Tên khác: Dây ba mươi – Dây đẹt ác – Dây trói trâu.
Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour.
Họ : Bách bộ (iStemonaceae)
1. Mô tả, phân bố
Bách bộ là loại dây leo, lá mọc đối phiến lá hình tim nhọn, gân lá song song, mép lá nhẵn. Hoa tự mọc ở kẽ lá, màu vàng đỏ. Quả nang hình trứng, trong có 4 hạt. Bách bộ mọc hoang nhiều ở vùng rừng núi nước ta. Các tỉnh có nhiều Bách bộ là: Phú Thọ, Lào Cai, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà tĩnh…
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của cây bách bộ là rễ củ. Thu hái vào cuối thu năm trước đến đầu xuân năm sau. Đào lấy rễ củ, loại bỏ đất cát và rễ con, đổ qua hơi nước (hoặc nhúng vào nước sôi), lấy ra đem phơi hoặc sấy nhẹ cho khô. Những củ lo có thể bổ dọc làm đôi. Bách bộ không mùi, vị hơi ngọt, sau đắng. Bách bộ đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Bách bộ có chứa nhiều alcaloid, trong đó hoạt chất chính là stemonin.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Bách bộ có tác dụng nhuận phổi, tiêu đờm, sát trùng. Dùng các chứng bệnh: Ho mới hay ho lâu ngày, ho gà.
Cách dùng: Uống 3 – 9g/ ngày, dạng thuốc sắc, cao lỏng, hay bột.
Dùng ngoài có thể sắc lấy nước để chữa ghẻ, diệt chấy rận.