Cây cà thuộc loại thân thảo sống quanh năm, cũng có loài sống lâu năm, thân hóa gỗ. Hoa gắn ngoài nách lá, tràng hoa tím xanh, tím nhạt. Quả mọng hình trứng hay thuôn, màu tím, trắng, vàng, đỏ. Hạt nhiều nhưng nhỏ, người dân trồng cà lấy quả làm thuốc chữa bệnh và muối để ăn.
Theo Đông y, quả cà có vị ngọt, tính lạnh. Tác dụng chữa nóng lạnh, ngũ tạng hao tổn, tán huyết ứ, tiêu sưng và cầm máu, nhuận tràng, lợi tiểu, kích thích gan và tụy, chữa táo bón giảm niệu, kích thích tim, chữa xuất huyết đại tràng, phụ nữ rong kinh, đái ra máu, lỵ ra máu.
* Thuốc ứng dụng:
Bài 1. Thuốc chữa bệnh đại tiện ra máu
+ Quả cà già màu vàng 100g
+ Giấm trắng 20ml
Quả cà sao vàng, tán bột, cho vào giấm; thêm 80ml nước sôi quấy đều. Người bệnh chia 3 lần uống trong ngày trước khi ăn. Cần uống liền 11 ngày.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh đái buốt ra máu
+ Quả cà già cả cuống 50g
+ Rễ cỏ tranh 50g
+ Cỏ nhọ nồi 30g
Các thứ rửa sạch, cho vào nồi cùng 500ml nước, đun sôi kỹ, chắt lấy 200ml nước đặc. Người bệnh chia đều 3 lần uống trong ngày, trước khi ăn. cần uống liền 9 ngày.
Bài 3. Thuốc chữa phụ nữ bị rong huyết
+ Quả cà già vàng 100g
+ ích mẫu 100g
+ Nghệ đen 100g
Các thứ sao vàng, tán bột mịn, người bệnh uống ngày 3 lần, mỗi lần 5g với nước sôi có pha 20% giấm ăn, uống trước khi ăn. Cần uống liền 11 ngày.