NHỮNG NGUỒN DƯỢC LIỆU KHÁC ĐỂ CHIẾT RUTIN
Lúa mạch 3 góc
Fagopyrum esculentum Moench = Polygonum fagopyrum L., họ Rau răm – Polygonaceae
Đây là một loại cây lương thực, hạt có nhiều tinh bột. Cây thuộc thảo, mọc hàng năm, thân cao có thể đến 80cm. Lá phía dưới có cuống, lá ngọn không cuống, lá hình mũi mác, hình tim phía đáy. Hoa màu trắng hoặc hồng. Cụm hoa là những chùm tụ họp thành ngù. Quả có 3 góc, dài 5-6mm, rộng 2-3mm, màu nâu, nội nhũ có tinh bột, lá mầm gấp thành chữ S. Lúa mạch 3 góc không đòi hỏi đất màu mỡ, có thể trồng ở đất nghèo không thích hợp với các loại ngũ cốc khác, ví dụ ở các vùng miền núi như Hoàng liên sơn, Cao bằng…
Nếu với mục đích để chiết rutin thì thu hoạch khi cây bắt đầu ra hoa nghĩa là 5-6 tuần sau khi gieo hạt.
Lá chứa 2-3% rutin (theo khô). Bằng cách cải tạo giống (gây đa bội) người ta đã tạo được những chủng có hàm lượng 5-8% rutin. Tỉ lệ rutin cao ở cây trước khi ra hoa. Chú ý rằng trong quá trình phơi khô lá thì rutin chóng bị enzym thuỷ phân, cần ổn định bằng không khí nóng. Thân có ít rutin nên cũng loại đi, hoa cũng có ít, hạt không có rutin.
Lá còn chứa một sắc tố màu đỏ là fagopyrin. Chất này xuất hiện về sau trong quá trình trưởng thành của cây. Đây là dẫn chất dianthron. Chất này có thể gây cho súc vật dễ bị mẫn cảm với ánh sáng (tương tự hypericin trong các loài Hypericum) nên có thể gây chứng lở da ở súc vật ăn lá cây. Trong quá trình chiết xuất rutin thì chất này được loại đi bằng cách cho hấp phụ bằng silicagel.
Cây táo ta
Ziziphus mauritiana Lamk. (=Zizyphus jujuba Lamk.), họ Táo ta – Rhamnaceae
Lá táo cũng có rutin với hàm lượng 1,5% theo lá khô (các thành phần của hạt và công dụng, xem chương dược liệu chứa saponin)
Bạch đàn cho rutin
Eucalyptus macrorrhyncha F. Muell.
Cây cao 25-30m, vỏ màu đỏ có nhiều ở Australia (Victoria) ở đó cây mọc ở độ cao 300-1000m. Lá thu hoạch quanh năm. Lá cần sấy khô ngay ở nhiệt độ 100oC. Hàm lượng rutin trong lá trung bình 10% và có thể đến 19% ở những lá non. Ở Australia người ta chiết xuất bằng nước nóng, để nguội có rutin thô kết tủa, tanin còn lại trong nước mẹ. Tinh chế bằng cách kết tinh lại trong nước hoặc cồn loãng.
style="margin-top: 6pt;text-align: right">https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.