ỚT
Tên khoa học của cây ớt: Capsicum annuum L., họ Cà  Solanaceae. Cây ớt còn gọi là cây hạt tiêu
Đặc điểm thực vật:
Cây nhỡ, thuộc thảo, mọc hàng năm tại những nước ôn đới, sống lâu năm và thân phía dưới hóa gỗ ở những nước nhiệt đới. Cây có nhiều cành, nhẵn. Lá mọc so le, mềm hình thuôn dài, đầu nhon, phiến lá dài 2 – 4 cm, rộng 1,5 – 2 cm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc ở kẽ lá, mùa hoa gần như quanh năm nhưng nhiều nhất vào tháng 5 -6. Quả mọc rủ xuống hay quay lên trời (chỉ thiên) hình dáng quả thay đổi, có thứ tròn, có thứ dài, khi chín màu đỏ, vàng hay tím. Trong chứa nhiều hạt màu dẹt, trắng.
Bailey căn cứ vào hình dáng, kích thước, vị và màu quả đã chia Capsicum annuum ra làm nhiều thứ:
–          Thứ fasciculatum Bail.: Quả quay lên trời. Còn gọi là ớt chỉ thiên, quả mọc thường thành chùm 2- 3, quả dài 4 -6 cm, khi chín có màu đỏ, rất cay.
–          Thứ  microcarpum (DC.) Bailo.: Cây sống lâu năm, quả rất nhỏ, chín có màu đỏ, rất cay.
–          Thứ conoides Bail.: Quả hình chùy dài  2- 4 cm, chín có màu tím.
–          Thứ corasiforme Bail.: Ớt cà, quả tròn, chín có màu đỏ, cay.
–          Thứ acuminatum Bail.: Ớt sừng trâu, quả mọc rủ xuống , dài 7-10 cm, đầu nhọn, chín có màu đỏ, rất cay.
–          Thứ longum Bail.: Còn gọi là ớt tây hay ớt cà. Lá dài 8-12 cm, hoa khá to, quả to nhưng không dài, nhăn nhúm, khi chín có màu đỏ hay vàng, không cay có mùi thơm, người ta trồng để xào ăn.
Phân bố và trồng hái
Ớt được trồng khắp ở nược ta. Trên thế giới có nhiều nước trồng ớt như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Tây Ban Nha, Italia, Pháp đặc biệt ở Hungary người ta trồng hàng nghìn hecta, mỗi năm xuất cảng từ 2500 đến 3000 tấn ớt khô.
Bộ phận dùng và chế biến
Quả (Fructus Capsici): Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô. Lá thường dùng tươi. Quả ớt là những quả mọng, mặt ngoài bóng nhẵn, cắt ngang có vách mỏng ngăn đôi, giá noãn trụ giữa có nhiều hạt dẹt, vị cay, nóng, nhất là có vách ngăn càng cay nhiều. Đốt sẽ có khói rất cay, khó chịu, gây ho, hắt hơi.
Thành phần hóa học
Trong quả ớt có: 0,04- 1,5 % dẫn chất benzylamin, trong đó thành phần chính là capsaixin (chiếm tới 70%), phần lớn tập trung ở biểu bì giá noãn. Khi tán bột giá noãn, nhỏ một giọt nước lên rồi soi kính sẽ thấy các tinh thể hình vuông của capsaixin vị rất cay, pha loãng tới nồng độ 1/10 triệu vẫn có vị cay.
Capsaixin

Capsicosid

Ngoài ra còn có một số chất khác như dihydrocapsaixin (khoảng 20%), nor-dihydrocapsaixin (7%), homocapsaixin và homodihydrocapsaixin.
Các chất carotenoid: Chất chính là capsanthin có màu đỏ; ngoài ra còn có capsorubin, kryptoxanthin, zeaxanthin, lutein, α và β caroten.
Capsicosid là một saponin steroid có tác dụng kháng khuẩn.
Flavonoid (apiin và luteolin – 7- glucosid)
Vitamin C, tỷ lệ chừng 0,8 o/oo – 1.8 o/oo trong ớt của ta .Có những tác giả nghiên cứu ớt của châu Phi , Hungari thấy hàm lượng vitamin C lên tới 4,89 o/oo
Chất đường tới 7%
Ngoài ra còn có acid hữu cơ như acid citric, acid malic.
Kiểm nghiệm
Định tính
Để định tính hoạt chất capsaixin trong ớt, ngày nay người ta thường dùng phương pháp sắc ký lớp mỏng.
Chiết bột ớt với methanol – H2O [1:1], sau khi làm lạnh đem lọc, lấy dịch lọc lắc với benzen, lấy lớp benzen đem chấm lên kính tráng chất hấp thụ silicagel G, dùng dung môi khai triển là chloroform – methanol [95:5] sau khi làm khô đem phun dung dịch acid phosphomolybdat- wonframic lên bản mỏng, sau đó để trong hơi amoniac 2 phút. Trên sắc ký đồ sẽ xuất hiện màu xanh của capsaixin, trị số Rf trong khoảng 0,4 -0,6.
Định lượng
Thường dùng phương pháp so màu để định lượng capsaixin trong ớt theo nguyên tắc dựa vào phản ứng với thuốc thử diazo của nhóm OH- phenolic trong cấu trúc của capsaixin hoặc dựa trên sự tạo thành phức chất màu với các muối vanadium.
Tác dụng dược lý:
Chất có tác dụng trong ớt là capsaixin, nó có tác dụng gây tại chỗ trên niêm mạc và trên da cảm giác nóng mạnh, có thể tăng đến cảm giác cháy rát, nó gây đỏ mà không gây phồng da. Cảm giác nóng xảy ra chẳng những do kích thích đặc hiệu của sự tiếp nhận nhiệt mà còn có lẽ do sự tụ máu trên da bệnh nhân.
Bột ớt gây hắt hơi rất khó chịu, nhất là khi đốt khói ớt gây hắt hơi rất mạnh.
Công dụng
Ngoài công dụng làm gia vị, ớt có thể là vị thuốc giúp sự tiêu hóa, làm ăn ngon, chóng tiêu.
Ớt hoặc capsaixin thường dùng ngoài để làm giảm đau các bệnh đau khớp, đau dây thần kinh, dùng dưới dạng cồn, băng dán hoặc thuốc mỡ, dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị khác.
Liều dùng: Dùng trong: 0,10 – 0,30g bột hoặc 0,05 – 0,50 g cồn ớt chia 3 lần uống trong ngày.
Dùng ngoài tùy theo chỗ đau.
Ngoài ra, người ta còn dùng lá ớt tươi chữa mụn nhọn, rắn, rết căn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng