Đại cương
Cho tới nay ước tính có khoảng hơn 20 loại thuốc lợi tiểu khác nhau với những cấu trúc hóa học khác nhau, tạo điều kiện cho các nhà lâm sàng những sự lựa chọn phong phú. Thuốc lợi tiểu được chia thành các loại sau:
+ Loại chứa thủy ngân:
Các nhóm hoạt chất chính: mercaptomarin (thiomerin), chlormerodrin (katonil), mersalyl (salyrgan), mercurophyllin (novurit).
Ngày nay không còn được sử dụng.
+ Các thuốc ức chế carboanhydratase:
. Nhóm hoạt chất chính: acetazolamid (diamox).
- Ngày nay chỉ còn được sử dụng trong những trường hợp đặc biệt (thiên đầu thống, viêm tụy, động kinh, liệt chu kỳ gia đình do tăng kali máu, tăng khả năng thích ứng với độ cao của các vận động viên leo núi…).
+ Thiazid và các và các hoạt chất có tác dụng tương tự.
- Các nhóm hoạt chất chính:
Chlorothiazid (chlotrid, diuril). Chloramidobenzol (haflutan).
Hydrochlorothiazid (dichlotrid, hydrodiuril, esidrix).
Benzthiazid (exosalt, forane). Buthiazid (saltucin).
Methyclothiazid (enduron). Polythiazid (drenusil). Cyclopenthiazid (navidrex).
Xipamid (aquarphor). Clopamid (brinaldix).
Hydroflumethiazid (rodiuran, olmagran). Bendroflumethiazid (benzylrodiuran, naturetin). Trichlormethiazid (esmarin).
Quinethazon (aquamox). Mefruzid (baycaron). Chlorthalidon (hygroton).
+ Các thuốc lợi tiểu tác dụng mạnh: furosemid (lasix), acid ethacrinic, hydromedin.
+ Thuốc lợi tiểu giữ kali: spironolacton (aldacton), triamteren (Jatropur, dyrenium), amiloid (arumil).
Các tác dụng không mong muốn chính trên lâm sàng là do:
+ Tác dụng vượt quá mục tiêu điều trị (mất nước cấp, tăng kali máu do sử dụng lợi tiểu giữ kali).
+ Tác dụng không mong muốn dược lý học (mất kali, rối loạn nước-điện giải, có thể có tác dụng gây đái tháo đường).
+ Điều chình kháng lại của cơ thể đối với sự tác động lên nội môi của thuốc lợi tiểu (aldosteronismus thứ phát, có thể gây đái tháo đường).
+ Sự cố gắng điều trị các tác dụng không mong muốn đã xuất hiện hoặc dự phòng các tác dụng không mong muốn trong dự kiến.
Tác dụng không mong muốn lên hệ thần kinh
Tiền hôn mê và hôn mê gan
Ở các bệnh nhân xơ gan có ứ đọng natri và có cổ chướng khi dùng thuốc lợi tiểu có tới 25 – 50% các trường hợp sẽ kéo theo tổn thương não.
Lâm sàng: hơi thở có mùi gan (foetor hepaticus), giảm chú ý, viết khó, run vỗ cánh (flapping tremor), giảm kali máu, kiềm hóa, tăng acid uric, giảm các hoạt tính alpha trên điện não đồ ý thức xấu đi tiến tới hôn mê. Có nhiều yếu tố đóng vai trò gây nên các triệu chứng trên nhưng quan trọng nhất là kiềm hóa, giảm kali, lợi tiểu quá mạnh và mức độ nặng của bệnh gan.
Điều trị: giải quyết các yếu tố bệnh sinh như cắt thuốc lợi tiểu, điều trị tình trạng kiềm hóa, tình trạng hạ kali bằng kaliumchlorid, bù thể tích bằng các dung dịch albumin nghèo muối.
+ Dự phòng: bên cạnh việc điều trị xơ gan cho đúng nguyên tắc còn cần lưu ý thêm các vấn đề như chỉ nên dùng thuốc lợi tiểu mạnh vừa (như các chế phẩm nhóm thiazld), điều trị phối hợp với lợi tiểu giữ kali hoặc điều trị bổ sung dự phòng KCI, thường xuyên kiểm tra điện giải, theo dõi sát bệnh nhân để phát hiện các triệu chứng tổn thương thần kinh và sớm giảm thuốc lợi tiểu.
Các rối loạn điện giải khác
Tăng kali máu: là tác dụng không mong muốn quan trọng nhất của thuốc lợi tiểu giữ kali, các triệu chứng thường gặp là thay đổi điện tim, dị cảm, cảm giác rung giảm cũng như giảm cảm giác nông và sâu.
Giảm kali: gây các triệu chứng não như ngủ lịm (lethargie), vô cảm, buồn ngủ, lú lẫn, tăng kích thích, ở các bệnh nhân xơ gan, giảm kali cũng là yếu tố góp phân gây hôn mê (hôn mê điện giải).
Thiếu magiê: bên cạnh các tình trạng kích thích do mạch vành còn có những thay đổi tâm thần như tình trạng trầm cảm, lú lẫn, ảo giác, run, co giật, tăng phản xạ gân xương, dấu hiệu Chvostek dương tính, giật bó sợi cơ, chữ viết thay đổi. Trong thực tế, những triệu chứng do thiếu magiê đơn độc gây nên không có những căn cứ chắc chắn và rất ít được mô tả trên lâm sàng.