Tên khác: thiếu máu tan máu do chấn thương cơ học

Những trường hợp thiếu máu này xảy ra trong hoàn cảnh hồng cầu phải chịu những lực chia cắt hoặc lực xáo trộn quá mức trong dòng tuần hoàn, các lực này làm cho hồng cầu vỡ ra từng mảnh (mảnh vỡ hồng cầu).

HEMOGLOBULIN-NIỆU DO ĐI BỘ: khi đi bộ lâu, nhất là khi người đi bộ đi giày mỏng và đi trên một nền cứng (đường lát đá giăm), hoặc khi tập karate, thì có thể gây ra vỡ hồng cầu thành mảnh do lực cơ học ở trong các mạch máu (tuy những hồng cầu này vốn là bình thường), kèm theo là hemoglobin-huyết và hemoglobulin- niệu. Tan máu sẽ tự khỏi.

THIẾU MÁU TAN MÁU DO TIM: tan máu do các hồng cầu bị chấn thương ở trong tim gặp ở 10% các trường hợp thay van tim nhân tạo. Tan máu này là do các hồng cầu bị vỡ bởi lực cơ học khi chúng va chạm với bề mặt của các van giả. Thiếu máu có thể có biểu hiện lâm sàng (hàm lượng hemoglobin từ 5-7 g/dl), với các mảnh vỡ hồng cầu thấy trong phiến đồ máu, hemoglobulin- huyết, hemoglobin-niệu, giảm sắt trong huyết thanh. Test Coombs có thể dương tính. Enzym dehydrogenase lactic (LDH) tăng.

Điều trị

Cho muối sắt nếu là thiếu máu thiếu sắt, đôi khi cho corticoid để làm giảm cường độ tan huyết, giảm các hoạt động thể lực.

THIẾU MÁU TAN MÁU TRONG BỆNH VI MẠCH:

  • Hồng cầu bị vỡ thành mảnh trong các tiểu động mạch: đôi khi thấy trong bệnh tăng huyết áp ác tính, sản giật, ghép thận, các u mạch máu, ung thư lan toả, Tan huyết không nhiều lắm.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
  • Hội chứng urê tan huyết: hay thấy ở trẻ em. Tan huyết kèm theo giảm tiểu cầu và thiểu niệu cấp do tổn thương thận. Điều trị: thẩm phân máu và thay huyết tương.
  • Đông máu nội mạch rải rác: những hồng cầu bị vỡ thành từng mảnh chỉ thấy ở máu ngoại vi trong một phần ba số trường hợp.

 

0/50 ratings
Bình luận đóng