IV. TÍNH CHẤT VÀ ĐỊNH TÍNH:

            – Tanin có vị chát, làm săn da, tan được trong nước, kiềm loãng, cồn, glycerin và aceton, hầu như không tan trong các dung môi hữu cơ.
            – Thí nghiệm thuộc da. Lấy một miếng “da sống chế sẵn” ngâm vào dung dịch acid hydrochloric 2% rồi rửa với nước cất, sau đó thả vào dung dịch định thử trong 5 phút. Rửa lại với nước cất rồi nhúng vào dung dịch sắt (II) sulfat 1%. Nếu miếng da có màu nâu hoặc màu nâu đen là có tanin. ” Da sống chế sẵn” ở đây là một màng chế từ ruột của bò và đóng vai trò tương tự như da chưa thuộc.
            – Kết tủa với gelatin. Dung dịch tanin (0,5-1%) khi thêm vào dung dịch gelatin 1% có chứa 10% natrichlorid thì sẽ có tủa. Acid gallic và các pseudotanin khác cũng làm kết tủa gelatin nhưng với dung dịch tương đối đậm đặc.
            – Kết tủa với phenazon. 5ml dịch chiết nước, thêm 0,5g phosphat acid natri, đun nóng, để nguội, lọc. Thêm vào dịch lọc dung dịch 2% phenazon sẽ thấy có tủa và thường có màu.
            – Kết tủa với các alcaloid. Tanin tạo tủa với các alcaloid hoặc một số dẫn chất hữu cơ có chứa nitơ khác như hexamethylen tetramin, dibazol…
            – Kết tủa với muối kim loại. Tanin cho tủa với các các muối kim loại nặng như chì, thuỷ ngân, kẽm, sắt.
            Với muối sắt những tanin khác nhau cho màu xanh lá hay xanh đen với đậm độ khác nhau.
            Có thể dựa vào tủa với muối sắt để xác định tanin trên vi phẫu.
            – Phản ứng Stiasny. Để phân biệt 2 loại tanin người ta dựa vào phản ứng Stiasny: Lấy 50ml dung dịch tanin, thêm 10ml formol và 5ml HCl, đun nóng. Tanin pyrogallic không tủa còn tanin pyrocatechic thì cho tủa. Nếu trong dung dịch có cả 2 loại tanin thì cho dư thuốc thử (formol + HCl), đun nóng rồi đem lọc để loại tủa tanin pyrocatechic, sau đó thêm vào dịch lọc natri acetat dư rồi thêm muối sắt, nếu có mặt tanin pyrogallic sẽ có tủa màu xanh đen.
            – Phát hiện các chất catechin. Các chất catechin khi đun nóng với acid thì tạo thành phloroglucinol. Chất này sẽ nhuộm lignin cho màu hồng hoặc đỏ khi có mặt của HCl đậm đặc.
Cách làm: Nhúng một que diêm trong dịch thử, làm khô rồi thấm ẩm với HCl và sau đó hơ nóng gần ngọn lửa. Chất phloroglucinol tạo thành làm cho gỗ của que diêm bắt màu hồng hoặc đỏ.
            – Phát hiện acid chlorogenic. Dịch chiết có acid chlorogenic khi thêm dung dịch ammoniac rồi để tiếp xúc không khí dần dần sẽ có màu xanh lục.
https://hoibacsy.vn

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0/50 ratings
Bình luận đóng