TÁC DỤNG CỦA CÁC THUỐC HƯỚNG THẦN

Tác dụng của các thuốc an thần kinh

  • Tác dụng chống loạn thần:

Các thuốc an thần kinh có tác dụng làm mất hoang tưởng, ảo giác và các rối loạn tư duy kiểu phân liệt.

  • Tác dụng an dịu:

Các thuốc an thần kinh có tác dụng chống kích động và các rối loạn hành vi, đồng thời cũng làm giảm sự căng thẳng tâm thần và gây ngủ.

  • Tác dụng giải ức chế:

Một số thuốc an thần kinh (Frenolon, Dogatil, Majeptil…) khi dùng liều thấp thì có tác dụng hoạt hoá, nhưng khi dùng liều cao thì lại có tác dụng an thần. Vì vậy, có thể dùng điều trị các triệu chứng căng trương lực, tình trạng lười biếng, tự kỷ, bàng quang vô cảm xúc.

  • Các tác dụng không mong muốn của các thuốc an thần kinh:
  • Chảy rãi, khó nuôt, run tay chân, khô miệng, táo bón, bí đái.
  • Bệnh nhân có cảm giác bồn chồn khó chịu, đứng ngồi không yên.
  • Huyết áp hạ khi thay đổi tư thế.
  • Mẩn ngứa, dị ứng thuốc.

Trong một số trường hợp có thể xuất hiện hội chứng an thần kinh ác tính.

  • Các thuốc an thần kinh thường dùng:

Aminazin, Haloperidol, Tisercin, Piportil, Mellaril, Dogmatil, Frenolon…

Tác dụng của các thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm tăng khí sắc, hoạt hoá tâm thần, kích thích thức tỉnh. Vì vậy, dùng để điều trị cho những bệnh nhân trầm cảm do những nguyên nhân khác nhau.

  • Phần lớn các thuốc chống trầm cảm đều có tác dụng điều trị sau 10-15 ngày kể từ khi bắt đầu dùng thuốc. Một số thuốc chống trầm cảm thường dùng là: Amitrip tylin, Anaửanil V..
  • Các thuốc chống trầm cảm ngoài tác dụng làm tăng khí sắc, gây hoạt hoá còn có tác dụng an dịu, giảm đau.
  • Các tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc chống trầm cảm như: khô miệng, mạch nhanh, huyết áp hạ, run tay chân, khó nuốt, táo bón…

Tác dụng của các thuốc điều chỉnh khí sắc

  • Các thuốc điều chỉnh khí sắc là những thuốc có tác dụng làm cho tình trạng cảm xúc của bệnh nhân trở nên ổn định, vừa có tác dụng điều trị trạng thái hưng cảm, đồng thời cũng có tác dụng điều trị trạng thái trầm cảm.
  • Thuốc điều chỉnh khí sắc thường được dùng để điều trị dự phòng loạn thần cảm xúc.
  • Thuốc điều chỉnh khí sắc được sử dụng như: Lithium cacbonat. Đây là một loại thuốc mà phạm vi an toàn hẹp, vì vậy khi dùng thuốc phải kiểm tra nồng độ lithium trong máu bệnh nhân, phải kiểm tra các chức năng của gan và thận.
  • Tác dụng không mong muốn thường gặp: Chóng mặt, buồn nôn, chân tay run, ỉa chảy, đái nhiều. Trong một số trường hợp có thể gây ra tình trạng ngộ độc cấp.

Hiện nay trong tình trạng loạn thần cảm xúc có thể sử dụng một số thuốc như: Depamid, carbamazepin…

CHO BỆNH NHÂN TÂM THẦN UỐNG THUỐC VÀ TIÊM THUỐC

Nguyên tắc chung

  • Thực hiện đầy đủ và chính xác y lệnh của thầy thuốc.
  • Dùng đúng thuốc, đủ liều lượng và đúng thời gian.
  • Trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc phải thực hiện:

+ Ba kiểm tra, Năm đối chiếu.

+ Tuân thủ tuyệt đối các quy chế sử dụng thuốc độc.

+ Đảm bảo quy tắc vô khuẩn tuyệt đối.

  • Nếu phát hiện thấy điều gì bất thường trước hoặc sau khi sử dụng thuốc phải báo cáo ngay bác sĩ biết để điều chỉnh và xử trí kịp thời.

Tiêm thuốc cho bệnh nhân tâm thần

  • Tiêm thuốc thường được thực hiện trong giai đoạn cấp tính lúc bệnh nhân mới nhập viện, kích động chống đối không chịu nằm viện, không chịu uống thuốc.
  • Trước khi tiêm cần phải giải thích, động viên để bệnh nhân yên tâm, trong trường hợp bệnh nhân không hợp tác, chống đối kích động thì phải nhờ thêm người giữ bệnh nhân để tiêm.
  • Khi tiêm phải chọn tư thế thuận lợi, thoải mái, dễ tiêm. Đề phòng tình trạng bệnh nhân kích động , giãy giụa làm gãy kim hoặc vỡ bơm tiêm..
  • Vị trí tiêm: Thường tiêm ở mông hoặc mặt trước ngoài của đùi, là nơi có nhiều cơ nên thuốc dễ tan.
  • Khi tiêm xong phải để bệnh nhân nằm tại giường, đề phòng tình trạng tụt huyết áp khi thay đổi tư thế.
  • Tiêm xong phải theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp và toàn trạng của bệnh nhân, phát hiện kịp thời các biến chứng để báo cáo cho bác sĩ xử trí.
  • Thuốc tiêm cho bệnh nhân tâm thần thường là số lượng nhiều , nếu thuốc lâu tan, sờ vào chỗ tiêm thấy cứng thì phải chườm nóng chỗ tiêm cho bệnh nhân, lần tiêm tiếp theo nên thay đổi vị trí tiêm cho phù hợp. Phải đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn trong khi tiêm để tránh áp xe.

Cho bệnh nhân tâm thần uống thuốc

  • Phần lớn bệnh nhân tâm thần ngại uống thuốc, thường dấu thuốc một cách rất tinh vi như ở kẽ ngón tay, dưới lưỡi, khe lợi, ống tay áo, túi áo… cho nên phải có biện pháp kiểm tra bệnh nhân có uống thuốc thật sự không , đảm bảo nguyên tắc thuốc phải đủ liều và đến tận dạ dày của bệnh nhân.
  • Thời gian qui định cho bệnh nhân uống thuốc thường là sau bữa ăn hoặc trước lúc đi ngủ. Thông thường bệnh nhân uống thuốc ngày 2 lần (buổi sáng và buổi tối). Khi cho bệnh nhân uống thuốc phải cho từng bệnh nhân uống một, không phát thuốc đồng loạt cho bệnh nhân uống cùng một lúc sẽ không kiểm tra được. Bệnh nhân uống thuốc xong phải kiểm tra trong miệng bệnh nhân (dưới lưỡi, khe lợi…) nếu thấy không còn thuốc thì mối cho bệnh nhân khác uống tiếp.

Nếu bệnh nhân không tự uống được, phải hoà thuốc vào nước cho bệnh nhân uống.

Khi cho bệnh nhân uống thuốc xong, dặn bệnh nhân nằm nghỉ tại giường, không nên đi lại nhiều và theo dõi các diễn biến bất thường của bệnh nhân để báo cáo bác sĩ.

  • Hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân tâm thần điều trị ngoại trú

Sau khi ra viện, bệnh nhân cần phải được điều trị tại nhà, thông thường liều thuốc thấp hơn ở bệnh viện.

  • Khi bệnh nhân ra viện, phải dặn người nhà quản lý thuốc chặt chẽ và hàng ngày cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết cách phát hiện và kiểm tra được bệnh nhân dấu thuốc hoặc vứt thuốc để có biện pháp đề phòng.

CÁC BIẾN CHỨNG CÓ THỂ XẢY RA KHI SỬ DỤNG THUỐC HƯỚNG THẦN

  • Xuất hiện tác dụng không mong muốn của thuốc.

Xuất hiện mạch nhanh, huyết áp hạ, rối loạn thần kinh thực vật, bồn chồn bất an, táo bón, run chân tay, khó nuốt, tăng tiết nước bọt, tăng trương lực cơ…

Biểu hiện dị ứng thuốc như mẩn đỏ, ngứa, mày đay.

Có thể ngộ độc cấp hoặc xuất hiện hội chứng an thần kinh ác tính.

Nếu sử dụng các thuốc an thần kinh kéo dài, có thể xuất hiện loạn động muộn.

  • Khi đã phát hiện được các biến chứng do dùng thuốc

Phải kịp thời báo cáo cho bác sĩ biết để xử trí, có thể giảm thuốc hoặc cắt toàn bộ thuốc đang dùng, có thể phải cho thêm các thuốc làm giảm tác dụng phụ hoặc có thể phải tiêm truyền, rửa dạ dày để đào thải thuốc.

  • Phòng các tai biến có thể xảy ra

Dặn bệnh nhân nên nằm nghỉ tại giường sau khi dùng thuốc và uống thuốc sau khi ăn. cần kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp thường xuyên. Nếu phát hiện bất.thường báo cáo kịp thời cho bác sĩ giải quyết.

5/51 rating
Bình luận đóng