Nội dung

Cây khế thuộc loại thân gỗ, to cao 10-12m, lá kép lông chim, phiến lá chét hình trái xoan nhọn. Cụm hoa ngắn, mọc thành chùm ở nách lá, hoa hình cầu, có màu hồng hay tím. Quả to tiết diện hình ngôi sao 5 múi. Cây khế được trồng khá phổ biến để lấy quả ăn và làm thuốc chữa bệnh.

Quả khế tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, long đờm
Quả khế tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, long đờm

Theo Đông y, quả khế có vị chua, ngọt, tính bình. Tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, long đờm, chữa ho, đau họng, lách to sinh sốt, sát trùng.

KHẾ

Tên khác: Khế chua, ngũ liễm tử, mạy phường (Tày), co mác phương (Thái)

Tên khoa học: Averrhoa carambola L.

Họ Chua me đất (Oxalidaceae)

MÔ TẢ

Cây nhỡ có thân hình trụ, vỏ màu xám đen. Lá mọc so le, kép lông chim có lá chét mỏng, to dần về phía ngọn, hai mặt nhẵn.

Cụm hoa mọc thành chùm xim, ngắn hơn lá, ở kẽ lá còn nguyên hoặc đã rụng; hoa màu hồng hay tím hồng, đài hình đấu ngắn, tràng có 5 cánh mỏng dính ở gốc, nhị 5, bầu có lông, 5 ô.

Quả thuôn dài, 5 múi vát nhọn, mặt cắt ngang có hình ngôi sao, màu vàng khi chín, hạt nhỏ, dẹt.

Mùa hoa quả: tháng 5 – 9.

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, khế phân bố ở khắp vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Ở Việt Nam, cây được trồng rộng rãi từ lâu đời ở khắp các địa phương, từ đồng bằng, trung du đến vùng núi thấp. Do được chọn lọc và cải tạo, nên có nhiều giống thích nghi với mọi điều kiện và hoàn cảnh của môi trường, loại khế cảnh cây thấp bé trồng trong chậu vẫn ra hoa quả thường xuyên.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Lá, vỏ thân, thu hái quanh năm; lá dùng tươi đôi khi phơi khô; vỏ thân cạo hết lớp mốc và vỏ xanh bên ngoài, thái nhỏ, sao vàng.

Hoa, quả thu hái vào mùa hạ, thu, dùng tươi hoặc phơi khô.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Quả khế chứa protein, glucid, đường, dầu, Ca, P, các vitamin A, C, B1, B2, P, acid oxalic, kali oxalat acid, Flavonoid, anthranoid, cyanidin, P-sitosterol.

Tinh dầu khế có mùi thơm giống mùi táo, mùi mơ.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

  • Lá khế có vị chua, chát, tính bình, có tác dụng mát huyết, giải nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, chữa dị ứng mẩn ngứa, lở sơn, cảm nhức đầu, sốt xuất huyết, đái buốt, mụn nhọt, ngộ độc.

Liều dùng hàng ngày: 20 – 40g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài, lấy lá giã nát, bôi xoa khắp người.

Lá khế (20g) dùng tươi, rửa sạch, nấu nước uống mỗi lần nửa bát con để chữa hen suyễn ở trẻ em. Lá khế phơi khô, tán bột hoặc sao vàng sắc uống với liều 6 – 10g lại chữa ngộ độc, rắn cắn. (Trường hợp bị ngộ độc, thêm đường vào nước sắc cho thật ngọt).

  • Hoa khế chữa kinh giản ở trẻ em, ho, ho gà. Liều dùng: 8 – 16g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột. Hoa khế tẩm nước gừng, sao, sắc có tính chất giống ngũ vị tử chữa ho khan, kiết lỵ rất tốt.
  • Quả khế có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu độc, chống viêm chữa viêm họng, lở sơn, làm sởi chóng mọc.

Liều dùng hàng ngày: 20 – 40g dưới dạng thuốc sắc.

Nước ép quả khế uống đều hàng ngày là thuốc chữa bệnh Scorbut (chảy máu chân răng). Quả khế (7 quả) cắt mỗi quả lấy một miếng khoảng 1/3 phía gần cuống, sắc với một bát nước còn nửa bát, uống lúc nóng; kết hợp lấy một quả khế giã nát với một củ tỏi, đắp vào rốn lại chữa đái không thông (Nam dược thần hiệu).

  • Hạt khế phơi khô, lấy 9 hạt nhai nướt nước chữa đẻ khó, sót rau.
  • Vỏ thân cây khế chữa ho, sởi, viêm họng, viêm amidan, đau đầu. Liều dùng hàng ngày: 8 – 12g, dưới dạng thuốc sắc.
  • Tầm gửi cây khế giã nhỏ, trộn với nước vo gạo, nướng đắp chữa gãy xương, tụ máu; nếu sao vàng, sắc uổng chữa sốt, sốt rét, ho gà. Liều dùng: 10g.

BÀI THUỐC

Chữa ngộ độc nấm, rắn cắn: Lá khế (20g), lá hoặc quả đậu ván đỏ (20g), lá lốt (10g). Tất cả dùng tươi, cho vào cối sạch, giã nát, hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, chắt lấy nước, uống làm một lần.

Thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết: Lá khế (16g), lá dâu (12g), sắn dây (12g), lá tre (12g), mã đề (12g), sinh địa (12g), sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Uống đều trong vài ngày.

Chữa lở sơn: Lá khế và lá muồng truồng (mỗi thứ 20g) giã nhỏ, gói vào vải sạch, xát khắp người.

Chữa trẻ em bị sốt cao mà kinh giật: Hoa khế (8g), kim ngân hoa (8), lá dành dành (8g), nhọ nồi (8g), cam thảo (4g), bạc hà (4g). Tất cả tán bột, rây mịn, mỗi lần uống 4g. Ngày 2 – 3 lần.

Chữa đậu sởi: Hoa khế (16g), rễ canh châu (16g). Hai thứ thái nhỏ, sao vàng, sắc uống trong ngày.

Thuốc thúc sởi (làm sởi chóng mọc và mọc đều): Quả khế phơi khô (20g), rau dệu (20g), lá nọc sỏi (20g), canh châu (20g). Tất cả thái nhỏ, sao vàng, hạ thổ, sắc uống làm hai lần trong ngày. (Kinh nghiệm của tỉnh hội y học dân tộc tỉnh Hà Tây).

Chữa ho, hen sữa ở trẻ em: Tầm gửi cây khế (20g), tầm gửi cây ruối (20g), rau má (20g), bạc hà (10g), lá hẹ (10g), sắc đặc, thêm mật ong, uống làm hai lần trong ngày.

Thuốc ứng dụng:

Bài 1. Thuốc chữa bệnh đau họng

+ Quả khế tươi 120g

+ Nghệ tươi 20g

+ Muối 5g

Nghệ tươi và khế rửa sạch ép lấy nước, cho muối vào quấy đều. Người bệnh chia làm nhiều lần ngậm trong ngày, cần dùng thuốc 2-3 ngày liền.

Bài 2. Thuốc chữa bệnh sưng lách sinh sốt

+ Quả khế                              150g

Quả khế rửa sạch ép lấy nước, pha thêm nước sôi với tỷ lệ 2 phần nước khế 1 phần nước nóng cho bệnh nhân uống lúc đói. Ngày uống 3 lần, cần uống liền 3-5 ngày.

Bài 3. Thuốc chữa bệnh lang ben

+ Quả khế 100g

+ Củ riềng 100g

+ Thuốc lào 50g

+ Muối ăn 30g

+ Rượu trắng 200ml

Tất cả các thứ rửa sạch giã nhỏ cho vào lọ kín miệng, cho 200ml rượu trắng vào ngâm 2 ngày, dùng bông thấm rượu bôi lên chỗ đau.

0/50 ratings
Bình luận đóng