CHÈ

Tên khác: Trà, mạy chà (Tày)

Tên khoa học: Camellia sinensis (L.) o. Ktze Họ Chè   (Theaceae)

MÔ TẢ

Cây nhỏ hay cây nhỡ, được trồng để hái búp thì có dáng thấp vừa tầm; ở trạng thái hoang dại có chiều cao hàng mét. Lá mọc so le, có răng cưa đều ở mép, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm bóng.

Hoa màu trắng mọc ở kẽ lá, đài và tràng đều 5 phiến, nhị rất nhiều, bầu có lông.

Quả nang hình cầu, có cạnh, hạt gần tròn.

Mùa hoa quả: tháng 11

Các giống chè được cải tạo và chọn lọc rất phong phú và đều được sử dụng.

Cây chè
Cây chè

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, chè có nguồn gốc ở châu Á, nay đã phổ biến ở khắp các vùng nhiệt đới.

ở Việt Nam, chè mọc hoang ở một số vùng có độ cao khoảng hơn 2.000m ở dãy Hoàng Liên Sơn hiện có kích thước lớn.

Song, chè vẫn được coi là cây trồng truyền thống hàng trăm năm.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Lá và búp chè được thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân.

Dùng tươi hay phơi, sấy khô.

Nhiều dạng chè được chế biến, chủ yếu là chè xanh, chè đen.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Lá chè chứa cafein, tanin, caroten, riboflavin, acid ascorbic, acid nicotinic, acid malic và acid oxalic, theophyllin, xanthin, kaempferol, quercetrin, tinh dầu.

Ngoài ra, lá chè còn có saponin triterpen, các flavonoid.

 TÁC DỤNG DƯỢC LÝ

Chè có tác dụng ức chế sự tăng đường huyết chống đái tháo đường, có khả năng chống oxy hóa. Tanin trong chè khi tiếp xúc với niêm mạc ống tiêu hóa sẽ làm giảm hấp thu các chất sắt, calci nên dẫn đến táo bón. Cafein, theophyllin có tác dụng kích thích thần kinh, tăng sức lao động, lợi tiểu.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Chè có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, làm thư thái đầu óc, chống xây xẩm, tiêu độc, được dùng trong những trường hợp mệt mỏi, căng thẳng, khát nước, bí tiểu tiện, ngộ độc rượu.

Liều dùng hàng ngày: 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm. Dùng tươi, liều lượng nhiều hơn.

Chú ý: Uống chè liên tục lâu dài với liều cao, sẽ bị mất ngủ, gầy yếu, rối loạn thần kinh. Không nên uống nước chè trước khi đi ngủ.

Dùng ngoài, lấy lá chè tươi nấu nước đặc rửa vết thương, vết bỏng, lỏ loét.

Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu cho biết lá chè có khả năng chống ung thư.

BÀI THUỐC

  • Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Búp chè (50g), búp ổi (30g). Hai thứ thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

Dùng vài ngày.

  • Chữa lỵ trực khuẩn: Chè hương (50g), cam thảo (5g). Sắc uống.
0/50 ratings
Bình luận đóng