Tên khác: Đò ho – Đậu khấu – Tò ho – Mác hẩu (Thái)
Tên khoa học: Amomum aromaticum Roxb.
Họ: Gừng (Zingiberaceae)
1. Mô tả, phân bố
Thảo quả là cây thảo sống lâu năm, cao tới 2-3m. Cây mọc thành khóm, thân rễ to, mọc ngang, có nhiều đốt. Lá to, dài, mọc so le ôm kín thân. Hoa to, màu vàng mọc thành chùm ngắn ở gốc. Quả hình trứng, mọc dày đặc thành một cụm; khi chín có màu đỏ nâu. Trong chứa nhiều hạt, có mùi rất thơm.
Cây được trồng nhiều Ở các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lào cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… Tỉnh Vân Nam Trung Quốc cũng trồng nhiều Thảo quả.
2. Bộ phận dùng, thu hái
Bộ phận dùng làm thuốc của Thảo quả là quả. Thu hái vào tháng 9- 12 khi quả đã chín. Hái quả về, phơi hay sấy nhẹ cho khô, độ ẩm không quá 13%. Thảo quả có mùi thơm rất đặc trưng, vị cay và hơi đắng.
Dược liệu Thảo quả đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
3. Thành phần hóa học
Thành phần hóa học của Thảo quả là tinh dầu (1 – 2%). Các hoạt chất cụ thể chưa được xác định.
4. Công dụng, cách dùng
Dược liệu Thảo quả có tác dụng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, trừ lạnh, tiêu đờm. Dùng chữa các chứng bệnh: Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, nôn mửa, sốt rét, ho, tiêu chảy…
Cách dùng:
– Uống: 3 – 6g/ngày, dạng thuốc sắc. Thảo quả thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.
– Ngoài công dụng làm thuốc, Thảo quả còn là một loại sản phẩm xuất khẩu có giá trị, mang lại lợi ích kinh tế cao.