VIÊM LOÉT ĐẠI TRÀNG (viêm trực đại tràng chảy máu): thường hay có biến chứng khớp (5-20% số trường hợp). Người ta phân biệt:
- Bệnh thấp trực-đại tràng (viêm khớp đại tràng): những đợt viêm đại tràng thường kèm theo viêm khớp, mới đầu khu trú ở những khớp lớn của chi dưới, rồi ở khớp khuỷu, các khớp cổ tay và bàn tay. Xét nghiệm X quang không thấy hình ảnh tổn thương, và về nguyên tắc viêm khớp thường khỏi không để lại di chứng.
- Viêm khớp đốt sống: có thể xảy ra viêm khớp trợt sụn (hoặc mòn sụn) ở riêng những khớp cùng chậu, với biểu hiện lâm sàng như một trường hợp viêm cột sống dính khớp. Điều trị: điều trị bệnh viêm loét đại tràng, thuốc chống viêm không steroid, lý liệu pháp.
BỆNH CROHN (VIÊM HỒI TRÀNG ĐOẠN CUỐI): biểu hiện khớp hiếm hơn, nhưng cũng giống như những biểu hiện khớp trong bệnh viêm loét đại tràng mô tả ở trên. Biểu hiện khớp thường xuất hiện ở những khớp gian đốt ngón tay gần (thứ nhất), ở khớp cổ tay và khớp gối. Cũng đã thấy có biểu hiện ở khớp cùng chậu.
BỆNH WHIPPLE (loạn dưỡng lipid ruột): những biểu hiện khớp có thể xảy ra nhiều năm trước khi có những dấu hiệu ruột. Có thể chỉ là đau khớp đơn thuần hoặc là viêm đa khớp tái phát nhiều lần, hay xảy ra ở những khớp lớn của chi dưới (khớp gối, khớp cô chân) hơn, so với ở các khớp của chi trên hoặc ở các khớp nhỏ. Điều trị: thuốc kháng sinh.
PHẪU THUẬT BẮC CẦU HỖNG TRÀNG CHẬU HÔNG HOẶC HỖNG- ĐẠI TRÀNG: tiếp sau những phẫu thuật này nhằm điều trị bệnh béo phì bệnh lý, có thể xảy ra viêm đa khớp ở những khớp lớn hoặc nhỏ, đôi khi có kèm theo những tổn thương ngoài da (vết sẩn đỏ) và ban đỏ nút.
NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT: trong những trường hợp viêm tiểu tràng do salmonella, shigella, vi khuẩn Yersinia enterocolitica, Campylobacter jejuni, từ 1-4 tuần sau có thể xuất hiện viêm đa khớp. Nói chung, viêm đa khớp sẽ tự khỏi sau vài tuần, nhưng đôi khi có thể diễn biến thành hội chứng Reiter hoặc viêm cột sống dính khớp. Những đối tượng mang kháng nguyên phù hợp mô HLA-B27 (Human Lymphocyte Antigen-B27) là những người có tố bẩm dễ bị biến chứng khớp.