Chứng Tâm Tỳ đều hư là tên gọi chung chỉ những chứng trạng do Tâm huyết hao tổn, Tý khí bị tổn hại dẫn đến tâm thần mất nuôi dưỡng Tỳ khí hư yếu không làm được chức năng thống huyết; bệnh phần nhiều do tư lự quá độ, ăn uống không điều độ, hoặc sau khi ốm chăm sóc không chu đáo và bệnh xuất huyết mạn tính gây nên.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hồi hộp hay quên, ít ngủ hay mê, sắc mặt úa vàng, kém ăn mỏi mệt, bụng trướng đại tiện nhão, đoản hơi tinh thần bạc nhược hoặc xuất huyết dưới da; phụ nữ kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra sắc nhợt lượng nhiều, băng lậu hoặc kinh ít, kinh bế, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng, mạch Tế Nhược.
Chứng Tâm Tỳ đều hư thường gặp trong các bệnh Hư lao, Kinh quý chính xung, Hay quên, Huyễn vậng và Xuất huyết.
Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Tỳ khí hư, Tâm khí hư, Tâm Phế khí hư, Tỳ Phế khí hư.
Phân tích
Chứng Tâm Tỳ đều hư những tật bệnh khác nhau, biểu hiện lâm sàng và phép chữa đều có đặc điểm riêng.
Trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Tâm Tỳ đều hư, đặc điểm biểu hiện lấy tạng phủ bị hư tổn, như các chứng trạng tâm quí chính xung, hay quên mất ngủ, hay mê, sắc mặt không được tươi, kém ăn mỏi mệt, mạch Tế Nhược, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi mỏng; Bệnh phần nhiều do ăn uống không điều độ, đói no thất thường làm tổn hại khí của Tỳ Vị, không sinh hoá được chất tinh vi, không sinh trưởng được khí huyết, cội nguồn khí huyết bất túc, bên trong không hoà đều năm tạng sáu phủ, nguồn sinh hoá thiếu thốn, Tâm huyết ngày càng suy, tình thế bệnh ngày càng nặng gây nên; điều trị nên bổ ích Tâm Tỳ, cho uống bài Qui Tỳ thang (Tế sinh phương).
Chứng Tâm Tỳ đều hư xuất hiện trong bệnh kinh quí chính xung (hồi hộp sơ sệt) có đặc điểm là hồi hộp không yên, sắc mật không tươi, váng đầu hoa mắt, lưỡi đỏ nhạt, mạch Tế Nhược v.v… Bệnh phần nhiều do tư lự quá độ, mệt nhọc Tâm Tỳ gây nên. Tư lự thì thương thân, không những hao thương tâm huyết, lại dễ ảnh hưởng tới nguồn sinh hoá của Tỳ Vị, do đó mà cả khí và huyết đều suy không khả năng dâng lên Tâm cho nên hồi hộp không yên, hơi thở có cảm giác không nối tiếp; điều trị theo pháp kiện Tỳ ích khí, bổ huyết dưỡng Tâm, chọn dùng bài Tứ vật thang (Hoà tễ cục phương) hợp với Thiên vương bổ Tâm đan (Thế y đắc hiệu phương).
Bệnh bất mị – mất ngủ – xuất hiện trong chứng Tâm Tỳ đều hư có đặc điểm là mê nhiều dễ thức giấc, giấc ngủ không yên: Bệnh phần nhiều do tư lự mệt nhọc tổn hại đến Tâm tỳ, âm huyết ngấm ngầm suy hao, thần không nơi ở. Tỳ bị tổn thương mất khả năng sinh hoá chất tinh vi, huyết hư khó hồi phục, tâm thần mất sự nuôi dưỡng mà thành mất ngủ. Trương Cảnh Nhạc nói “Mệt nhọc tư lự thái quá, hẳn dẫn đến hao mất huyết dịch, thần hồn mất chỗ dựa cho nên mất ngủ”. Sách Loại chứng trị tài cũng viết: “Tư lự thương Tỳ, Tỳ huyết bị tổn hại, quanh năm mất ngủ”; điều trị theo phép bổ ích Tâm Tỳ, chọn dùng các bài Quy Tỳ thang hoặc Dưỡng tâm thang (Chứng trị chuẩn thằng).
Chứng Tâm Tỳ đều hư xuất hiện trong bệnh Kiện vong- hay quên, có đặc điểm vừa hay quên vừa mất ngủ, cũng do tư lự quá độ tổn hại Tâm Tỳ, nơi thần ở không trong sạch gây nên. Sách Tam nhân phương viết: “Tỳ chủ ý và nghĩ, ý là ghi nhớ việc đã qua, nghĩ thì có cả công việc của Tâm… Bây giờ Tỳ mắc bệnh thì chỗ ở của ý không trong sạch, tâm thần không yên khiến người ta hay quên hết lòng hết sức để nghĩ mà chẳng được việc gì”; điều trị nên dưỡng huyết ích khí yên tâm an thần, chọn dùng bài ích khí an thần thang (Tạp bệnh nguyên lưu tê chúc).
Trong bệnh Huyễn vậng xuất hiện chứng Tâm Tỳ đều hư, có đặc điểm là vừa chóng mặt vừa kiêm chứng sắc mặt trắng nhợt, móng tay chân không tươi, tinh thần mỏi mệt kém ăn, mệt nhọc lại phát bệnh; phần nhiều do mệt nhọc nội thương, Tâm Tỳ đều hư gây nên; Tâm hư thì huyết dịch tuần hoàn không đều, Tỳ hư thì nguồn sinh hoá không mạnh điều trị nên dưỡng huyết điều doanh, chọn dùng bài Nhân sản dưỡng vinh hoàn (Hoà tễ cục phương)
Bệnh Xuất huyết bao gồm trong các tật bệnh Nục huyết, Tiện huyết. Niệu huyết, xuất huyết dưới da và phụ nữ băng lậu, có đặc điểm là lượng xuất huyết nhiều, sắc đỏ nhạt, hồi hộp đoản hơi, sắc mặt không tươi. Móng tay chân nhợt. Bệnh phần nhiều do Tâm Tỳ hư nhược, Tâm không làm chủ được huyết Tỳ không thống huyết gây nên, điều trị nên bổ Tâm Tỳ, ích khí nhiếp huyết, cho uống bài Qui Tỳ thang gia giảm.
Bộ vị bệnh biến của chứng này chủ yếu ở Tâm Tỳ, hơn nữa phần nhiều biểu hiện cả khí huyết đều hư. Nếu lấy khí hư làm chủ yếu thì phần nhiều nghiêng về Tỳ hư; lấy huyết hư làm chủ yếu, phần nhiều nghiêng về Tâm hư. Trong quá trình diễn biến cơ chế bệnh, huyết hư liên lụy đến âm, có thể xuất hiện Tâm Tỳ khí âm đều hư, ngoài chứng trạng hồi hộp sợ sệt, tinh thần mệt mỏi yếu sức còn xuất hiện những chứng trạng miệng khô bụng đau, về chiều nóng từng cơn, mặt đỏ bừng bốc hoả, lòng bàn chân tay nóng. Cũng có thể do Tâm Tỳ đều hư, khí huyết đều suy, tạo nên biểu hiện khí hư huyết thoát rất nguy hiểm; có thể thấy xuất hiện các chứng trạng Tâm động hồi hộp, sắc mặt trắng nhợt, mồ hôi đầm đìa, mạch Vi Tế muốn tuyệt, không thể không cẩn thận.
Chẩn đoán phân biệt
Chứng Tỳ khí hư với chứng Tâm Tỳ đều hư: Chứng Tỳ khí hư nguyên nhân phần nhiều do ăn uống không điều độ, hoặc mệt nhọc nội thương, hoặc thổ tả quá mức gây nên; cũng có thể do ảnh hưởng của các tật bệnh khác, như Can khí lấy Tỳ mà hình thành chứng này; lâm sàng thường có những Tỳ vận hoá không mạnh, khí huyết hoá sinh bất túc, cơ nhục tay chân không được nuôi dưỡng v.v… cho nên có các chứng trạng ăn uống kém, sau khi ăn thấy bụng trướng đầy, đại tiện lỏng nhão, hụt hơi biếng nói, gầy còm, chân tay rã rời, sắc mặt vàng bủng không tươi, lưỡi nhạt rêu lưỡi trắng, mạch Hoãn Nhược; Điều trị nên ích khí kiện Tỳ. Còn chứng Tâm Tỳ đều hư tuy có chứng trạng của Tỳ khí hư, nhưng khác nhau là ở chỗ: vị trí loại bệnh trên là ở Tỳ, chú trọng vào khí hư; loại sau liên quan tới Tâm Tỳ, vì thế, không chỉ có chứng trạng Tỳ khí hư mà còn biểu hiện đầy đủ Tâm khí huyết bất túc như có các chứng hồi hộp hay quên, ít ngủ hay mê v.v… Điều trị nên áp dụng nguyên tắc bổ dưỡng khí huyết của Tâm Tỳ.
Chứng Tâm khí hư với chứng Tâm Tỳ đều hư: chứng Tâm khí hư phần nhiều do ốm lâu thể trạng yếu, bị bệnh đột ngột thương dương hao khí, tuổi cao tạng Khí hư yếu, phú bẩm bất túc là những nguyên nhân gây nên bệnh này. Biểu hiện lâm sàng có những đặc điểm hồi hộp đoản hơi, sau khi hoạt động thì bệnh tăng, tự ra mồ hôi tinh thần mệt mỏi. Lưỡi nhạt rêu trắng, mạch Kết Đại hoặc Tế Nhược. Chứng Tâm Tỳ đều hư thì do tư lự quá mức gây nên, biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng chủ yếu thuộc tâm huyết bất túc, Tỳ khí hư yếu. Hai loại này tuy đều có chứng hồi hộp, nhưng chứng Tâm Tỳ đều hư vì có kiêm Tâm huyết bất túc cho nên thường kiêm thêm chứng trạng hay quên, mất ngủ, hay mê, so với chứng Tâm khí hư hồi hộp đoản hơi, sau khi hoạt động thì bệnh nặng thêm tự nhiên có chỗ khác nhau. Ngoài ra, chứng Tâm Tỳ đều hư còn phải có các chứng trạng của Tỳ khí hư như kém ăn, mỏi mệt, bụng trướng, ỉa nhão v.v… Hoặc là Tỳ mất công năng thống huyết mà có các chứng trạng nục huyết, tiện huyết, niệu huyết, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt không đều và băng lậu… Loại trên lấy bổ khí dưỡng Tâm là được; loại sau thì nên theo phép bổ dưỡng Tâm Tỳ.
Chứng Tâm Phế khí hư với chứng Tâm Tỳ đều hư: Phế chủ khí, Tâm chủ huyết, khí là soái của huyết, huyết là mẹ của khí. Chứng Tâm Phế khí hư phần nhiều do mệt nhọc quá độ hoặc ốm lâu khái suyễn, lao thương khí của Tâm Phế gây nên. Lâm sàng có đặc điểm Phế khí bất túc, Tâm huyết vận hành không lợi, xuất hiện chứng trạng hồi hộp đoản hơi, khái suyễn thiểu khí, ngực khó chịu, mệt rã rời, tự ra mồ hôi, yếu sức, động làm thì bệnh tăng, sắc mặt trắng nhợt hoặc tối trệ thậm chí môi miệng tím tái, chất lưỡi tối nhợt hoặc có nốt ứ huyết, mạch Tế Nhược. Điều trị nên bổ ích Tâm Phế; Đây là những đặc điểm so sánh biểu hiện tâm huyết suy hao của chứng Tâm Tỳ đều hư với chứng Tỳ khí hư yếu rất dễ phân biệt.
Chứng Tỳ Phế khí hư với chứng Tâm Tỳ đều hư, cả hai tuy đều có biểu hiện Tỳ khí hư, như mệt mỏi kém ăn, trướng bụng, đại tiện nhão, nhưng vì Tỳ chủ về vận hoá, Phế chủ về trị tiết, khí của Tỳ Phế đều hư, ăn uống không biến hoá được chất tinh vi, thủy dịch khống lưu thông khiến cho đàm thấp ứ đọng – Cho nên loại trên phải thấy các chứng trạng như khái thấu đàm nhiều loãng trắng, mặt và chân phù thũng, sợ lạnh hụt hơi. Loại sau thì do Tâm huyết bất túc, phải có các chứng hồi hộp hay quên, ít ngủ hay mê, cũng dễ phân biệt.
Trích dẫn y văn
chính xung là do huyết hư – chính xung bất kỳ lúc nào, huyết bị thiếu nhiều Hễ tư lự là bị khuấy động thuộc hư thì lúc có cơn lúc không có cơn. Đàm là do hoả động, (Kính quí chính xung – Đan Khê tâm pháp).