Người mắc bệnh tiêu hoá có thể biểu hiện bằng những triệu chứng cơ năng và thực thể. Phát hiện các triệu chứng thực thể đòi hỏi kỹ năng và do bác sỹ đảm nhiệm, được trình bày trong các bài cụ thể. Bài này chỉ trình bày những triệu chứng cơ năng thường gặp trong bệnh lý tiêu hoá gồm:

ĐAU BỤNG

Nguyên nhân

  • Do tổn thương ở bộ máy tiêu hoá

Dạ dày: viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày, loét hành tá tràng…

Ruột non: viêm ruột cấp do vi khuẩn, do giun, lồng ruột, tắc ruột, u ruột non, túi thừa Meckel…

Đại tràng: viêm đại tràng do vi khuẩn, ký sinh vật, amip. Viêm loét đại trực tràng chảy máu, ung thư, lao, viêm ruột thừa.

Gan: sỏi mật, u gan, viêm gan.

Tụy: sỏi tụy, viêm tụy cấp, u tụy.

Mạc treo: u mạc treo.

  • Do tổn thương ngoài bộ máy tiêu hoá

Bộ máy sinh dục: u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung vỡ.

Thận tiết niệu: sỏi thận, niệu quản.

Thần kinh: giang mai thần kinh.

Hạ canxi máu.

Dị ứng.

Nhiễm độc chì.

Khi nhận định về đau bụng, điều dưỡng cần khai thác những đặc điểm sau:

Vị trí đau: vùng thượng vị, hạ vị, vùng rốn hoặc không có vị trí rõ rệt.

Hướng lan của đau: lên ngực, bả vai, lan ra sau lưng, lan xuống bộ phận sinh dục, hậu môn.

Cường độ đau: dữ đội như dao đâm hay chỉ cảm thấy tức bụng.

Cảm giác đau: đau từng cơn cồn cào, đau âm ỉ, đau quặn, đau rát bỏng.

Thời điểm đau, thời gian xuất hiện cơn đau.

Tính chất chu kỳ của đau: theo mùa, liên quan đến bữa ăn.

Hoàn cảnh xuất hiện đau: sau bữa ăn có nhiều thức ăn hoặc rượu, bia…

Cần xác định tính chất cấp tính của đau bụng để có thái độ xử trí đúng:

+ Đau bụng cấp tính cần xử trí bằng ngoại khoa như: viêm ruột thừa, thủng tạng rỗng…

+ Đau bụng cấp tính có thể xử trí bằng nội khoa như: giun chui ống mật, cơn đau do sỏi thận…

+ Đau bụng mạn tính: viêm, loét dạ dày tá tràng, rối loạn chức năng đại tràng…

NÔN VÀ BUỒN NÔN

Nôn là hiện tượng tống chất chứa trong dạ dày ra ngoài qua đường miệng. Buồn nôn là cảm giác muốn nôn nhưng không nôn được. Nôn là một hiện tượng khách quan. Trái lại buồn nôn là một cảm giác chủ quan.

Nguyên nhân gây nôn và buồn nôn

  • Tại bộ máy tiêu hoá:

+ Hẹp môn vị.

+ Lồng ruột, tắc ruột.

+ Viêm dạ dày cấp, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp.

+ Nôn do phản xạ (cơn đau quặn gan…).

  • Ngoài bộ máy tiêu hoá:

+ Cơn đau quặn thận do sỏi thận, sỏi niệu quản.

+ Nghén và nhiễm độc thai nghén.

+ Chửa ngoài tử cung vỡ.

+ Viêm màng não.

+ U não.

+ Tai biến mạch máu não.

+ Nhiễm độc thuốc hoặc hoá chất.

Khi nhận định về triệu chứng nôn, điều dưỡng cần khai thác những đặc điểm sau:

Thời gian xảy ra nôn.

Nôn ngay sau khi ăn hay nôn xa bữa ăn hoặc nôn ra thức ăn cũ.

Số lần nôn, số lượng chất nôn nhiều hay ít.

Thành phần chất nôn: thức ăn máu, dịch mật…

Cần đánh giá hậu quả của nôn:

+ Tình trạng mất nước và điện giải → Hạ huyết áp → Trụy mạch → Tiểu ít, vô niệu.

+ Nôn nhiều mất axit HCl, do đó còn dẫn đến tình trạng kiềm hoá máu.

+ Nôn nhiều, nôn mạnh→ Rách niêm mạc thực quản.

+ Tình trạng toàn thân: gầy sút cân → suy mòn, thiếu máu.

TIÊU CHẢY

Phân bình thường chứa một lượng nước bằng 80% trọng lượng phân, > 80% nước là phân nhão, > 85% nước là phân lỏng, < 75% nước là phân táo. Lượng phân mỗi ngày khoảng 200 – 300 gam. Một ngày đại tiện không quá 3 lần. Tiêu chảy được đặc trưng bởi số lần đi ngoài nhiều hơn và lượng nước nhiều hơn trong phân.

Nguyên nhân gây tiêu chảy

  • Gây tiêu chảy cấp tính:

+ Do vi khuẩn:

o Các vi khuẩn gây tổn thương tại chỗ làm tăng bài tiết và giảm khả năng hấp thụ: shigella, salmonella, e-coli.

o Các vi khuẩn phát triển ở bề mặt niêm mạc tiết độc tố kích thích ruột tăng bài tiết: tụ cầu, phẩy khuẩn tả.

+ Do vi rút: Rota vi rút.

+ Do nhiễm ký sinh vật: amip, trichomonas.

+ Nguyên nhân khác:

o Nhiễm độc chì, thuỷ ngân, asenic.

o Dị ứng.

o Do dùng thuốc: thuốc nhuận tràng, kháng sinh đường ruột mạnh.

o Do tinh thần lo lắng, sợ hãi.

  • Gây tiêu chảy mạn tính:

+ Do tiêu hoá kém: cắt đoạn ruột, cắt đoạn dạ dày.

+ Do hấp thu kém: viêm tụy mạn tính, teo nhung mao ruột.

+ Do tăng nhu động ruột.

+ Do loạn khuẩn ruột.

Khi nhận định về tiêu chảy, điều dưỡng cần khai thác những đặc điểm sau:

Bắt đầu đột ngột hay từ từ.

Số lần đi đại tiện.

Số lượng phân, màu sắc phân.

Tính chất, thành phần của phân: toàn nước hay có bã phân, có lẫn chất nhầy hoặc lẫn máu không…

Thời gian kéo dài một vài ngày hay hằng tháng.

Những triệu chứng kèm theo như: đau bụng, sốt, nôn, gầy sút.

Cần đánh giá hậu quả của tiêu chảy:

+ Mất nước, điện giải, trụy mạch với tiêu chảy cấp tính.

+ Gây suy dinh dưỡng hoặc suy mòn cơ thể với tiêu chảy mạn tính.

TÁO BÓN

Bình thường mỗi ngày đi ngoài một lần, táo bón là sự chậm vận chuyển phân thể hiện bởi 2 ngày trở lên mới đi ngoài một lần. Thành phần nước trong phân ít < 75%, phân khô hoặc lổn nhổn, lượng phân ít.

Đặc điểm của táo bón: Đi ngoài khó khăn, phải rặn nhiều, phải vận dụng nhiều đến cơ bụng, cơ hoành. Phân rắn, lổn nhổn thành cục như phân dê, có khi phải thụt tháo mới đi được. Khám bụng có thể sờ thấy cục phân lổn nhổn, cứng, nằm dọc khung đại tràng, thường tập trung ở hố chậu trái.

Khi nhận định về táo bón điều dưỡng cần chú ý :

* Nguyên nhân gây táo bón

  • Tại ống tiêu hoá:

+ Giảm co bóp đại tràng: ở người già, gầy yếu, làm việc quá sức, lo lắng…

+ Khối u đại tràng hậu môn gây cản trở vận chuyển phân.

+ Các bệnh viêm đại tràng mạn tính, bệnh đại tràng chức năng.

  • Ngoài ống tiêu hoá:

+ Chế độ ăn không đúng: ăn quá ít rau quả, uống ít nước, ăn nhiều thức ăn dễ gây táo (ổi, hồng xiêm…).

+ Thói quen: ngồi nhiều, ít vận động, ngại đi đại tiện.

+ Dùng một số thuốc gây táo bón: các thuốc bao niêm mạc dạ dày, các thuốc có morphin, các thuốc có sắt…

+ Mất nước: do lao động nặng, nắng, nóng, sốt cao.

+ Nguyên nhân thần kinh trung ương: hội chứng màng não, u não, liệt tuỷ.

+ Nguyên nhân nội tiết: tiểu đường, suy giáp trạng, cường cận giáp.

* Hậu quả của táo bón

  • Có thể đi ngoài ra máu tươi trước hoặc sau khi ra phân do bệnh nhân phải rặn nhiều hoặc do tổn thương ống hậu môn, ngoài máu tươi có thể lẫn chất nhầy.
  • Có thể có rối loạn toàn thân: nhức đầu, mất ngủ, hồi hộp trống ngực, ăn kém.
  • Táo bón có thể kèm theo đau bụng, có khi đau dữ dội, bụng trướng hơi.

TRƯỚNG HƠI

Nguồn gốc của hơi trong ruột

  • Do nuốt hơi vào cùng thức ăn.
  • Do hơi từ trong máu đào thải qua ruột.
  • Do tiêu hoá thức ăn, đặc biệt tiêu hoá thức ăn do vi khuẩn ở đại tràng.
  • Lượng hơi tạo ra mỗi ngày rất thay đổi: ở nam khoảng 1,3 lít, ở nữ khoảng 0,6 lít.

Những yếu tố gây nhiều hơi trong ruột

  • Tăng sản xuất hơi:

+ Viêm niêm mạc ống tiêu hoá, tiêu hoá kém, hấp thu kém.

+ Dịch vị giảm tiết, giảm toan hoặc đa tiết, đa toan.

+ Hiện tượng lên men và lên men thối ở đại tràng mạnh do loạn khuẩn ruột.

  • Giảm đào thải hơi:

+ Hơi không được vận chuyển xuống phía dưới do tắc ruột, liệt ruột, rối loạn tuần hoàn ruột.

+ Hơi không thấm vào máu do tổn thương ở thành ruột, ứ trệ tuần hoàn ruột.

  • Một số nguyên nhân khác: viêm phúc mạc, bệnh tâm thần, rối loạn chuyển hoá.

Các kiểu trướng hơi

  • Trướng hơi toàn bộ: tăng lên sau ăn, giảm đi sau đi đại tiện hoặc trung tiện.
  • Trướng hơi cục bộ: chỉ một phần nào đó bị trướng hơi, hơi tập trung ở nơi đó. Ví dụ: trướng hơi chỉ ở đại tràng, manh tràng, hồi tràng.
  • Trướng hơi kèm ứ dịch: gây sôi bụng, có khi toàn thể nhưng cũng có khi khu trú ở một vùng nhất là vùng hồi manh tràng.
0/50 ratings
Bình luận đóng