Mục lục
Tên khoa học:
Alisma plantago aquatica L. Họ khoa học: Họ Trạch tả (Alismaceae).
Tiếng Trung: 泽泻
Tên khác: Văn tả
Nguồn gốc:
Đây là củ trạch tả khô của loài thực vật họ trạch tả. Sản xuất chủ yếu ở Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Giang Tây v.v…Cây Trạch tả mọc hoang ở vùng ẩm ướt nhiều nơi trong nước ta như Cao bằng, Lạng sơn, Điện biên, Hà nam, Ninh bình, Thái bình. Hái lấy rễ củ rửa sạch, cạo hết rễ nhỏ, phơi hay sấy khô làm thuốc.
Phân biệt tính chất, đặc điểm:
Trạch tả có hình cầu, hình bầu dục hoặc hình quả trứng, dài 2 – 7cm, đường kính 2 – 6cm. Bề mặt mầu trắng vàng hoặc màu nâu vàng nhạt, có các đường vân rãnh nông vòng tròn theo hướng nằm ngang và vô số ngân rễ chùm nhỏ nhô lên: Phần dưới có củ có vết mầm dạng bướu. Chất rắn chắc, mặt cắt màu trắng vàng, có tinh bột, có rất nhiều mắt nhỏ.
Mùi thoảng nhẹ, vị hơi đắng. Loại nào có củ to, màu trắng vàng, nhẵn bóng, giầu tinh bột là loại tốt.
Bảo quản:
Trạch tả là thứ rất dễ mọt, phải phơi sấy kịp thời hoặc sấy diêm sinh, và xếp chung với đan bì để giảm bớt sâu mọt.
Thành phần chủ yếu:
Alisol A, alisol B, alisol A monacetate, alisol B monacetate, epialisol A asparagine, choline, tinh dầu, alcaloit, vitamin B12, Kali có hàm lượng 147,5mg%.
Dược lý hiện đại:
Có tác dụng rất rõ rệt về lợi tiểu và hạ huyết áp tương đối lâu dài, nó làm cho lượng đảm cô thuần và lượng đường trong máu giảm đi, có tác dụng chống chất mỡ trong gan, đối với các loại tụ cầu trùng màu vàng kim, cầu trùng viêm phổi, trực trùng lao, có tác dụng ức chế mạnh.
Liều thường dùng:
10 – 20g.
Khí vị:
Vị ngọt, mặn, hàn, không độc, vào kinh Túc thái dương và Túc thiếu âm, tính chìm mà giáng xuống, là âm ở trong dương dược, ghét Hải linh, Văn cáp.
Chủ dụng:
Trừ âm hãn, rất lợi tiểu tiện, tả thủy tà ẩn nấp bên trong, nuôi dưỡng thủy mới sinh, chữa tiểu tiện ra huyết, tiết tinh, tả lỵ, sưng trướng, là thuốc thánh để trừ thấp chỉ khát, thông lợi thủy đạo và các chứng lâm lậu.
Lại nói: thông sữa, thôi sinh, bổ huyết hải của phụ nữ làm cho người ta có con, điều trị các bệnh thuộc thấp nhiệt ngưng trệ.
Cấm kỵ:
Phàm bệnh không có thấp, chứng Thận hư, tinh hoạt, mắt không sáng thuộc hư thì cấm dùng. Biển Thước nói: uống nhiều bị đau mắt vì nó lợi thủy, tả Thận.
Cách chế:
Cho vào thuốc lợi thủy ở Tỳ Vị thì dùng sống, cho vào thuốc tư âm lợi thủy thì nên sao với nước Muối, vào thuốc ôn bổ như Bát vị hoàn thì nên sao với Muối và Rượu.
Nhận xét:
Trạch tả bẩm thọ táo khí mùa Đông của trời để sinh, tính tả được thủy, trong bài Ngũ linh tán dùng nó là vì vận hành được thấp, bài Bát vị hoàn dùng nó để dẫn vàọ kinh Thận. Trong thuốc bổ dùng Địa hoàng phải dùng kèm Trạch tả để tả Thận, tức là tả thấp hỏa ở trong Thận, thì bổ mới đắc lực. Người xưa dùng thuốc bổ phải kèm có cả tả tà, đó là khéo ở chỗ khơi ra rồi hợp lại, nếu chỉ có bố mà không tả thì có hại thắng lệch một bên, chỉ có chứng hư thoát thì lực bổ phải mạnh, không thể chậm trễ được.
GIỚI THIỆU THAM KHẢO
“Lan đài quỳ phạn”
Bài Tư sinh hoàn
Nhân sâm 80g, Bạch truật 80g, Bạch linh 80g, Sơn dược 80g, Liên tử nhục 40g, Bạch biển đậu 40g, Ý dĩ nhân 40g, Sa nhân 30g, Cát cánh 40g, Cam thảo 40g, Hoắc hương 30g, Quất hồng 30g, Hoàng liên 30g, Trạch tả 30g, Khiến thực 30g, Sơn tra 30g, Mạch nha 30g, Bạch đậu khấu 30g.
Cùng tán nhỏ, thêm Hồ làm hoàn, liều uống 6-12g, ngày 2 lần.
Có tác dụng kiện Tỳ, trợ vận, ích khí, an thai.
Trị có thai mà Tỳ Vị hư yếu, nôn mửa,, người có thai 3 tháng mạch Dương suy, dọa sẩy thai.
Trên lâm sàng chữa rối loạn tiêu hóa mạn tính, viêm Dạ dày mạn tính, viêm ruột mạn tính, loét Tá tràng, trẻ nhỏ biếng ăn, suy dinh dưỡng.
“Cổ kim phương tập thành”
Bài Long đởm tả can thang
Long đởm thảo (sao Rượu) 12g, Hoàng cầm (sao) 12g, Chi tử (sao Rượu) 12g, Trạch tả 8g, Mộc thông 8g, Đương quy (sao Rượu) 8g, Sinh địa (sao) 8g, Sài hồ 8g, Xa tiền tử 6g, Cam thảo 2g. Sắc, chia uống 3 lần trong ngày.
Có tác dụng thanh thấp nhiệt ở kinh Can, Đởm.
Trị Can, Đởm có thực hỏa, đầu đau, sườn đau, mắt đỏ, miệng đắng, tai ù, viêm tai giữa, hoàng đản, thấp nhiệt dồn xuống bên dưới gây ra tiểu buốt, tiểu gắt, đau, ngứa bộ phận sinh dục, đới hạ.
Trên lâm sàng thường dùng bài này gia giảm để trị các bệnh viêm Gan do virus (thêm Nhân trần), viêm túi Mật cấp (thêm Khổ luyện căn bì, Đại hoàng), viêm Bàng quang (thêm Hoàng bá, Trúc diệp, Hoạt thạch), và các bệnh viêm màng tiếp hợp, viêm tai giữa, cao huyết áp, viêm cầu Thận cấp, viêm hố chậu cấp có hội chứng Can kinh thấp nhiệt.
Chú ý:
Bài này sức tả Can hỏa rất mạnh, các chứng thực hỏa của Can kinh, tân dịch chưa bị tổn thương, đều có thể dùng. Nhưng thuốc khổ hàn có thể làm hại Vị khí, cho nên trúng bệnh thì thôi, không nên dùng quá nhiều.
“Loại chứng trị tài”
“Những bài thuốc tâm huyết…”
Bài Gia vị ngũ linh tán phương
Phục linh 20g, Trư linh 30g, Trạch tả 15g, Quế chi 10g, Đan sâm 15g, Xuyên sơn long 10g, Trạch lan diệp 30g, Ngưu tất 10g, Hương phụ 15g, Bạch truật 15g.
Có tác dụng thanh lợi thủy thấp ở khóp xương, hành khí, hoạt huyết, thông lạc.
Chữa khớp chi dưới đau hoặc sau khi đầu gối bị tổn thương, do đau mà co duỗi khó hoặc sưng trướng, tiểu tiện sẻn ít, bệnh trình kéo dài do thủy thấp uất trệ ở khớp xương, khí huyết mất điều hòa.
“Y tông kỳ nhiệm biên”
Bài Tư thủy thanh can thang
Thục địa 12g, Sơn thù 8g, Sơn dược 10g, Mẫu đơn bì 8g, Sài hồ 10g, Táo nhân 10g, Trạch tả 16g, Bạch linh 12g, Đương quy 10g, Bạch thược 8g, Chi tử 6g.
Sắc, chia uống vài lần trong ngày.
Có tác dụng bổ Thận thủy, ích Can huyết.
Chữa chứng táo hỏa sinh phong, phát sốt, đau sườn, tai điếc, miệng khô, chân tay, đầu mặt như sưng phù.
Liều thường dùng:
10 – 20g.
Cấm kỵ khi dùng thuốc:
Người nào thận hư hoạt tinh, khi dùng phải thận trọng
Các bài thuốc thường dùng:
Trạch tả chúc (cháo trạch tả)
Trạch tả 10g – Gạo lức 50g
Cho 500ml nước nấu gạo lức thành cháo, sau đó cho trạch tả vào, đun nhỏ lửa cho sôi lên là được.
Dùng cho người thuỷ thấp ngừng trệ, tiểu tiện bất lợi, hạ tiêu thấp nhiệt, ra khí hư, đái dắt v.v…
Trạch tả tán (thuốc bột trạch tả)
Trạch tả 1g – Xác ve 21 cái
Keo hoàng minh 1 miếng to bằng bàn tay (nướng vàng lên)
Nghiền chung thành bột mịn. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 3g, uống bằng nước cháo loãng nóng.
Dùng cho trẻ em bị nhiệt đàm, đờm trong phổi khò khè, ngáy to, chảy dãi. .
Ôn chúc thánh tế trạch tả tán (bột trạch tả thang cháo nóng thần diệu)
Trạch tả 10g
Phòng phong 10g
Xương truật 10g
Nhục quế (vỏ thô) 1g
Con hà (nướng) 10g
Nghiền bột mịn. Mỗi lần uống 12g. Uống bằng nước cháo nóng
Dùng cho người thể hư ác phong, nhiều mồ hôi.
Trạch tả bạch truật thang (thang trạch tả bạch truật)
Trạch tả 12g
Hạt xa tiền 9g
Bạch truật 12g
Phục linh bì (vỏ phục linh) 15g
Tây qua bì (vỏ dưa hấu) 24g
Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Dùng cho người viêm thận phù nề, tiểu tiện bất lợi.
Tam bạch thang (thang thuốc tam bạch)
Trạch tả 9g – Đăng tâm 10 cọng
Bạch truật 9g – Gừng 5 miếng
Phục linh 9g
Sắc uống. Dùng cho người tiểu tiện bất lợi, đàm ẩm váng đầu, ngày nóng bức hay nôn mửa, ỉa chảy…
Trạch tả đồn kê (trạch tả hầm gà)
Trạch tả 60g – Gà mái 1 con
Phục linh 60g – Hoàng tửu vừa phải
Giết gà mổ moi rửa sạch sẽ, cho cả trạch tả, phục linh, hoàng tửu vào bụng gà, đặt gà vào liễn sứ quay bụng lên trên, đun to lửa hầm cách thuỷ 3-4 giờ. Vớt bỏ váng mỡ. Nước gà húp nhạt mỗi lần 4 thìa canh, thịt gà chấm ma di ăn, trong 4-5 ngày ăn hết.
Dùng cho người xơ gan, thể hư, bụng trướng nước.
Trạch tả giảm phì thang (thang thuốc trạch tả giảm béo)
Trạch tả 10g
Phục linh 20g
Son tra 15g
Một dược 10g
Bồ hoàng tưoi 10g
Nhũ hưong 10g
Hạt ý dĩ tươi 20g
Đan sâm 30g
Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Dùng để giảm béo.
Trạch tả trà (trà trạch tả)
Trạch tả 15g, sắc lên uống thay trà.
Dùng cho người bị cương dương vật không xuống, đau trướng khó ngủ, tướng hoả quá thịnh, thận âm khuy tổn.
Tham khảo:
- Uống Trạch tả nhiều quá thành ra chứng mắt đau (Biển Thước).
- Mắt thuộc bàng quang và thủy, vì thấm lợi thái quá cho nên nước khô đi mà hỏa thịnh nên gây ra đau mắt (Đan Khê Tâm Pháp).
- Trạch tả bẩm thụ táo khí của đất, khí mùa đông của trời để Trong bài Ngũ Linh Tán dùng nó vì nó vận hành được thấp, Bài Bát Vị Địa Hoàng Hoàn dùng nó để dẫn vào Thận. Trong thuốc bổ, Địa hoàng phải kèm với Trạch tả để tả Thận, tức là tả thấp hỏa trong thận thì bổ mới đắc lực. Cho nên người xưa khi dùng thuốc bổ phải kèm có cả tả tà, đó là kh o ở chỗ khơi ra rồi hợp lại, nếu chỉ bổ mà không tả thì có cái hại thắng lệch một bên, chỉ có đối chứng hư thoát thì lực bổ phải mạnh, không thể một chút chậm trễ được (Dược Phẩm Vậng Yếu).
- Phàm những chứng bệnh thủy thủng thì Trạch tả là 1 loại linh đơn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Xét ra Trạch tả tính lạnh, đối với các chứng trong Thận và Bàng quang hư hàn, không thể chứa chịu để dần dần tiêu ra. Uống Trạch tả tính nó rút nước xuống quá thì tinh cũng phải do đó mà chảy theo. Nếu đã có chứng hư hàn ở hạ tiêu rồi thì không nên dùng. nếu thấy thấp khí bốc lên gây nên mắt đau là do nóng quá, tinh thủy tiết ra. Uống Trạch tả làm thanh giải, tiêu xuống thì khỏi sưng ngay mà tinh cũng cầm cố lại, vì vậy, bài Bát Vị Địa Hoàng Hoàn dùng Trạch tả để làm tiêu chất xấu làm hại Bàng quang và cũng có ý giúp cho những chất chậm tiêu của Địa hoàng dễ được tiêu nhanh khỏi đọng lại bên trong gây nên đầy trướng. Có người vì sợ mà bỏ Trạch tả đi, thiết tưởng đó không phải là ý hay, chẳng qua chỉ vì sợ mà mất cả ý hay của phép dùng thuốc vậy. Đôi khi uống bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn mà thấy đầy, đó cũng là vì không có vị Trạch tả. Còn như ông Biển Thước nói rằng do dùng nhiều Trạch tả quá làm tiêu hao hết nước gây nên mắt khô mà sinh đau, thì ông chỉ nói là đừng dùng nhiều chứ không nói rằng không nên dùng hẳn đâu (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Bài Bát Vị Hoàn của Trương Trọng Cảnh dùng Trạch tả là vì tiểu không thông nên mới đưa vào. Về sau, Bài Lục Vị Địa Hoàng Hoàn dùng Trạch tả là để có thể tả Thận, khiến cho bổ mà không thiên thắng thì Địa hoàng mới không đầy trệ, sức bổ Thận càng mạnh (Đông Dược Học Thiết Yếu).
+ Trạch tả có công dụng tả Tướng hỏa vì tướng hỏa vọng động nên gây ra di tinh, có Trạch tả thanh giải thì tinh tự giữ lại được (Đông Dược Học Thiết Yếu).