Mục lục
ĐẠI CƯƠNG
Dinh dưỡng là một quá trình mà cơ thể sống dùng thức ăn và những chất dinh dưỡng khác như vitamin, các khoáng chất để sống, phát triển và duy trì sức khỏe. Các chất dinh dưỡng không những có vai trò duy trì cuộc sống mà còn có tác dụng ngăn ngừa và phòng bệnh.
Thức ăn để lâu, vi khuẩn và nấm mốc sẽ phát triển. Chế độ dinh dưỡng thiếu một số khoáng chất và sinh tố cũng là yếu tố gây bệnh ngoài da và nội tạng. Do đó dinh dưỡng và bệnh da có mối quan hệ mật thiết với nhau, có những dấu hiệu bệnh da do thiếu dinh dưỡng và đặc biệt là khi thiếu một số vitamin như c, PP…
Nghiên cứu chế độ ăn thích hợp là điều rất cần thiết để phòng chống các bệnh có thể xảy ra.
CÁC CHẤT DINH DƯỠNG CƠ BẢN
Protein
Protein có vai trò trong sự thành lập các kháng thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nếu chế độ dinh dưỡng thiếu protein, cơ thể sẽ giảm sức đề kháng, rối loạn thần kinh và rối loạn các chức năng của nội tạng.
Glucid và lipid
Làm giảm sự tổng hợp globulin là các chất tham gia vào sự thành lập các kháng thể bảo vệ cơ thể.
Làm tăng hiện tượng viêm của các mô và tăng sự mẫn cảm.
Nước, muối khoáng và các chất vi lượng khác góp phần vào sự tổng hợp các nội tiết tố, sinh tố, enzyme và các kháng thể.
CÁC CHẾ ĐỘ ĂN THÍCH HỢP
Tiết chế có vai trò khá quan trọng trong việc tạo hiệu quả điều trị một số bệnh ngoài da vì bệnh có thể bộc phát hoặc nặng thêm nếu chế độ ăn không phù hợp. Do đó tùy theo nhóm bệnh mà ta khuyên nên có chế độ ăn cần thiết cho bệnh nhân.
Nhóm bệnh dị ứng như Chàm, Mày đay, sẩn ngứa…
Giảm đường và muối trong giai đoạn cấp vì đường huyết cao gây hiện tượng quá mẫn cho cơ thể và lượng muối cao gây kích thích thần kinh ngoại biên.
Giảm các chất kích thích thần kinh như ớt, tiêu, rượu, trà, cà phê, thuốc lá.
Giảm nước nếu rịn nước nhiều.
Kiêng tôm, cua, cá biển, đồ hộp, trứng sữa và các thức ăn lên men.
Nên sử dụng các thức ăn có nhiều sinh tố A, B, c, trái cây, rau, củ, quả.
Trẻ em cần có chế độ ăn phù hợp lứa tuổi và giảm các chất đường, sữa, trứng.
Nhóm bệnh nhiễm khuẩn da như Chốc, Nhọt…
Giảm đường.
Dùng nhiều rau xanh để cung cấp vitamin và các chất xơ chống táo bón.
Bổ sung thêm nhóm vitamin A, B, c giúp chuyển hóa đường, tăng khả năng chống độc của gan và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nhóm bệnh da khác: vảy nến, Trứng cá, Đỏ da bong vảy…
Giảm đường và mỡ.
Tránh các chất kích thích như gia vị, rượu, trà, cà phê…
Tránh táo bón bằng cách ăn nhiều rau, củ, quả.
Bổ sung các nhóm vitamin A, B, c.
Nhóm bệnh gây mất huyết tương như dị ứng thuốc, nhóm bệnh bóng nước
Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước.
Giảm muối và các chất kích thích.
Nhóm bệnh da do thiếu sinh tố
Bổ sung lượng vitamin thiếu hụt bằng các thức ăn và uống thêm vitamin.
SINH TỐ TRONG BỆNH DA
Định nghĩa
Sinh tố (vitamin) là những chất hữu cơ có nhiều trong thực vật, động vật có tác dụng với liều nhỏ và không thể thiếu trong quá trình chuyển hóa của cơ thể.
Phân loại: Có hai nhóm sinh tố:
Nhóm tan trong nước như vitamin nhóm B, C, PP
Nhóm tan trong dầu như vitamin nhóm A, D, E, K
Nhóm tan trong nước
Vitamin B1 (Thiamine): Có trong cám gạo, men bia, các loại đậu, chuối, thịt, sữa, lòng đỏ trứng. Thiếu vitamin B1 gây bệnh Beriberi biểu hiện viêm thần kinh ngoại vi, liệt chi dưới, cảm giác nóng bỏng ở bàn chân, phù và viêm lưỡi.
Vitamin B1 có tác dụng làm giảm viêm thần kinh và giảm đau, kích thích gan bài tiết chất độc, làm giảm phản ứng viêm của da.
Vitamin B1 được sử dụng trong các trường hợp bệnh Chàm, Zona, Herpes, Rụng tóc, vảy nến, Viêm da…
Liều dùng 50mg-100mg/ngày đường uống. Hạn chế dùng đường tiêm dễ gây tác dụng phụ như sốc, khó thở…
Vitamin B2 (Riboflavine–): Có trong bắp, trứng, sữa, lúa mì, gan…
Thiếu vitamin B2 gây Hội chứng mắt-miệng-sinh dục biểu hiện viêm khóe miệng, nứt đỏ, bong vảy có thể lan đến mép mũi miệng giống Viêm da tiết bã, cơ quan sinh dục da đỏ bong vảy.
Vitamin B2 được chỉ định trong các trường hợp thiếu vitamin B2 như Viêm môi, mép, Viêm lưỡi, Viêm da tiết bã và các bệnh về móng, tóc.
Liều dùng 10-30mg/ngày.
Vitamin B6 (Pyridoxine): Có trong thức ăn như khoai tây, lúa mì, đậu, bắp, gan.
Vitamin B6 hoạt động như là một coenzyme trong quá trình decarboxy hóa và quá trình amin hóa của một số acid amin.
Triệu chứng thiếu vitamin B6 bao gồm những thay đổi giống Viêm da tiết bã ở quanh mắt, mũi, miệng gây viêm môi, viêm lưỡi; Nghiện rượu.
Chỉ định trong các trường hợp Viêm niêm mạc miệng, Viêm da tiết bã, Viêm da ánh sáng.
Liều dùng 50-300mg/ngày.
Vitamin B5 (Pantothenic acid – tên thương mại Bepanthene): Có trong thịt sữa trứng, lúa mì, men bia.
Chỉ định trong các trường hợp Rụng tóc, tóc khô dễ gẫy rụng, Chàm, Viêm mũi miệng.
Liều dùng 200-400mg/ngày.
Vitamin B12 (Cyanocobalaminel: Có trong thức ăn như gan bò, thận, tim, cá, sò, lòng đỏ trứng, sữa… An chay thường xuyên có thể thiếu vitamin B12.
Thiếu vitamin B12 gây tăng sắc tố đối xứng ở chi, mặt, lòng và lưng bàn tay, lưỡi có cảm giác rát bỏng. Vitamin B12 có tác dụng giúp sự tổng hợp protein và sử dụng các amino acid tạo thuận lợi cho sự hồi phục tế bào gan và tế bào thần kinh và tham gia quá trình tạo máu. Vitamin B12 phối hợp với acid folic tham gia quá trình tổng hợp DNA.
Chỉ định trong các trường hợp Viêm đa thần kinh, Zona, vảy nến và các bệnh thiếu máu.
Liều dùng 100-1000pg/ngày bằng đường tiêm bắp.
Vitamin C (Ascorbic acid): Có trong trái cây cam, chanh, bưởi…
Vitamin C có vai trò quan trọng trong quá trình tạo collagen, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, kích thích thượng thận bài tiết các corticosteroid, làm tăng sự trưởng thành của hồng cầu.
Thiếu vitamin c do cung cấp không đủ trái cây và rau quả tươi, biểu hiện của thiếu hụt vitamin c làm vết thương không lành, khiếm khuyết cấu tạo răng, vỡ mao mạch gây xuất huyết dưới da, chảy máu lợi, nếu bổ sung đủ lượng vitamin c thiếu hụt bệnh sẽ khỏi.
Vitamin C còn được sử dụng trong các trường hợp Dày sừng nang lông, Sạm da, Lao da, Viêm niêm mạc miệng (Aphte), Loét da lâu lành.
Liều sử dụng: 500-1000mg/ngày, đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Vitaminii (Biotine): Có trong thức ăn như thịt, lòng đỏ trứng, sữa, cá, các loại quả hạt có nhiều biotine.
Thiếu hụt Biotine thể hiện các triệu chứng sau: Viêm da tróc vảy, viêm lưỡi teo, tăng cảm, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn thiếu máu nhẹ, rụng tóc.
Liều sử dụng 5-10mg/ngày.
Acid Folic:
Acid folic là vitamin thuộc nhóm B, trong cơ thể acid folic là yếu tố không thể thiếu cho quá trình tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường, thiếu acid folic gây ra thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, biểu hiện ngoài da, Viêm lưỡi, Viêm niêm mạc miệng, Bạch biến cũng có thể gặp.
Liều sử dụng 5mg/ngày.
Vitamin PP (Nicotinamide): Vitamin PP là vitamin nhóm B có trong thức ăn như men bia, thịt, sữa, cám, cà rốt, cà chua, đậu, gan, trứng, rau xanh và các hạt ngũ cốc.
Thiếu vitamin PP có thể gây ra bệnh Pellagra biểu hiện viêm da tróc vảy, tiêu chảy và thiểu năng tâm thần.
Vitamin PP được chỉ định trong điều trị bệnh Pellagra, Viêm niêm mạc miệng dạng aphtes, Viêm môi…
Liều sử dụng 300-500mg/ngày.
Nhóm sinh tố tan trong dầu
Vitamin A (Retinol):
Vitamin A là vitamin tan trong dầu rất cần cho thị giác, cho sự tăng trưởng, sự phát triển và duy trì của biểu mô.
Vitamin A có trong thức ăn như gan, thận, chế phẩm từ sữa, trứng dầu gan cá là nguồn giàu nhất và các carotenoid có trong cà rốt, các trái cây có màu vàng, rau có màu xanh đậm.
Thiếu vitamin A sẽ gây hiện tượng tăng sừng ở da, khô mắt, quáng gà.
Chỉ định của vitamin A trong các trường hợp Da vảy cá, Dày sừng nang lông, vảy phấn đỏ, Vảy nến, Trứng cá, Rối loạn dinh dưỡng móng, Loét da mạn tính.
Uống vitamin A liều cao sẽ gây ngộ độc cấp với các triệu chứng buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, nôn, dễ bị kích thích, nhức đầu, mê sảng và co giật. Các triệu chứng trên xuất hiện sau khi uống từ 6-24giờ.
Liều dùng: Trẻ em 25.000-50.000 đơn vị/ngày; người lớn 50.000-300.000 đơn vị/ngày.
Vitamin D:
Vitamin D có chức năng sinh học là duy trì nồng độ calci và phospho bình thường trong huyết tương bằng cách tăng hiệu quả hấp thu các chất khoáng từ khẩu phần ăn ở ruột non và tăng huy động calci và phospho từ xương vào máu.
Vitamin D có trong gan cá, bơ, sữa, trứng…
Thiếu hụt vitamin D xảy ra khi tiếp xúc ánh sáng không đủ, gây còi xương, yếu cơ.
Chỉ định trong các trường hợp: Vảy nến, Xơ cứng bì, Lupus đỏ…
Liều dùng từ 10.000-60.000 đơn vị/ngày trong 3-6ngày.
Vitamin E (Alphatocopherol): Chứa trong thức ăn như dầu thực vật, mầm ngũ cốc, trứng…
Vitamin E ngăn cản oxy hóa các thành phần thiết yếu trong tế bào, ngăn cản tạo thành các sản phẩm oxy hóa độc hại.
Chỉ định dùng vitamin E trong điều trị Lupus đỏ, Xơ cứng bì, Viêm bì cơ, thuốc chống lão hóa da kết hợp với vitamin c, A và Selenium.
Liều dùng 100-600 đơn vị/ngày.
CÁC CHẤT VI LƯỢNG
Sắt (Fe)
Thiếu sắt làm viêm lưỡi, môi, biến dạng móng lõm hình muỗng, thiếu máu.
Nếu dư sắt sẽ đọng ở mô gây bệnh Hemochromatosis, Xơ gan, tăng sắc tố nâu trên da, bệnh cơ tim.
Kẽm (Zn)
Thiếu kẽm có thể gặp ở trẻ bú mẹ, ở những nơi có chế độ ăn giàu ngũ cốc, bệnh nhân có bệnh mạn tính.
Viêm bì đầu chi-cơ thể-ruột là bệnh di truyền theo gene lặn do giảm hấp thu kẽm. Bệnh biểu hiện viêm da, tiêu chảy, rụng tóc.
Đồng (Cu)
Menkes là bệnh di truyền lặn phối hợp nhiễm sắc thể X làm thiếu hấp thu đồng biểu hiện chậm phát triển, thoái hóa não, tóc thưa, giảm sắc tố, tổn thương động mạch.
Selenium
Những bệnh nhân nuôi ăn bằng đường ngoài ruột có thể bị hội chứng móng tay gắn chặt và rối loạn màu móng.
KẾT LUẬN
Tiết chế và sinh tố có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh da. Một số chế độ ăn đầy đủ các chất cần thiết sẽ góp phần đẩy lùi bệnh cũng như làm tăng hiệu quả điều trị. Nhiệm vụ của người thầy thuốc phải nắm vững chế độ ăn, các chất cần bổ sung cho mỗi loại bệnh để hướng dẫn bệnh nhân.