2 – Nhóm nhuận tẩy:
Những dẫn chất thuộc nhóm này thường có 2 nhóm OH đính ở vị trí 1,8 và ở vị trí 3 thường là nhóm CH3, CH2OH, CHO hoặc COOH nên còn được gọi là nhóm oxymethyl-anthraquinon. Người ta hay gặp các dẫn chất có cùng cấu trúc, chỉ khác nhau ở mức độ oxy hoá ở C3, trong cùng một loài. Ví dụ trong đại hoàng, chút chít, thảo quyết minh thì có mặt cả 3 chất chrysophanol, aloe emodin, rhein.
Chrysophanol R= CH3 Aloe emodin R= CH2OH Rhein R= COOH |
Các chất physcion, fallacinol, fallacinal, acid parietinic đều cùng tồn tại trong một số loài địa y thuộc chi Xanthoria.
Physcion R = CH3 Fallacinol R = CH2OH Fallacinal R = CHO Acid parietinic R = COOH |
Những dẫn chất anthranoid khi ở trong thực vật có thể tồn tại dưới dạng oxy hoá (anthraquinon) hoặc dạng khử (anthron, anthranol). Nếu khử một trong 2 nhóm chức ceton của anthraquinon sẽ cho dẫn chất anthron hoặc đồng phân hổ biến của chất này là anthranol (dạng enol). Nếu khử tiếp thì dẫn đến dẫn chất dihydroanthranol.
Dạng khử có tác dụng xổ mạnh nhưng hay gây đau bụng, vì vậy một số dược liệu chứa anthranoid phải để một năm sau khi thu hái mới dùng để dạng khử chuyển thành dạng oxy hoá.
Khi tạo thành glycosid thì mạch đường thường nối vào vị trí 1 hoặc 8, có khi ở vị trí 6 ví dụ frangulin A (= frangulosid A) có trong vỏ cây Rhamnus frangula L. Nếu có 2 mạch thì 1 và 8 hoặc 6 và 8. Mạch đường có thể là đường đơn như glucose, rhamnose, apiose, đường đôi như glc-glc, glc-xyl; đường ba như rha-glc-glc. Dây nối glycosid thường gặp loại O-glycosid nhưng cũng có loại C-glycosid ví dụ barbaloin, hoặc vừa C vừa O-glycosid ví dụ aloinosid. Cả 2 chất này đều có trong lô hội.
https://hoibacsy.vn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt
Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật