Chụp X quang ổ bụng không chuẩn bị: cho thấy thận, niệu quản và bàng quang. Bình thường, thận phải hơi thấp hơn và hơi dài hơn (0,5 cm) so với thận trái. Chụp X quang cho phép nghi ngờ có khối u, thiểu sản hay thiếu một thận bẩm sinh. X quang ổ bụng cũng có thể phát hiện sỏi cản quang. Nếu chụp nhiều phim để so sánh thì có thể thấy sỏi di chuyển. Bóng của cơ đái-chậu bị mất khi có lỗ dò đường niệu vì nước tiểu tràn vào khoang sau phúc mạc.
Chụp đường niệu qua tĩnh mạch
KỸ THUẬT: hạn chế uống nước ngày hôm trước. Chất cản quang được tiêm hay được truyền vào tĩnh mạch. Lúc đầu, cứ 3-5 phút lại chụp một phim để có các hình ảnh ở thận; sau đó cứ 30 phút lại chụp một phim để có các hình ảnh của các đường dẫn nước tiểu. Nếu nghi ngờ có bất thường về hệ mạch của thận thì lúc đầu phải chụp phim mỗi phút một lần. Nồng độ chất cản quang và chất lượng các phim phụ thuộc vào độ lọc của cầu thận. Nếu có suy thận (urê huyết cao, creatinin huyết cao) thì các phim không rõ. Trong trường hợp này, nên chụp cắt lớp hay chụp siêu âm.
PHÂN TÍCH KẾT QUẢ
- Không có thận: dị tật bẩm sinh, do cắt bỏ thận.
- Bóng thận có vòm: u lành hay ác tính, áp xe, u máu.
- Thận một bên to: phì đại để bù trừ, viêm bể thận cấp, thận đa nang, thận ứ nước.
- Thận hai bên to: viêm bể thận và viêm cầu thận cấp, thận đa nang hay thận ứ nước hai bên, chứng to cực, rối loạn chuyển hoá tinh bột, đa u tuỷ.
- Teo thận một bên: teo sau khi bị tắc, sau chiếu tia hay sau thiếu máu, viêm bể thận mạn tính.
- Teo thận hai bên: viêm bể thận và viêm cầu thận mạn tính, xơ hoá thận- mạch thận.
- Tắc niệu quản, thận ứ nước: sỏi, cục máu đông, u trong hay ngoài niệu quản, u xơ sau phúc mạc.
- Đọng calci trong thận: ưu năng tuyến cận giáp, thừa vitamin D, nhiễm acid do ống thận, viêm bể thận mạn tính, sarcoidose, tăng oxalat niệu.
- Bất thường ở bể thận đài thận: sỏi, ung thư, hoại tử gai, lao.
- Bất thường ở bàng quang: không chứa đầy (sỏi, cục máu đông, u lành hay ác tính). Biến dạng do bị chèn ép từ bên ngoài (phì đại tuyến tiền liệt, khối u, khối máu tụ hay áp xe trong khung chậu, có thai, giãn đại tràng, u xơ sau phúc mạc).
CHONG CHỈ ĐỊNH: có thai, chậm kinh hay ở giai đoạn thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt (nguy cơ, bào thai bị chiếu tia X vào thời kỳ mới mang thai), dị ứng với các thuốc cản quang có iod.
TAI BIÊN: hiếm gặp. Chụp đường niệu qua tĩnh mạch có thể gây ra suy thận cấp có thiểu niệu nếu bị đa u tuỷ, mất nước nặng, suy thận. Tai biến dị ứng (điều trị: corticoid theo đường tĩnh mạch).
Chụp niệu quản – bể thận ngược dòng (chụp bể thận): tiêm một chất cản quang ngược dòng qua một ống thông được đưa vào niệu đạo lúc soi bàng quang, hiện nay ít được dùng vì có nguy cơ gây nhiễm khuẩn và sang chấn đường bài tiết nước tiểu.
Kỹ thuật này được dùng trong trường hợp nghi ngờ có tắc nghẽn đường niệu mà chụp thận qua đường tĩnh mạch không cho kết quả mong muốn hay bị dị ứng với chất cản quanghãêm đường tĩnh mạch.
Chụp bàng quang ngược dòng (chụp bàng quang): tiêm dung dịch chất cản quang vào bàng quang hay vào niệu đạo. Xét nghiệm này cho biết hình thể, bờ và lượng nước tiểu tồn dư trong bàng quang sau khi tiểu tiện. Chỉ định chủ yếu của chụp bàng quang là để chẩn đoán trào ngược bàng quang – niệu quản, có thể được thấy rõ khi đi tiểu, vào lúc áp suất trong bàng quang là cao nhất.
Các chỉ định khác là thăm dò bàng quang bị rối loạn thần kinh và làm rõ các lỗ dò, vỡ bàng quang. Chụp cản quang niệu đạo được chỉ định để chẩn đoán u lành, ung thư tuyến tiền liệt và chít hẹp niệu đạo.
Chụp mạch thận: để chụp động mạch thận, người ta tiêm chất cản quang qua một ống thông được luồn vào động mạch đùi rồi đưa lên tới động mạch thận dưới sự kiểm soát của X quang (ngược dòng). Xét nghiệm này gây đau và có một vài nguy cd, nhất là chảy máu, không dung nạp thuốc cản quang và tổn thương các mạch máu được luồn ống thông. Chụp động mạch thận được chỉ định nhằm phát hiện các bất thường về mạch máu của thận, đặc biệt là trong chẩn đoán cao huyết áp mạch thận, nhồi máu thận. Để chẩn đoán các khối u của thận, người ta ưa dùng chụp siêu âm và nhất là chụp cắt lớp.
Chụp động mạch số hoá qua tĩnh mạch được thực hiện bằng cách tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch. Phương pháp này sử dụng các kỹ thuật trừ bỏ số hoá và chắc chắn hơn nhiều so với phương pháp chụp động mạch kinh điển.
Chụp tĩnh mạch chủ dưới bằng chất cản quang được tiêm vào tĩnh mạch đùi được chỉ định nhằm chẩn đoán tắc tĩnh mạch thận và để đánh giá độ lớn của khối u thận.
Chụp cắt lớp: chụp cắt lớp ở mức thắt lưng là lựa chọn hàng đầu để chẩn đoán khối u thận và cho phép đánh giá mức độ lớn của khối u (hạch, mạch máu). Chụp cắt lớp cho phép phân biệt nang với khối u và đánh giá mức độ lan ra sau phúc mạc của các khối u ác tính. Nó cũng cho phép thấy rõ sỏi và khối u ở đường bài niệu, ở mức chậu, chụp cắt lớp cho phép phân tích hình ảnh phì đại lành tính và ác tính của tuyến tiền liệt, các khối u bàng quang và độ lan toả (có thể bơm hơi vào bàng quang).