CÂY TRÂU CỔ
        
    
Tên khác: Xộp, Vẩy ốc, Xồm xộp, cây Trộp, Sung thằn lằn, Cơm lênh, Bị lệ, Mộc liên, Mộc màn thầu, Quảng Đông vương bất lưu hành.
Tên khoa học: Ficus pumila Lin. họ Dâu tằm (Moraceae).
Mô tả: Dây leo bò với rễ bám, có mủ trắng lúc cây còn non, có những nhánh bò mang lá không có cuống, gốc hình tim, nhỏ như vẩy ốc, ở dạng trưởng thành, có những nhánh tự do mang lá lớn hơn và có cuống dài. Cụm hoa có đế hoa bao kín dạng quả và quả sung, khi chín có màu đỏ.
Mùa hoa tháng 5-10.
Bộ phận dùng: Quả (Fructus Fici pumilae), lá, cành (Caulis Fici pumilae), rễ (Radix Fici pumilae), nhựa mủ.
Phân bố: Cây mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta.
Thành phần hoá học: Trong vỏ quả có tới 13% chất gôm, khi thuỷ phân cho glucose, fructose và arabinose. Trong thân và lá có một số chất như: Mesoinositol, β- sitosterol, Taraxeryl aceatate, β-amyrin và lá có alcaloid.
Công năng: Quả có tác dụng tráng dương cố tinh, lợi thấp thông sữa. Dây cùng với rễ có tác dụng khư phong hoạt lạc, hoạt huyết giải độc. Lá có tác dụng tiêu thũng giải độc.
Công dụng: Quả được dùng trị lỵ lâu ngày sinh lòi dom, kinh nguyệt không đều, ít sữa, tắc tia sữa, viêm tinh hoàn, phong thấp, ung thũng, cũng dùng cho người bệnh di tinh, liệt dương, đái ra dưỡng trấp. Dây, rễ dùng trị phong thấp tê mỏi, sang độc, ung nhọt và kinh nguyệt không đều. Lá được dùng trị viêm khớp xương, nhức mỏi chân tay, đòn ngã tổn thương cũng dùng trị đinh sang, ngứa lở.
Dân gian còn dùng nhựa cây Xộp để bôi ghẻ lở, hắc lào.
Cách dùng, liều dùng: Ngày dùng 30g cành lá, 10-15g quả, 10-20g thân, dùng tươi sắc uống hoặc nấu thành cao ngày dùng 5-10g chữa đau xương, đau mình của người già, làm thuốc bổ, thuốc điều kinh, giúp sự tiêu hoá. Có thể dùng cành lá Trâu cổ phối hợp với Ðậu đen, ngâm rượu uống bổ, chữa di tinh, liệt dương, đau mình mẩy, đau lưng.
Bài thuốc:
1. Chữa tắc tia sữa, sưng vú, ít sữa: Quả Xộp 40g, bồ công anh, lá Mua, mỗi vị 15g sắc uống. Ngoài dùng lá Bồ công anh giã nhỏ chế giấm, chưng nóng chườm, đắp. Lại dùng lá Ngải cứu khô giã tơi cuốn giấy lại như điếu thuốc lá, đốt hơ chỗ ngực ngang 2 núm vú và chỗ chân vú bên bị tắc, hơ đến mức thấy nóng rát thì thôi. (Theo lương y Lê Trần Ðức).
2. Chữa đau nhức chân tay, xương, khớp do phong thấp: Cành lá Trâu cổ tươi 50 – 60g (khô 10 – 15g) sắc nước uống hàng ngày.
3. Chữa cơ thể suy nhược sau ốm dậy: Cành lá Trâu cổ tươi 120g, nấu với xương lợn, ăn hàng ngày với cơm.
4. Chữa trẻ gầy còm suy dinh dưỡng: Cành lá Trâu cổ tươi 50g, nấu với thịt gà ăn hàng ngày.
5. Chữa sữa không xuống (hoặc quá ít) sau khi đẻ: Quả Trâu cổ: 7 quả chín, hầm với 1 cái chân giò lợn, ăn và uống hết nước (quả tươi hoặc khô đều được).
6. Chữa quáng gà: Nấu canh quả Trâu cổ với gan lợn (20 – 30g) ăn.
7. Chữa di tinh, liệt dương, tim loạn nhịp: Quả Trâu cổ sao

khô. Hạt Bìm bìm trắng (Bạch khiên ngưu) sao khô, hai thứ lượng bằng nhau, làm thành bột mịn, trộn đều đựng trong lọ khô, sạch, có nút kín. Mỗi lần uống 6g, chiêu với nước cơm, ngày uống 3 lần.

Chú ý:  Quả bổ dọc phơi khô còn gọi là Quảng vương bất lưu hành (ở vùng Quảng đông Trung Quốc). Vị thuốc Vương bất lưu hành là hạt của cây Vaccaria segetalis (Neck) Garcke (Semen Vaccariae) tính bình, vị đắng, có tác dụng hoạt huyết thông kinh.

0/50 ratings
Bình luận đóng