Chân chim leo hoa trắng

Thường được sử dụng như các loài Chân chim khác. Trong Y học cổ truyền Thái Lan, lá tươi được dùng trị ho, trị nôn ra máu; dùng ngoài làm thuốc cầm máu và làm săn da.

Chân chim leo hoa trắng – Schefflera leucantha R. Vig. thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.

Mô tả: Cây bụi có thân trườn, ít nhánh. Lá kép với 5-7 lá chét; lá chét dài 8-9,5cm, rộng 1,7- 2,4cm, thon ngược hay thon, màu xám trắng tái; gân phụ lồi ở cả hai mặt thành mạng, cuống dài 5-7cm. Cụm hoa ở ngọn do 5-6 nhánh dài 4-6cm mang tán, cuống 4-6mm; nụ tròn tròn; cuống hoa ngắn; cánh hoa màu hồng nâu; bao phấn trắng. Quả có 5 (6) cạnh, màu cam, cao 5-6mm; cuống 2-4mm, hạt dài 0,7- 0,9mm. Ra hoa tháng 1-2, quả tháng 5.

Bộ phận dùng: Vỏ, lá – Cortex, Folium Schefflerae Leucanthae.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Thái Lan, Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc nhiều ở miền Bắc, tại Lạng Sơn, Vĩnh Phú.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Thường được sử dụng như các loài Chân chim khác. Trong Y học cổ truyền Thái Lan, lá tươi được dùng trị ho, trị nôn ra máu; dùng ngoài làm thuốc cầm máu và làm săn da.

Chân chim núi

Chân chim núi – Schefflera petelotii Merr., thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.

Mô tả: Cây nhỏ cao 4-5m; nhánh non có lông vàng; thân mang nhiều vết sẹo do cuống lá rụng để lại. Lá kép có 5 lá chét xoan rộng, dài đến 18 (30)cm, rộng 11cm; mép lá ở phía trên có ít răng to, mặt trên vàng bóng, mặt dưới màu vàng xỉn; gân phụ 5-6 cặp; cuống dài 20cm, có rãnh dọc mảnh. Cụm hoa ngọn nhánh, mang nhánh dài 10cm, có lông vàng, cuống tán dài 8-12mm, cuống hoa 4-5mm; nụ hoa nhỏ. Quả nhỏ, hình cầu. Hoa tháng 5-7.

Bộ phận dùng: Vỏ và lá – Cortex et Folium Schefflera Petelotii.

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở núi đá, gặp ở những nơi từ Lai Châu tới Ninh Bình. Thường hay mọc xen với Bình vôi, Huyết giác. Thu hái vỏ cây quanh năm, tốt nhất khi sắp ra hoa; cũng chế biến như vỏ các loài Chân chim khác. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Vỏ cây cũng được sử dụng làm thuốc cường tráng và trị đau mình mẩy. Lá dùng bó gẫy xương. Người ta lấy 50-100g lá giã nát, đắp; dùng vỏ cây làm nẹp, băng lại.

Chân chim núi đá

Chân chim núi đá, Chân chim lớn, Đại đinh hai hột – Macropanax dispermus (Blume) Kuntze (M. oreophilusMiq.), thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae.

Mô tả: Cây gỗ cao 12m, cành không lông. Lá mang (3) 5 (7) lá chét không lông, mép có răng, gân phụ mảnh, lá kèm dính vào cuống. Chuỳ mang tán ở ngọn to, có lông hình sao; hoa nhỏ, có đốt trên cuống, nơi đốt cuống phình ra như đĩa; đài không lông, cánh hoa 5; bầu 2 ô. Quả hạch cứng dẹp dẹp. Ra hoa tháng 7-9.

Bộ phận dùng: Rễ – Radix Macropanacis Dispermi.

Nơi sống và thu hái: Loài của Trung Quốc và Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc trong rừng thường xanh lá rộng ở Ninh Bình (Cúc phương) đến Thừa Thiên, trên núi đá vôi.

Tính vị, tác dụng: Vị ngọt, hơi cay, tính bình; có tác dụng kiện tỳ lý khí, thư cân hoạt lạc.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dân gian dùng làm thuốc trị hậu sản. Ở Trung Quốc (Vân Nam) rễ được dùng trị cam tích trẻ em, gân cốt đau nhức.

0/50 ratings
Bình luận đóng