THÔNG THIÊN
Semen Thevetiae
Đặc điểm thực vật
Dược liệu dùng là hạt của cây thông thiên – Thevetia peruviana ( Pers.) K. Schum. = Thevetia neriifolia Juss. Thuộc họ Trúc Đào- Apocynaceae.
Cây cao từ 3-4m, cành dài mềm màu trắng xám. Lá mọc so le, màu xanh nhạt, mặt trên của lá bóng, hình mũi mác hẹp. Hoa màu vàng tươi đẹp, tiền khai hoa vặn. Quả hạch hình bán cầu đường kính 3-4cm hơi dẹt phía trên và phía dưới, có một sống nhô lên chia đôi quả làm 2 phần đối xứng. Bên ngoài màu xanh lá, thịt quả trắng nhưng chóng bị đen vì có chứa aucubosid là một iridoid glycosid, khi glycosid này bị enzym có sẵn trong cây thủy phân thì phần aglycon bị trùng hiệp cho sản phẩm màu đen.
Vỏ quả trong rất rắn, toàn bộ nom như đôi sứng, mép trên có khe sâu có thể dung lưỡi dao tách đôi theo chiều dọc. Trong hạch có 4 hạt dẹt màu trắng, thường bị lép còn 3 hoặc 2. Toàn cây có nhựa mủ và độc. Cây nhập nội để làm cảnh, nguồn gốc châu Mỹ.
Thành phần hóa học
– Hạt chứa 50% dầu chủ yếu là acetyl glycerol của acid oleic. Thành phần hoạt chất là các glycosid tim. Việc xác định cấu trúc kéo dài 1 thế kỷ từ khi Devry ở Java phân lập được glycosid đắng  đặt tên là Thevetin (Thevetosid).
+ Thevetin A=Cannogenin+L-Thevetose+D-gucose+D-glucose.
+ Peruvosid=Cannogenin+L-Thevetose.
+ Acetyl peruvosid=Cannogenin+Acetyl L-Thevetose.
+ Theveneriin=Cannogenol+L-Thevetose.
+ Thevetin B=Digitoxigenin+L-Thevetose+D-glucose+D-glucose.
+ Acetyl Thevetin B=Digitoxigenin+Acetyl L-Thevetose+(Glucose)2.
+ Thevebiosid=Digitoxigenin+L-Thevetose+D-Glucose.
+Neriifolin=Digitoxigenin+L-Thevetose.
+ Acetyl Neriifolin=Digitoxigenin+Acetyl L-Thevetose.
+ Thevefolin=Có thể là Uzarigenin+L-Thevetose.
+ Perusitin=Acid Cannogenic+L-Thevetose.
– Thevetin là tên gọi hỗn hợp 2 chất Thevetin A và Thevetin B, thành phần Thevetin B là chính. Chúng có độ chảy giống nhau (190-1950C) và đồng kết tinh. Khi chiết xuất để làm thuốc người ta không tách ra 2 chất riêng. Dưới tác dụng của enzym có trong cây (Thevetinase) thì các triosid này bị cắt hai phân tử glucose cuối mạch (gentibiose) để cho các monosid neriifolin và peruvosid. Ở trong hạt hàm lượng neriifolin chiếm nhiều nhất, có thẻ đến 6-8%. Hạt còn chứa 1 flavonoid: 5-methylether apigenin và một iridoid glycosid: thevesid.

–      Lá cũng có glycoside tim nhưng tỷ lệ thấp
–      Hoa có α- và β-amyrin, β-sitosterol, kaempferol và quercetin.
–      Vỏ thân cũng chứa một iridoid glycoside khác: theviridosid
–      Vỏ quả không chứa glycoside tim mà chỉ chứa aubucosid, epiperuviol acetate và hếpritin 7-glucosid.
Chiết xuất: hạt được loại chất béo bằng ether dầu hỏa rồi chiết bằng methanol nóng. Bốc hơi dung môi, cắn còn lại được hòa tan bằng butanol. Lắc dung dịch butanol với nước, thevetin (thevetin A và B) là những thành phần cực nhiều hơn sẽ tan trong nước. Bốc hơi nước, thevetin sẽ kết tinh nhưng còn lẫn tạp chất cần tinh chế lại, hiệu suất khoảng 1%.    
Tác dụng dược lý
     – Chất Thevetin đã được nghiên cứu nhiều về mặt dược lý. Nói chung có tác dụng cường tim như các glycoside digitalis khác. Nhưng vì dễ tan trong nước nên tác dụng nhanh và cũng bị bài tiết nhanh. Có tác dụng kích thích cơ trơn của bang quang và ruột, có tác dụng thông tiểu, liều cao gây đi lỏng. Độ độc của Thevetin kém hơn ouabain và digitalin. Có thể dùng điều trị hàng tháng mà không có hiện tượng ngộ độc.
     – Khi mới tiêm vào Thevetin làm tim đập chậm và làm cho sự co bóp của tim mạnh lên như vậy chứng tỏ nó có tác dụng rất nhanh. Nếu tiếp tục tiêm sẽ thấy xuất hiện các hiện tượng ngộ độc: Tim đập nhanh và rung tâm thất (fibrillation ventriculaire).
     – Nhưng hiện tượng ngộ độc do Thevetin có thể hết dù đã xuất hiện nhưng triệu chứng ban đầu không giống như digitalin vì digitalin gây ra hiên tượng tích lũy của nó trong cơ thể.
Công dụng và liều dùng
 –  Chất Thevetin đã được một hãng sản xuất của Pháp chế biến thành thuốc trợ tim dưới dạng dung dịch 1%, 1ml ứng với 30 giọt và 1mg Thevetin. Ngày uống tử một đến 2mg (30 đến 60 giọt một ngày) chia làm 2 hay 3 lần uống. Có thể dùng lâu vì thuốc không tích lũy. Đóng thành từng chai 20ml.
 – Có loại lại chế thành thuốc tiêm, một hộp 6 ống, mỗi ống 2ml tương ứng với 1mg Thevetin. Ngày tiêm 1-2 ống (tiêm vào mạch máu) .
Dùng trong những trường hợp kém tim, tim đập loạn nhịp, viêm tâm cân, tim suy nhược sau khi mổ hoặc sau khi nhiễm trùng, đau van tim nhất là những trường hợp bị tổn thương tăng. Trong trường hợp này Thevetin tỏ ra hơn hẳn digitalin. Có thể dùng cho những trường hợp không đáp ứng thuốc digitalin và oubain hoặc luân phiên với digitalin và oubain.
 – Thevetin không nên sử dụng ở trẻ em do nguy cơ ngộ độc hoặc chết, và thiếu các dữ liệu khoa học.
 – Những người dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Thevetin hoặc các glycosid tim khác như digoxin hoặc digitoxin có thể phản ứng vói thevetin.
Hạt thông thiên rất độc với động vật có vú bao gồm cả con người. Dựa trên nhưng nghiên cứu ăn tám hạt hoặc nhiều hơn có thể gây tử vong. Tác dụng phụ khi sử dụng uống thevetin chiết xuật từ Thông thiên bao gồm: kích thích làm đỏ môi, lợi, lưỡi, buồn nôn, trầm cảm, khó chịu, thở nhanh, vã mồ hôi, đau bụng, tiêu chảy nhức đầu lũ lẫn, rối loạn thị giác. Xét nghiêm máu bất thường, bao gồm các xét nghiệm chức năng gan, thận (kali, bilirubin, creatinin và urê trong máu) đã được báo cáo ở người.
 – Phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng Thevetin vì tính độc cao.
 – Ở Trung Quốc, người ta chỉ dùng lá và quả làm thuốc cường tim; lá dùng chữa đinh đầu rắn. Còn rễ, vỏ thân, hoa, hạt và nhựa cây có độc, chỉ dùng để sát trùng.
 – Ở Ấn Độ, người ta dùng vỏ trị các kiểu sốt gián cách khác nhau, còn nhựa cây rất độc, nhân quả chứa chất độc gây mê và hạt đều có độc nên không dùng trong.
–      Ngoài việc dùng Thevetin chiết xuất từ hạt, có nơi còn dùng hạt giã nát làm thuốc trừ sâu (hạt giã nát, ngâm với nước, thêm một lượng xà phòng bằng trọng lượng hạt). Phun lên sâu bọ, số lượng tùy theo sâu cánh cứng hay cánh mềm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ môn dược liệu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Bộ môn dược liệu (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội.
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học.
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng