Bán hạ đều 6-12g, Hạnh nhân 8g, Thạch cao 20g. sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Đây là bài Tiểu thanh long bội Ma hoàng, gia Hạnh nhân, Thạch cao. Tạng Phế thuộc Kim rất dễ hấp thụ nóng, lạnh, thấp hàn, thấp nhiệt. Khi bệnh quá nặng vì quá nhiệt nên phải dùng Thạch cao, Hạnh nhân. Thuốc dùng khi bị viêm Phế, viêm Phế quản, khó thở khi do các viêm nhiệt gây biến chứng như sởi. Thuốc dùng trị đàm nhiệt. Thuốc cũng dùng chữa chứng mồ hôi đầu.
Thuốc ứng dụng:
Bài 1. Thuốc chữa bệnh thận hư, đau eo lưng
+ Quả ngũ vị 200g
+ Đỗ trọng 100g
Cả hai thứ tán bột, dùng nước cháo luyện viên bằng hạt đậu xanh rồi phơi khô. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 viên với nước ấm, trước khi ăn. cần uống liền 11 ngày.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh hoạt tinh cho nam giới
+ Quả ngũ vị 6g
+ Mẫu lệ 4g
+ Phụ tử chế 6g
+ Tang phiêu tiêu 9g
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 450ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. Người bệnh chia đều 3 lần uống hết trong ngày, mỗi lần uống 60ml nước thuốc, cần uống 8-10 ngày liền.
Bài 3. Thuốc chữa bệnh ho lâu ngày
+ Quả ngũ vị 5g
+ Mạch môn 10g
+ Đảng sâm 10g
+ Tang phiêu tiêu 10g
Các vị thuốc cho vào nồi cùng 450ml nước đun sôi kỹ, chắt lấy 180ml nước đặc. người bệnh chia đều 3 lần uống hết trong ngày, sau bữa ăn. cần uống liền 7-9 ngày.
Bài 4. Thuốc chữa bệnh viêm gan mãn tính
+ Ngũ vị tử 5g
+ Táo đỏ 10g
+ Lạc nhân 20g
+ Linh chi 9g
+ Đan sâm 9g
+ Sài hồ 9g
Các vị thuốc cho vào nồi thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 21 ngày.
+ Ngũ vị tử 50g
+ Trần bì 40g
+ Nhân trần 60g
+ Linh chi 30g
+ Đan sâm 40g
+ Sài hồ 30g
Các vị thuốc sấy khô, tán nhỏ mịn, dùng nước cháo đặc luyện viên bằng hạt ngô, phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 viên thuốc với nước sôi để nguội, trước khi ăn.
Bài 5. Thuốc chữa bệnh di tinh
+ Ngũ vị tử 10g
+ Kê nội kim 10g
+ Củ mài 30g
+ Hạt sen 20g
+ Cam thảo 10g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, cần uống liền 21 ngày.
+ Ngũ vị tử 50g
+ Thương truật 120g
+ Hạt rau hẹ 120g
+ Hoài sơn 60g
+ Khiếm thực 60g
+ Kim anh tử 30g
+ Thỏ ty tử 30g
Các vị thuốc sấy khô, tán bột nhỏ mịn, dùng nước cháo đặc luyện viên bằng hạt ngô, phơi khô đem dùng. Người bệnh ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 viên thuốc với nước sôi để nguội, trước khi ăn.
Bài 6. Thuốc chữa bệnh huyết áp thấp
+ Ngũ vị tử 12g
+ Bạch linh 15g
+ Cam thảo 15g
+ Quế chi 10g
+ Hạt sen 30g
+ Đại táo 10 quả
+ Gừng tươi 3g
+ Củ mài 40g
Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, sau khi ăn. Cần uống liền 11 ngày.
Những bài thuốc bổ dưỡng từ ngũ vị tử:
Ngũ vị tử cao (cao ngũ vị tử)
Ngũ vị tử Bắc 500g Mật ong 1000ml
Ngũ vị tử rửa sạch, ngâm, nước, bỏ hạt, bỏ cùi vào nồi đất, sắc, lọc lấy nước, cho mật ong vào, đun nhỏ lửa cô đặc thành cao, đựng trong bình, để 2 – 3 ngày sau mang ra uống. Mỗi lần lấy 1-2 thìa canh, hoà nước sôi ấm, uống lúc đói.
Dùng cho người bị di tinh, đái nhiều do thận hư sinh ra.
Ngũ vị tử tửu (rượu Ngũ vị tử)
Ngũ vị tử Bắc 100g
Rượu gạo hoặc hoàng tửu 1000ml.
Ngũ vị tử ngâm trong rượu, bịt kín, 10 ngày sau có thể uống được. Mỗi ngày uống 2 lần sớm, tối, mỗi lần 1 cốc nhỏ.
Dùng cho người tim đập hoảng hốt do tâm hư, di tinh do thận hư và mất ngủ do tim, thận hư sinh ra.
Ngũ vị nữ trinh tử thang (thang ngũ vị, nữ trinh tử)
Ngũ vị tử Bắc 10 – 12g – Nữ trinh tử 12g
Sắc chung 2 vị, sau khi đun sôi được 1 giờ, lấy nước sắc đem uống nóng. Ngày 1 thang, 1 thang sắc 2 lần, chia 2 lần uống.
Đùng cho người bị ho, đổ mồ hôi trộm, di tinh do phế thận hư sinh ra.
Hạch đào nhân ngũ vị tử mật hồ (Hồ mật ong, hạch đào, ngũ vị)
Hạch đào 5 – 8 nhân – Ngũ vị tử 2 – 3g
Hạch đào bỏ vỏ lấy nhân, ngũ vị tử rửa sạch, cả 2 vị giã thật nát, luyện mật ong vào thành hồ. uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Dùng cho người khí đoản tự ra mồ hôi do phế khí hư, lúc nóng lúc rét, dễ bị cảm cúm.
Ngũ vị câu kỷ trà
Ngũ vị tử 5g – Câu kỷ tử 5g
Bỏ cả 2 vị vào cốc, hãm nước sôi, uống thay trà.
Dùng cho người thận hư tự vã mồ hôi.
Ngũ vị tử kê (gà ngũ vị)
Gà mái 1 con – Ngũ vị tử 30g
Gà thịt mổ moi, rửa sạch, nhồi ngũ vị tử vào trong bụng, khâu lại, cho vào liễn hầm, cho độ 350ml nước sôi, đậy vung, đặt trong nồi nước sôi, hầm khoảng 3 tiếng. Ăn thịt húp thang, chia 3 lần ăn cho hết. Ăn liên tục nhiều lần.
Dùng cho người hư lao gầy yếu, phế hư ho suyễn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, tả lị lâu ngày không khỏi v.v…
Ngũ vị tử trà (trà ngũ vị)
Ngũ vị tử Bắc 5g – Tía tô ngạnh lg
Nhân sâm 1g – Đường cát 100g
Ba vị thuốc trên sắc lấy nước, bỏ bã để lắng, cho đường vào. Uống từ từ thay trà.
Dùng cho người phổi bị khí dương lưỡng thương, bị ho do thận thuỷ không dâng lên được sinh ra, trong lòng buồn bực, miệng khát má không uống được nhiều, khí thiểu lực khiếm v.v…
Ngũ vị tử đường phân (bột ngũ vị trộn đường)
Bột ngũ vị tử 3g – Đường trắng 3g
Hòa ra uống ngày 3 lần, 30 ngày là 1 liệu trình.
Dùng cho người bị viêm gan vàng da.
Ngũ vị tử hồng táo đồn băng đường (ngũ vị, táo tầu hầm đường phèn)
Ngũ vị tử 10g – Táo tầu 10 quả
Đường phèn vừa phải.
Cho nước vào ninh chung, bỏ bã uống thang, ngày 1 thang chia 2 lần.
Dùng cho người viêm gan nặng
Ngũ vị tử kê đản (trứng gà ngũ vị tử)
Ngũ vị tử 250g – Trứng gà vỏ đỏ 10 quả
Ngũ vị tử cho vào nồi đất, cho nước vào sắc 30 phút, chờ
cho nguội hẳn, bỏ trứng vào, để nơi dâm mát, ngâm 7 ngày, lấy trứng ra, đun nhỏ lửa luộc chín. Mỗi ngày 1-2 lần, mỗi lần 1-2 quả trứng, dùng nước đường, rượu pha uống.
Dùng cho người viêm phế quản.
Ngũ vị tử đồn mật đường (Ngũ vị tử ninh mặt đường)
Ngũ vị tử 3g – Mật đường 25ml
Cho ít nước, bỏ vào liễn, ninh cách thuỷ 1 giờ, rồi lại lấy nước sôi pha loãng ra uống.
Dùng cho người bị ho lao phổi, ho mãi không khỏi và người già bị ho do viêm phế quản mạn tính.
Sinh mạch ẩm (Thuốc tim mạch)
Nhân sâm 6 – 9g – Mạch đông 15g
Ngũ vị tử 10 – 12g
Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
Dùng cho người sau khi bị sốt nóng khỏi, hoặc ốm lâu ngày, khí dương hư, sinh ra tim đập hoảng hốt, khí đoản, vã mồ hôi, miệng khát, mạch yếu, cũng có thể dùng cho người do khí dương hư, sinh ra huyết áp thấp, bị bệnh cơ tim v.v…