Thiếu ăn kéo dài là tình trạng cơ thể không nhận được bất kỳ chất dinh dưỡng nào. Nạn đói là tình trạng thiếu thức ăn ảnh hưởng đến một số lớn người, xảy ra trong chiến tranh, lụt, động đất v.v… Nạn đói có thể mang tính chất địa phương hoặc ở một khu vực rộng (mất mùa) ở các nước thứ ba và là một vấn đề lớn về xã hội, kinh tế và sức khoẻ công cộng. Ở người lớn, cơ thể có xu hướng thích nghi với tình trạng thiếu thức ăn bằng cách trước hết sử dụng dự trữ mỡ (phân giải mỡ), sau đó đến protein ở cơ (giảm sút khối lượng cơ), mất các chất điện giải và dự trữ glycogen bị cạn kiệt rất nhanh. Nếu thiếu ăn kéo dài, có thể bị mất tới 50% trọng lượng cơ thể, da mỏng, khô, nhợt nhạt, lạnh (thân nhiệt giảm), lông tóc giảm, bệnh nhân yếu (trương lực cơ giảm) và trở nên vô cảm. Tinh hoàn teo, mất ham muốn tình dục, phụ nữ bị vô kinh. Huyết áp động mạch giảm, mạch chậm, suy tuần hoàn – hô hấp tăng dần. Thường bị thiếu máu vừa phải và hồng cầu bình thường. Có thể bị suy giảm miễn dịch. Đến giai đoạn cuối có xuất hiện phù và tiêu chảy làm cho tình trạng mất
nước nặng thêm. Bệnh nhân vẫn tỉnh táo cho đến giai đoạn muộn, sau đó bị hôn mê sâu dần. Điều trị: Cần tránh “tái dinh dưỡng” không hợp lý, nếu không sẽ gây thêm hạ phosphat huyết, tăng gánh nước – muối natri và rối loạn các chất điện giải. Cần phải cho ăn lại từ từ (xem chế độ ăn sau khi bị đói kéo dài).