Trọng tâm của thăm khám là phát hiện mức độ teo cơ và sự đối xứng (đo chu vi các chi ở hai bên), vị trí, độ rắn của cơ (nắm cơ), phát hiện có rung cơ không và tình trạng chức năng của các cơ bị teo.

Teo cơ thể hiện bằng sự giảm thể tích cơ, thấy rõ khi so sánh bên này với bên kia.

Teo cơ thứ phát là teo cơ xảy ra sau khi cơ bị liệt. Trong các trường hợp khác, teo cơ là teo cơ nguyên phát.

Teo cơ do nguyên nhân thần kinh: tổn thương nơron vận động ngoại vi là nguyên nhân vì nơron này kiểm soát việc dinh dưỡng cơ.

TỔN THƯƠNG TUỶ: quá trình bệnh lý xảy ra ở sừng trước tủy sống. Teo thường xảy ra rõ ở các cơ đầu chi (teo ở xa). Có thể có rung cơ, các đáp ứng điện thể hiện có sự thoái hoá, các rối loạn khác nhau về phản xạ và về cảm giác. Cần phải xét:

  • Xơ hoá bên gây teo cơ: teo cơ kín đáo, bắt đầu từ các cơ nhỏ ở bàn tay, có loạn cảm và rung cơ.
  • Xơ tủy có hốc: mất một số phản xạ gâiị, nhất là ở chi trên; có những vùng mất cảm giác nhiệt và cảm giác đau nhưng cảm giác xúc giác vẫn còn; tiến triển rất chậm.
  • Giang mai tủy sống: chẩn đoán bằng cách chọc dò tủy sống, huyết thanh chẩn đoán dương tính.
  • Di chứng bại liệt.

TỔN THƯƠNG RỄ DÂY THẦN KINH TUỶ: các rối loạn thần kinh phân bố theo sự chi phối của rễ dây thần kinh. Dịch não tủy có thể bình thường hoặc có rối loạn (xem Hội chứng Guillain-Barré). Trong bệnh viêm rễ dây thần kinh tuỷ, ấn vào các khối cơ thường gây đau.

Teo cơ do cơ: quá trình bệnh lý xảy ra tại sợi cơ. Teo chủ yếu ở các cơ ở gốc các chi (teo cơ gần), không có rung cơ, không có đáp ứng điện thể hiện thoái hoá, không có rối loạn về phản xạ và về cảm giác. Teo cơ trong các trường hợp này là teo cơ tiến triển, thường có tính chất gia đình, xảy ra ở người trẻ.

Phì đại cơ: thể hiện bằng sự tăng thể tích của một cơ khi cơ này phải làm việc nhiều hơn để thay thế cho một cơ khác bị liệt. Người ta nói cơ bị phì đại giả khi mô cơ bị thay thế bởi một lượng quá nhiều mô xơ, mô mỡ hay quá tải một chất.

0/50 ratings
Bình luận đóng