Trúng độc da do thuốc là một tình trạng bệnh lý thường gặp, do cơ thể phản ứng khác thường với một hoặc nhiều loại thuốc được đưa vào bằng đường uống hoặc đường tiêm hoặc sử dụng tại chỗ. Dị ứng có thể từ mức độ nhẹ, thoáng qua, dễ khỏi nên dễ bị bỏ qua cho đến mức độ nặng như hội chứng Stevens-Jonhson, hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, có thể gây tử vong. Hiện nay khi các thuốc mới được sử dụng ngày càng nhiều, việc mua bán thuốc quá dễ dàng càng làm cho nguy cơ dị ứng thuốc dễ xảy ra.

Các thuốc gây dị ứng có tỷ lệ cao như kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm.

Một số yếu tố nguy cơ như: Cơ địa dị ứng, tiền định gia đình, đường sử dụng thuốc… làm gia tăng khả năng dị ứng thuốc.

CƠ CHẾ SINH BỆNH

Phản ứng không miễn dịch

Quá liều: Do vượt quá ngưỡng dung nạp của bệnh nhân đốt với thuốc, có thể do sự ứ đọng quá tải của thuốc hay liên phản ứng của nhiều loại thuốc cùng lúc.

Tai biến phụ: Do tác động dược lý học của thuốc.

Phản ứng đặc ứng: Đáp ứng có tính chất bất thường của cơ thể đôi với thuốc.

Mất quân bình: Do làm thay đổi các tác nhân thường trú trong cơ thể.

Phản ứng dị ứng giả: Không phải là phản ứng giữa thuốc hoặc các chất chuyển hóa của thuốc với kháng thể đặc hiệu.

Phản ứng miễn dịch

Thuốc hoặc chất chuyển hóa của thuốc không phải là một kháng nguyên (do khối lượng phân tử nhỏ) mà là một Hapten, khi kết hợp với Protein trong huyết thanh hay ở da sẽ trở thành một kháng nguyên.

Gell và Coombs chia thành 4 type:

Những biểu hiện dị ứng tức thì (Type I của Gell và Coombs)

Liên quan đến sản xuất IgE, ví dụ Mày đay cấp, hen, sốc phản vệ là tai biên trầm trọng nhất có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Những biểu hiện độc tế bào (Type II của Gell và Coombs)

Liên quan đến sản xuất IgG, IgM. Biểu hiện lâm sàng là tan máu, giảm bạch cầu trong máu, chảy máu do thiếu tiểu cầu.

Những biểu hiện bán chậm (Type III của Gell và Coombs)

Bệnh huyết thanh (do thành lập KN-KT, là nguồn gốc của viêm mạch dị ứng).

Những biểu hiện dị ứng chậm (Type IV của Gell và Coombs)

Do nhạy cảm của Lympho bào tiếp theo sau lần tiếp xúc thứ nhất với kháng nguyên. Thường gặp như chàm tiếp xúc, đỏ da toàn thân, hội chứng Stevens-Jonhson, hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc.

BIỂU HIỆN LÂM SÀNG

Phát ban dát sẩn

Có thể gặp phát ban dạng sởi, dạng lichen, dạng Vảy phấn đỏ nang lông.

Phát ban dạng sởi: Là loại phát ban thường gặp nhất. Là những dát hoặc sẩn màu hồng, đối xứng, xuất hiện 2-10 ngày sau khi sử dụng thuốc, thường gặp trên những vùng tỳ đè. Thuốc có thể do kháng sinh (Ampicillin, Amoxillin, Bactrim), Allopurinol.

Phát ban dạng lichen: Thương tổn màu đỏ tía, thường lan tỏa, tăng sắc tố sau khi lành. Thuốc: Thiazide, Captopril, kháng sốt rét, Phenothiazin.

Phát ban giống vảy phấn đỏ nang lông: sẩn màu hồng lan tỏa hơn, thương tổn nhiều hơn ở chi, thiếu những triệu chứng đặc hiệu của vảy phấn đỏ nang lông. Thuốc: Catopril, Sulfamide.

Mày đay

Sẩn phù hình tròn, di chuyển, kích thước thay đổi từ nhỏ đến lớn, hiếm khi kéo dài quá 24 giờ. Khi lớp bì sâu và mô dưới da bị sưng nề gọi là phù mạch. Có thể tổn thương cả niêm mạc. Có thể gặp Mày đay trong sốc phản vệ. Thuốc: Aspirin, Penicillin, Codein.

Hồng ban đa dạng

Biểu hiện lâm sàng với mày đay, hồng ban hình bia, mụn nước, bóng nước. Thương tổn hình bia: trung tâm là mụn nước, bóng nước được bao quanh ngoài là hồng ban đỏ thẫm đến đỏ tươi. Tổn thương niêm mạc miệng gặp trong 60% trường hợp. Các dạng nặng trong dị ứng da do thuốc:

Hội chứng Stevens-Johnson

Là dạng nặng của hồng ban đa dạng, diễn tiễn cấp tính, có tổn thương nội tạng.

  • Lâm sàng:

Sốt cao, tổng trạng suy sụp, nhiễm độc.

Thương tổn quanh các lỗ tự nhiên như mắt: Viêm kết mạc, giác mạc, phù mi mắt, xuất huyết dưới kết mạc. Nếu không được chăm sóc tốt có thể bị biến chứng loét gây mù.

Thương tổn quanh miệng, niêm mạc miệng: Bóng nước vỡ nhanh để lại vết trợt, đóng mài máu làm bệnh nhân đau rát, ăn uống khó.

Thương tổn bộ phận sinh dục: Viêm trợt qui đầu, trợt âm hộ…

Thương tổn da: Phát ban hồng ban đa dạng với dát sẩn, mụn nước, bóng nước, ban xuất huyết.

Thương tổn nội tạng: Viêm phổi, viêm gan, Albumin niệu… Tiên lượng nặng.

Hội chứng Lyell

Biểu hiện bằng sự bóc tách đột ngột và toàn bộ lớp thượng bì giống như người bị bỏng nặng.

Da tróc từng mảng lớn, trợt, tiết dịch nhiều gây mất nước, rối loạn điện giải, xuất huyết.

Trợt niêm mạc đường tiêu hóa làm bệnh nhân khó nuốt, xuất huyết tiêu hóa, tiêu chảy. Thương tổn trợt đường hô hấp làm đờm rãi tiết nhiều, thương tổn phế quản phổi gây phù phổi.

Sốt cao, tổn thương nội tạng (viêm cầu thận, hoại tử ống thận-mô kẽ) làm cho tiên lượng bệnh rất nặng, tử vong do nhiễm khuẩn máu, mất nước, rối loạn điện giải…

Hồng ban nút

Nốt đỏ, đau xuất hiện trên hai cẳng chân, đầu gối, đùi, cẳng tay. số lượng từ 3 nốt trở lên. Bệnh đột ngột, thương tổn mới tiếp tục cho đến khi ngưng thuốc. Thuốc thường do thuốc ngừa thai, Sulfamide, Bromid, lode.

Hồng ban sắc tố cố định tái phát

Một hoặc nhiều thương tổn.

Vị trí: Có thể ở bất kỳ nơi nào trên da hoặc niêm mạc (miệng, bộ phận sinh dục). Lâm sàng có ngứa, nổi hồng ban giới hạn rõ thường hình tròn, tiếp theo có thể là sẩn phù, bóng nước trên nền hồng ban đó.

Diễn tiễn: Hồng ban sẽ biến mất trong vòng vài ngày để lại dát sắc tố tồn tại lâu.

Nếu dùng thuốc trở lại thì hồng ban sẽ xuất hiện ngay tại vị trí cũ.

Thuốc thường do Tetracycline, Bacbiturate, Salicylate, thuốc ngừa thai.

Phát ban nhạy cảm ánh sáng

Có hai dạng là Phototoxic và Photoallergic.

Phototoxic: Phát ban sau 2-6 giờ tiếp xúc với ánh nắng và có liên quan đến liều. Photo- toxic xảy ra trên bệnh nhân thường có đủ hai yếu tố: lượng thuốc sử dụng và ánh sáng mặt trời. Thuốc: Tetracycline (đặc biệt Doxy), Psoralen, Methotrexate.

Photoallergic: Phát ban xuất hiện trong vòng 24-48 giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng. Bệnh nhân có thể uống thuốc từ vài tháng đến vài năm trước khi xuất hiện phản ứng. Loại này không liên quan đến liều. Thuốc: Thiazide, Griseofulvin, kháng viêm non-steroid (Piroxicam).

Ban xuất huyết

Ban xuất huyết dạng điểm hoặc mảng diễn tiễn tới bóng nước xuất huyết hoặc loét. Viêm mạch do thuốc có thể gây tổn thương các cơ quan khác như mắt, thận, não, khớp. Thuốc: kháng sinh, Phenyltoin, Furosemid.

Đỏ da toàn thân

Thuốc có thể gây đỏ da toàn thân tróc vảy ở dạng khô hoặc ướt. Bệnh nhân thường ngứa dữ dội, ớn lạnh. Thường gặp do kháng sinh như Penicillin, Gentamycine, Cephalosporins, thuốc an thần, lợi tiểu, các Sulfamides hạ đường huyết, thuốc tê tại chỗ dẫn xuất từ Procain.

Sạm da

Có thể khu trú trên những vùng phơi bày ánh sáng hoặc toàn thân. Thuốc: Minocycline,thuốc ngừa thai, các loại kim loại nặng.

Phát ban dạng mụn trứng cá

Do một số thuốc như corticoid, androgen, vitamin B12, thuốc kháng lao. Phát ban xuất hiện đột ngột sau vài tuần đến vài tháng sử dụng thuốc, lan tỏa chứ không chỉ khu trú vùng tiết bã, giảm nhanh khi ngưng thuốc.

Rụng tóc

Thường tạm thời, có thể lan tỏa hoặc khu trú kiểu Pelade. Thuốc: chống đông như Heparin, Coumarine, thuốc chống co giật, chống phân bào, chống tăng cholesterol.

Chàm

Phát ban chàm thường do sử dụng tại chỗ. Thuốc: kháng sinh như Penicillin, Cephalosporin, Getamicin. Thuốc an thần, kháng histamine (Promethazin và dẫn xuất), lợi tiểu, Sulfamide hạ đường huyết.

CHẨN ĐOÁN: Dựa vào

Bệnh xuất hiện đột ngột, tiền sử có tiếp xúc hoặc sử dụng thuốc.

Triệu chứng lâm sàng.

Cần chẩn đoán phân biệt tùy theo bệnh cảnh lâm sàng.

DIỄN TIẾN VÀ TIÊN LƯỢNG

Diễn tiến thay đổi tùy theo thể lâm sàng, tiên lượng nói chung tốt, ngoại trừ những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

ĐIỀU TRỊ

Nguyên tắc

Ngưng ngay các thuốc nghi ngờ.

Xử trí các vấn đề có liên quan đến tổng trạng.

Chống nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân.

Vitamin c liều cao.

Kháng histamine nếu có ngứa.

Corticoids chỉ nên sử dụng trong những ngày đầu và khi cần thiết.

Chăm sóc một bệnh nhân dị ứng thuốc nặng

Nằm phòng vô khuẩn, drap hấp, rắc bột Tale hấp.

Xoay trở chống loét, hút đàm nhớt để thông đường thở, chăm sóc mắt tránh loét kết giác mạc gây dính khi bệnh lành. Nếu thương tổn tiết dịch nhiều có thể sử dụng các Tulgas đắp để giảm đau, giảm mất nước.

Điều chỉnh thăng bằng điện giải, cung cấp đủ lượng nước hàng ngày qua đường truyền và uống.

Nuôi ăn qua đường miệng, dịch truyền, hoặc đặt sonde nếu cần.

Thuốc: Kháng sinh, dịch truyền, vitamin c, kháng histamine, corticoid nếu cần.

Theo dõi: Dấu hiệu sinh tồn, lượng nước xuất nhập mỗi ngày, tình trạng tiết dịch, theo dõi sát để phát hiện kịp thời các dấu hiệu lâm sàng mới của dị ứng thuốc.

PHÒNG NGỪA

Phải sử dụng thuốc đúng chỉ định, đúng liều, tránh tương tác thuốc có hại. cần hết sức thận trọng khi người bệnh có tiền sử dị ứng trước đó ngay trong lần kê toa đầu tiên.

5/52 ratings
Bình luận đóng