Tuyến giáp là một tuyến nội tiết sản xuất hormon giáp (T3,T4). Bệnh lý u tuyến giáp khá đa dạng vì vậy bài viết này sẽ khu trú lại về ung thư tuyến giáp mà không đề cập về các u lành tính khác. Ung thư tuyến giáp trạng là khối u ác tính chỉ chiếm tỷ lệ 0,5 – 1%.
NGUYÊN NHÂN
Các yếu tố nguy cơ, thuận lợi là: Tia phóng xạ (sau xạ trị), chế độ dùng Iod (vùng bướu cổ lưu hành có tỷ lệ ung thư cao hơn). Yếu tố di truyền. Ung thư trên một u giáp lành tính như thể nhân.
CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
Dựa vào một số yếu tố dịch tễ học lâm sàng: Bệnh nhân nam giới, có bướu giáp thể nhân trước đó, đã bị tia xạ vùng cổ, gia đình có người đã bị ung thư giáp trạng.
Thăm khám vùng cổ thấy khối u ở vùng trước giữa cổ, ở một thùy hay cả hai thùy, di động theo nhịp nuốt, cứng. Tiến triển lâu sẽ dính cố định ở vùng trước cổ.
Khi dính, cố định có thể bị khàn tiếng (xâm lấn gây liệt dây thần kinh hồi qui). Có thể bị khó thở kiểu thanh quản do liệt cả hai dây hồi qui hay bị xâm lấn vào khí quản, thanh quản. Có thể gặp cả khó nuốt do u cố định ở vùng cổ hay xâm lấn thực quản. Ngoài da có thể bị thâm nhiễm đỏ sần da cam, sùi, loét, chảy máu.
Hạch cổ to cùng bên u hoặc cả hai bên, vị trí thường ở vùng cảnh thấp, thượng đòn.
Chẩn đoán tế bào học (chọc hút bằng kim nhỏ).
Sinh thiết u tuyến để chẩn đoán mô bệnh học, hóa mô miễn dịch.
Sinh thiết lạnh trong mổ u tuyến giáp.
Chẩn đoán mô bệnh học phân ra các thể sau: thể nang, thể hỗn hợp nhú và nang, thể tủy, thể không biệt hóa, thể biệt hóa, tế bào Có thể gặp loại sarcome.
Chẩn đoán hình ảnh u tuyến qua siêu âm, CT, MRI, chụp nhấp nháy đồ với I131.
Chẩn đoán sinh hóa: Định lượng Calcitonin (do tế bào C tiết ra chỉ có trong ung thư thể tủy). Định lượng FT3, FT4, TSH (chẩn đoán phân biệt với bệnh Basedow).
- Chẩn đoán giai đoạn TNMS.
Chẩn đoán phân biệt
Cần phân loại với các thể u lành tính (u nang, bướu cổ đơn thuần, bướu thể nhân dễ tiến triển thành ung thư), coi là tiền ung thư, hoặc đã có ung thư Basedow.
Và thứ phát sau các ung thư vùng thanh quản hạ họng lan tràn đến.
ĐIỀU TRỊ
- Nguyên tắc điều trị
Về nguyên tắc chung là phẫu thuật triệt để – rộng, nạo vét hạch cổ, chú ý nhóm hạch hồi qui. Có điều trị bổ sung bằng nội tiết, xạ trị
- Sơ đồ/phác đồ điều trị
Phẫu thuật: Cắt bỏ tuyến giáp toàn bộ, hoặc một thùy bên, kèm nạo vét hạch cổ.
Bổ sung điều trị nội tiết (T4 – ức chế tuyến yên tiết TRH – Thyrotropin Releating Hormone) thường dùng Levothyroxin (T4) hay Livothyroxin (T3).
Điều trị hóa chất: Theo đơn hóa trị (Doxorubicin – Adriamycin), hoặc phối hợp với Vincristine, Bleomycine.
Iod phóng xạ với I131.
Tia xạ từ ngoài.
- Điều trị cụ thể (nội khoa, ngoại khoa)
Với thể biệt hóa: phẫu thuật, nội tiết, xạ tri bằng I131 (RAI – Radioactive – Iodine khi còn sót u, có di căn xa, xâm lấn tại chỗ, không được điều trị nội tiết). Hoặc xạ ngoài (áp dụng cho tiền phẫu hoặc khi u không có độ tập trung Iod khi chụp nhấp nháy đồ – Scintigraphie).
Với thể tủy: phẫu thuật, xạ ngoài. Điều trị nội tiết ít dùng cho thể tủy (Thể tủy thường có tính di truyền gia đình).
Với thể không biệt hóa: ít có khả năng phẫu thuật, nên hóa xạ trị sẽ được chỉ định.
Với ung thư thể nhú và nang: thường gặp ở trẻ em và tuổi thanh thiếu niên. Phẫu thuật là hàng đầu, sau đó tiếp tục điều trị nội tiết.
Với thể u lympho biểu hiện ở tuyến giáp: thường gặp là u lympom không Hodgkin sẽ có chỉ định hóa xạ trị kết hợp.
TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
- Tiên lượng
Phụ thuộc vào tuổi (>45, xấu). Giới (nam xấu hơn nữ). Kích thước u (>4, xâm lấn vỏ bao giáp, xấu). Thể mô bệnh học (thể tủy, không biệt hóa xấu hơn thể nhú và nang). Có di căn hạch cổ xấu. Đã có di căn xa xấu, thể có nhiều u xấu, bệnh nhân đã bị xạ trị xấu.
- Biến chứng
Các biến chứng của phẫu thuật tuyến giáp và nạo vét hạch cổ.
Các biến chứng của xạ trị và hóa chất.
PHÒNG BỆNH
- Cần phát hiện sớm, nhất là điều trị sớm các u lành tính giáp trạng, thể nhân.
- Sử dụng đủ Iode có thể làm giảm tỷ lệ mắc ung thư giáp trạng.
- Tránh xạ trị vùng tuyến giáp nếu có thể, để giảm nguy cơ ung thư giáp.