Ô ĐẦU
Có nhiều loại ô đầu: Ô đầu Việt Nam – Aconitum fortunei Hemsl. Âu ô đầu: Acotinum napenllus L., Ô đầu Trung quốc Acotinum chinensis Paxt. và Acotinum carmichaeli Debx., thuộc họ Hoàng liên – Ranunculaceae.
Đặc điểm thực vật
Cây ô đầu thuộc loại cỏ, mọc hàng năm, cao chừng 0,6 – 1m, rễ phát triển thành củ có hình nón, thân mọc thẳng đứng có ít cành. Lá mọc so le hình dáng và kích thước của lá có khác nhau chút ít tùy theo loài.
– Âu ô đầu lá xẻ chân vịt, gần như lá ngải cứu, mặt trên màu xanh thẫm, mặt dưới màu nhạt hơn.
– Ô đầu Trung Quốc có phiến lá rộng 5 – 12 cm, xẻ thành 3 thùy, 2 thùy 2 bên lại xẻ làm 2, thùy giữa xẻ làm 3 thùy con, mép các thùy đều có khía răng cưa nhọn.
Hoa lưỡng tính, không đều, hoa có màu xanh lơ thẫm hay tím mọc thành chùm ở ngọn thân. Có 5 lá đài, trong đó có một cái khum thành hình mũ: Quả có 5 đại mỏng.
Phân bố
Âu ô đầu mọc hoang và trồng ở châu Âu.
Ô đầu Trung Quốc mọc hoang và trồng ở Trung Quốc (Tứ Xuyên, Quý châu, Vân Nam, Thiểm Tây, Cam Túc).
Ô đầu việt nam mọc hoang và trồng ở các vùng núi như Hà Giang, Lào Cai (Sa pa).
Trồng hái
Ô đầu được trồng bằng hạt hoặc các củ con.
Ô đầu được trồng nhiều ở Trung Quốc, người ta trồng ở vùng khí hậu lạnh ẩm, đất hơi cao, dễ thoát nước, cây ưa đất mùn, đất cát. Vào khoảng tháng 11 hàng năm người ta thu hoạch lấy củ to làm thuốc, củ con dùng để trồng. Có nơi trồng vào tháng 3, tháng 4 năm sau (vùng Bắc Kinh), có nơi trồng vào mùa đông (ở tứ Xuyên).
Người ta thường thu hoạch khi cây trồng được 1-2 năm, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô. Nếu cần thu hạt thì đến cuối năm thu hạt xong tiếp tục chăm sóc để thu củ vào mùa ra hoa năm sau.
Ở nước ta thu hái vào tháng 9-10 khi cây đang ra hoa. Trồng vào tháng 1,2.
Chế biến
Tùy theo cách chế mà có các vị khác nhau.
Diêm phụ: chọn rễ nhánh to, rửa sạch bỏ vào vại, thêm chlorid Mg, muối ăn và nước (cứ 100kg phụ tử dung 40kg Mg chloride, 30kg muối ăn, 60 lít nước), ngâm 10 ngày. Lấy ra, phơi khô lại rồi cho vào, cứ thế ngày phơi đêm ngâm nước bao giờ cũng xâm xấp trên củ. Thỉnh thoảng thêm Mg chloride, muối ăn, nước dể đảm bảo nồng độ ban đầu. Cuối cùng vớt ra, phơi nắng để muối thấm đến củ và mặt ngoài thấy kết tinh trắng là được. Trước khi dùng, thái lát mỏng, rửa nước đến hết cay tê, rồi phơi hay sấy khô.
Hắc phụ: Chọn rễ nhánh trung bình, rửa sạch, cho vào vại, thêm Mg chlorid, nước, ngâm vài ngày (100kg phụ tử dùng 40 kg Mg chlorid, 20 lít nước). Sau khi đun sôi 2-3 phút, lấy ra rửa sạch, thái từng miếng mỏng. Lại ngâm Mg chlorid và nước, cuối cùng thêm đường đỏ và dầu hạt cải, rồi sao tẩm cho đến khi có màu nước chè đặc. Sau đó, rửa nước đến hết vị cay, rồi phơi hoặc sấy khô.
Bạch phụ: Chọn rễ nhỏ, rửa sạch cho vào vại ngâm với Mg chlorid nước, trong vài ngày. Sau đó đun tới chín giữa củ, loại bỏ vỏ rồi thái mỏng, rửa cho hết tê cay, hấp chín, phơi khô, rồi phơi đến hết khô.
Bộ phận dùng
– Củ mẹ (ô đầu)
– Củ con (phụ tử)
Rễ cử ô đầu Việt Nam (Aconitum fortune Hems) hình con quay dài 3 – 5cm, đường kính 1-1,2cm. Phía trên cử ô đầu có vết tích cửa thân cây. Mặt ngoài màu nâu hay nâu đen, có nhiêu nếp nhăn dọc va vết tích cửa rễ con và củ con. Thể chất cưng chắc và dai khó bẻ, thường giống xốp ở giữa cử vết cắn màu nâu xám nhạt, vị nhạt sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Phụ tử có hình con quay dài 3,5-5cm, phía trên to đường kính 1,5-2,5cm có vết nối với củ mẹ, không có vết tích của thân cây, phía dươi thuôn nhỏ dần. Mặt ngoài màu nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc, vòng quanh có một số rễ nhánh lồi lên như cái bưới.
Thể chất cứng chắc, khó bẻ. Vết cắt có màu nâu xám. Vị nhạt, sau hơi chát và hơi tê lưỡi.
Vi phẫu
Cắt ngang phần chóp củ thấy có: Lớp bần màu nâu. Mô mềm vỏ gồm 3 – 4 hàng tế bào thành mỏng, hình nhiều cạnh, dẹt, nằm ngang. Nội bì gồm 1 hàng tế bào rõ. Trụ bì gồm 2 – 3 hàng tế bào xếp đều đặn, sát với nội bì. Trong mô mềm rải rác có nhiều đám mạch rây và cả hạt tinh bột. Libe khá phát triển và bị các tia ruột cắt ra thành từng dãy xuyên tâm. Tầng sinh libe – gỗ gồm 1 – 2 hàng tế bào nhỏ. Gỗ cấp 2 xếp thành những hình chữ V. Tia ruột rộng và mô mềm ruột phát triển.
Bột
Mảnh bần màu nâu, thành dày. Mảnh mô mềm gồm tế bào hình nhiều cạnh, thành mỏng, trong chứa các hạt tinh bột. Các hạt tinh bột nhỏ, hình đĩa, hình chuông hay hình đa giác, đường kính 2 – 25 mm, đứng riêng lẻ hay kép đôi, kép ba. Mảnh mạch mạng, mạch vạch. Tế bào mô cứng thành dày. Rải rác có tinh thể calci oxalat hình kim hay hình khối. Sợi dài.
Thành phần hóa học
Hoạt chất trong ô đầu, phụ tử là alcaloid. Hàm lượng alcaloid thay đổi tùy theo loài và thời kỳ thu hái.
– Âu ô đầu:0,2-3% alcaloid toàn phần. Trong đó có aconitin chiếm tới 85-90%, ngoài ra còn có benzoyl- aconin, aconin, napellin, neopellin, magnoflorin, hypaconitin và có vết spartein, ephedrine.
– Ô đầu Trung Quốc (Aconitum carmichaeli) có 0,32-0,77% alkaloid toàn phần. Trong đó có hypaconitin, aconintin, mesaconitin, jesaconitin, atisin, kobisin, ignavin, songorin, higennamin, corynein, yokonosid.
– Ô đầu Việt Nam (Acouitum fortune Hems) đối với cây trông ở sapa ( Lào Cai), alcaloid toàn phần ở củ mẹ: 0,36-0,80%, củ con: 0,78-1,17%. Cây trồng ở Hà Giang, có alcaloid toàn phần ở củ con là 0,36%. Trong đó ô đầu Việt Nam có aconitin, hypaconitin và còn ít nhất là 8 vết hiện màu với thuốc thử Dragendorff trên sắc ký lơp mỏng nhưng chưa phân lập đươc đẻ xác định cấu trúc hóa học.
Aconitin dễ bị thủy phân thành acid acetic và benzoylaconitin. Độ độc của benzoylaconitin chỉ bằng 1/400 – 1/500 aconitin. Thủy phân tiếp benzoylaconitin sẽ giải phóng ra một phân tử acid benzoic và chuyển thành aconin. Độ độc của aconin giảm đi chỉ còn khoảng 1/10 benzoylaconitin/
Aconitin là chất độc nhất và có tác dụng sinh học mạnh nhất, hàm lượng giao động khoảng 13 – 90% alcaloid toàn phần. Bị thủy phân, dễ dàng biến đổi aconitin thành những chất ít độc hơn khiến người ta phải quan tâm đến việc chế biến và thời gian bảo quản cũng như định lượng riêng aconitin trong chế phẩm.
Ngoài alcaloid trong ô đầu và phụ tử còn có acid hữu cơ (acid aconitic, citric, malic …), tinh bột, chất đường, muối vô cơ.
Kiểm nghiệm
1. Định tính
– Lấy khoảng 1 g bột dược liệu , thấm ẩm bằng amoniac đặc, để yên 10 phút, chiết với 10 ml chloroform, lọc, bốc hơi dịch lọc tới khô,hòa tan cắn với acid H2SO4 loãng rồi chia vào 3 ống nghiệm :
+ ống 1: nhỏ 2 giọt thuốc thử Mayer sẽ xuất hiện tủa trắng.
+ ống 2: nhỏ 2 giọt thuốc thử Burchardat sẽ xuất hiện tủa nâu.
+ống 3: nhỏ 2 giọt thuốc thử Dragendorff sẽ xuất hiện tủa đỏ cam.
– Lấy khoảng 2 g bột dược liệu cho vào bình nón có nút mài , thấm ẩm bằng ammoniac đặc. sau 10 phút them 20 ml ether lắc đều, nút kín và để yên trong 30 phút, thỉnh thoảng lắc. Gạn lớp ether, làm khan bằng Na2SO4khan ,lọc và bốc hơi cách thủy tới khô. Hòa tan cắn với 5 ml H2SO4 loãng, đun cách thủy trong 20 phút sẽ xuất hiện màu đỏ với huỳnh quang xanh.
– Sắc ký lớp mỏng: dùng chất hấp phụ là silicagen G, hệ dung môi khai triển là: chloroform – methanol – ammoniac đặc [ 50 : 9 : 1], phun hiện màu bằng thuốc thử Dragendorff.
Trên sắc ký đồ dịch chiết cảu củ mẹ và củ con ít nhất có 9 vết , trong đó có vết có Rf và màu sắc giống vết aconitin chuẩn và hypaconitin chuẩn.
2. Định lượng:
Cân chính xác khoảng 6 g bột dược liệu cho vào bình nón có nút mài dung tích 150 ml. thêm 70 ml ether và amoniac đặc, lắc mạnh trong 30 phút. Thêm 2,5 ml nước cất, lắc mạnh và để yên cho tách thành 2 lớp. Gạn lấy lớp ether và lọc qua bông. Lấy một lượng chính xác dịch chiết ether (tương ứng với 4g bột dược liệu) cho vào bình nón có dung tích 150 ml. Làm bốc hơi đến khô. Thêm 5ml ether, lại làm bốc hơi trên cách thủy đến khô. Tiếp tục làm như vậy với 5 ml ether nữa. Hòa tan cắn trong 5 ml ethanol 960, lắc nhẹ trên cách thủy sôi 5 phút. Thêm 30 ml nước cất vừa mới đun sôi để nguội. Cho thêm 8 giọt dung dịch đỏ methyl và một giọt xanh methylen 0.15% trong ethanol, rồi chuẩn độ bằng dung dịch HCl 0,01N đến khi chuyển sang màu tím tro.
1 ml HCl 0,01N tương ứng 6.46 mg alkaloid toàn phần tính theo aconitin.
Hàm lượng phần trăm alkaloid trong dươc liệu :
X% =0,0646 . n . 100 / P
P: khối lượng dược liệu khô kiệt , tương ứng với 4 g dược liệu đem định lượng.
n: số ml dung dịch HCl 0,01N đã dùng.
Theo quy định của Dược điên Việt Nam III trong củ mẹ phải chứa ít nhất 0,3%, củ con chứa ít nhất 0,6% alcaloid toàn phần tính theo aconitin.
Dược điển quốc tế định lương riêng aconitin theo nguyên tắc: xà phòng hóa để giải phống acid acetic và benzoic. Sau đó tách benzoic ra bằng cách lắc với hỗn hợp ether – ether dầu hỏa. Định lượng acid benzoic rồi suy ủa lượng aconitin (trong đó cũng có một lượng nhỏ benzoyl aconitin không đáng kể) Dược điển quốc tế quy định phải chiếm 30 % alcaloid toàn phần.
3. Thử độc tính cấp
Điều chế theo phương pháp ngấm kiệt một cồn thuốc theo tỷ lệ (1/10) trong cồn 900. Pha loãng cồn đó với nước theo tỷ lệ 1/5. Tiêm dưới da cho 10 con chuột nhắt trắng, cân nặng mỗi con 20±1g đã nhịn đói 4 giờ trước khi tiêm một liều cồn thuốc, sao cho có thể giết chết 50% số chuột trong 24 giờ. Độ độc của 1ml cồn thuốc (1/10) phải tương đương với 0,15mg aconitin chuẩn, hay liều LD50 cho mỗi kg cơ thể chuột phải xấp xỉ 2,4ml cồn thuốc (1/10)
Tác dụng dược lý
1. Tác dụng đối với tim
Aconitinrất độc đối với tim, chủ yếu tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ tim, thúc đẩy màng tế bào khử cực hóa, tăng nhanh nhịp đập, rút ngắn giai đọan trơ. Trên cơ thể động vật bị ngộ độc aconitin, còn có sự tham gia của thần kinh thực vật. Ngộ độc aconitin biểu hiện trên điện tâm đồ là đầu tien làm giảm nhịp tim, sau đó dẫn truyền nhị thất bị phong bế, xuất hiện ngoại tâm thu, nhịp nhanh thất, rung thất, cuối cùng tim ngừng đập. Người ta cho rằng cơ chế tác dụng của ngộ độc là do tính hưng phấn của cơ tim tăng cao. Do đó hiện nay, aconitin là thuốc công cụ để gây mô hình loạn nhịp tim thực nghiệm, phục vụ cho công tác nghiên cứu các thuốc chống loạn nhịp tim, aconitin không có giá trị sử dụng trong điều trị trên lâm sàng.
Aconitin không có tác dụng cường tim, trái lại rất độc với tim nhu đã đề cập. Xong có người cho rằng sản phẩm thủy phân của aconitin là chất aconin lại có tác dụng cường tim mà độc tính lại thấp chỉ bằng 1/2000- 1/4000 độc tính của aconitin. Gần đây người ta đã chứng minh dịch thủy phân của aconitin thí nghiệp trên tim cô lập chuột lang và ếch có tác dụng cường tim yếu, không đáng kể. Các tác giả Nhật Bản cho rằng hoạt chất cường tim có trong phụ tử là higenamin. Trên chó gây mê higenamin với liều 1-4µg/kg làm tăng nhịp tim và tăng tuần hoàn mạch vành, do đó các nhà nghiên cứu đều cho rằng higenamin là một chất chủ vận đối với hệ β-adrenergic chứ không phải là một thành phần có tác dụng cường tim thực thụ của phụ tử
2. Tác dụng đối với huyết áp
Aconitin có tác dụng làm hạ huyết áp. Tác dụng này bị Atropin đối kháng. Bài cấp cứu hồi dương thang gồm: phụ tử, long não, nhân sâm, xả hương có tác dụng nâng cao huyết áp đã bị tụt thấp còn bài quế phụ thang trên chuột cống trắng có tác dụng gây cao huyết áp thực nghiệm lại có tác dụng hạ huyết áp.
Ngoài ra trong phụ tử còn có các thành phần ester có tác dụng tăng cường chuyển hóa các lipid no và cholesterol, giảm hiện tượng lipid bám vào thành mạch, giảm lượng cholesterol, lipid trong máu dùng điều trị xơ vữa động mạch thực nghiệm trên thỏ có kết quả.
3. Tác dụng giảm đau
Alcaloid trong ô đầu có tác dụng làm giảm đau trên chuột nhắt trắng. Tác dụng giảm đau có tính chât thuộc trung ương, liên quan mật thiết với những đáp ứng của hệ thống các chất catecholamin trung ương, đặc biệt với hệ thống adrenergic mà không thông qua trung gian là các thụ thể opiate nên levallorphan không làm ảnh hưởng đến tác dụng giảm đau của mesaconitin. Ngoài ra aconitin còn có tác dụng ức chế dẫn truyền các xung thần kinh làm cho dây thần kinh tê liệt mất khả nang dẫn truyền.
4. Tác dụng với hệ thần kinh.
Đối với các tận cùng của dây thần kinh cảm giác trong da và niêm mạc, aconitin ở giai đoạn đầu có tác dụng kích thích gây ngứa, có cảm giác nỏng bỏng, sau đó mất cảm giác tê dại. Aconitin còn có tác dụng ức chế trung khu hô hấp, tăng cường tiết nước bọt hạ thân nhiệt ở động vật bình thường cũng như động vật gây sốt.
5. Tác dụng chống viêm.
Alcaloid ô đầu có tác dụng ưc chế hiện tượng tăng thẩm thấu của thành mạch do tiêm xoang bụng acid acetic gây nên đồng thời ức chế phù bàn chân chuột cống trắng do tiêm carageenin, phòng ngừa viêm. Nước sắc phụ tử có tác dụng chống viêm khớp cổ chân chuột do formaldehyd gây nên.
6. Tác dụng khác.
Alcaloid ô đầu có tác dụng đối kháng với co thắt hồi tràng chuột lang cô lập do histamine và acetylcholine gây nên, thúc đẩy qua trình sinh tổng hợp RNA polymerase.
Độc tính: Ô đầu rất độc độc tính thay dổi theo loài, địa điểm cây sinh trưởng, thời gian thu hái, cách bào chế, thời gian đun nấu. Trong quá trình bào chế hàm lượng alcaloid giảm tới 81,3% nên phụ tử ít độc hơn. Phụ tử chế từ cây mọc ở các vùng khác nhau có độ độc chênh lệnh nhau 8 lần. Aconitin và các Alcaloid khác cũng rất độc. Triệu chứng ngộ độc biểu hiện ở: lưỡi tê, chảy nước bọt, nôn mửa, đi ngoài, đau đầu, chóng mặt, môi và chân tay tím tái, mạch chậm yếu, hô hấp khó khăn…
Công dụng và liều dùng
Ô đầu, phụ tử chưa chế biến: Chủ yếu dùng ngoài để xoa bóp khi nhức, mỏi tay chân, đau khớp, bong gân. Dùng dưới dạng cồn aconit 10% của bột (1g cồn thuốc này = 57 giọt), hoặc nhân dân thường thái mỏng ngâm rượu để dùng.
Có thể dùng trong để giảm đau các bệnh đau do dây thần kinh sinh ba, giảm viêm trong cá bệnh viêm thanh quản, phế quản, họng và dùng chữa ho. Ngày dùng 0,2 – 1 g (tức 10 giọt – 57 giọt) cồn 10%; trẻ em: 1-2 giọt cho mỗi tuổi trong 24 giờ.
Vì aconitin dễ bị thủy phân nên hàng năm phải thay cồn aconit 1 lần.
Ô đầu, phụ tử là thuốc độc bảng A nên dùng trong phải hết sức thận trọng. Phụ tử chế, hắc phụ: Y học dân tộc cổ truyền coi là một vị thuốc hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp: Trụy tim mạch, ra nhiều mồ hôi, chân tay lạnh giá. Ngày dùng 4-12 g dạng thuốc sắc, có khi còn dùng liều cao hơn. Thường phối hợp với nhân sâm, can khương tùy theo kinh nghiệm của thầy thuốc.
Phụ tử chế được dùng trong bài thuốc “Bát vị hoàn”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.