Nhân sâm là một loại thuốc quý, được coi là thượng dược, đã được nhân loại biết đến và sử dụng lâu đời. Do có hình dáng giống như hình người nên được đặt tên là nhân sâm. Nhân sâm có tên khoa học là Panax ginseng có xuất xứ từ chữ Hy Lạp: Pan là tất cả, acos là chữa được, có ý nói sâm là vị thuốc chữa được mọi bệnh; ginseng là phiên âm của chữ Nhân sâm. Có nhiều loại Nhân sâm: sâm Triều Tiên, sâm Bắc Mỹ, sâm Trung Quốc… ở Việt Nam cũng đã phát hiện loại sâm quý gọi là sâm Ngọc Linh hay sâm khu năm. Nhân sâm thường mọc hoang và đã được trồng ở Triều Tiên, Trung Quốc, Viễn Đông, Nhật Bản, Mỹ… Trong chiến tranh chống Mỹ, Chí nguyện quân Trung Quốc đã có lần đào được củ Nhân sâm to bằng người, mấy chục người ăn không hết. Ớ Triều Tiên, Nhân sâm được bày bán ở chợ như bán rau và được sử dụng như là một thực phẩm hàng ngày. Nếu có điều kiện, bạn hãy nấu canh nhân sâm ăn thử!
Đông y coi Nhân sâm là vị thuốc đứng đầu các vị thuốc bổ dưỡng, theo thứ tự Sâm – Nhung – Quế – Phụ.
Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông, Nhân sâm có tính hơi hàn, không độc, đưa lên nhiều hơn giáng xuống. Có tác dụng: “Bổ ích chân nguyên không đầy đủ, khí đoản thở gấp, hư hoả nghịch lên do hao, sinh tân chỉ khát, khai tâm khiếu, tăng trí khôn, nhuận bổ nguyên dương, khỏi sợ hãi, kinh động, mê lung tung, lạnh trong tỳ vị, đau trong lòng bụng, ngực sườn đầy tức, phá tích cứng, khai thông ngưng trệ, tráng dương, nuôi tinh thần, yên hồn phách… Uống nhiều thì tuyên thông, uống ít thì ủng trệ, có thể giải độc rượu… “
Các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ Burkrat, Xakxopov và Kixelev kết luận, dung dịch rượu Nhân sâm có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng trên tim mạch còn phụ thuộc nồng độ Nhân sâm: nồng độ càng cao càng ức chế hoạt động của tim; nồng độ thấp lại làm tim co bóp mạnh lên, tần số tim cũng tăng lên!
Các nhà khoa học Nhật Bản, Trung Quốc kết luận: Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết, do vậy chữa được bệnh đái tháo đường, một căn bệnh nguy hiểm mà các nhà khoa học đang cảnh báo sẽ phát triển trong vài thập niên tới.
Theo Đông y, bệnh tăng huyết áp được coi là chứng “Huyễn vựng”, có nguyên nhân do thận hư, can khí nghịch lên, can uất hoá hoả. Vì Nhân sâm có tính thăng lên, do vậy không nên dùng Nhân sâm cho người bệnh tăng huyết áp mà dễ gây đột quỵ.
Đau thắt ngực do nguyên nhân thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim. Theo Đông y: tâm khí hư, khí huyết ứ trệ gây nên chứng “Tâm giảo thống” hay còn gọi là đau thắt ngực. Trong trường hợp này, Nhân sâm không chỉ có tác dụng bổ khí mà còn có tác dụng khai khí trệ, hành huyết ứ mà có tác dụng giảm đau.
Một bệnh nhân 45 tuổi, đã có tiền sử đau thắt ngực 3 năm, kèm theo rối loạn lipid máu, thường xuyên phải dùng thuốc Nitromint để điều trị mà không hết đau. Tình cờ, khi thấy mệt, ăn liền trong 2 – 3 ngày một con sâm Triều Tiên, thấy tỉnh táo, đỡ mệt, không còn đau thắt ngực một tháng liền. Thế mới biết tác dụng khai khí uất, hành khí trệ của Nhân sâm diệu kỳ đến đâu. Khí đã hành thì huyết ắt cũng phải lưu thông nên mới có tác dụng giảm đau như vậy.
Do có tác dụng bồi bổ chân nguyên, bổ khí nên Nhân sâm có tác dụng nâng huyết áp trong những trường hợp huyết áp thấp, huyết áp tụt. Người ta thường kết hợp sâm với gừng nhằm mục đích tăng tác dụng của Nhân sâm. Thang cổ phương “Sâm phụ thang” bao gồm Nhân sâm 40g, Phụ tử chế 20g, Gừng tươi 3 lát, Táo đen 3 quả sắc uống có tác dụng “Hồi dương cứu nghịch”: chữa các chứng mạch suy kiệt, mồ hôi ra nhiều (thoát dương), chân tay lạnh, huyết áp tụt…
“Độc sâm thang” là thang thuốc chỉ sử dụng một vị Nhân sâm với liều 40g sâm sắc uống, có tác dụng chữa cơ thể quá suy nhược sau khi mất nhiều máu, thần kinh suy nhược.
Mục lục
NHÂN SÂM
Tên khác: Sâm Cao Ly, sâm Triều Tiên
Tên khoa học: Panax ginseng C.A. Mey.
Họ Nhân sâm (Araliaceae)
MÔ TẢ
Cây thảo, có rễ củ như hình người. Thân mảnh, không phân nhánh, cao 30 – 50cm. Lá kép chân vịt, 3 – 4 cái mọc vòng, có cuống dài, lá chét 5, lá tận cùng lớn hơn các lá bên, mép có răng cưa nhỏ, đều.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành tán kép dạng bán cầu, gồm nhiều hoa tạp tính, màu hồng; đài và tràng 5 phiến mỏng, nhị 5.
Quả mọng, khi chín màu đỏ.
Mùa hoa quả: tháng 3 – 8.
PHÂN BỐ, NƠI MỌC
Trên thế giới, nhân sâm có nguồn gốc ở vùng núi thuộc Viễn Đông Nga, Triều Tiên. Cây mọc hoang sau được trồng phổ biến ở những vùng trên, Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
ở Việt Nam, nhân sâm cũng đã được nhập trồng từ lâu ở các vùng có khí hậu mát và ẩm, nhưng chưa thành công.
BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN
Rễ nhân sâm được thu hái vào mùa xuân và mùa thu và thường được chế biến thành hồng sâm và bạch sâm theo cách làm sau: Những củ to, nặng, rửa sạch, cho vào nồi chưng chín trong khoảng 2 giờ, rồi phơi hay sấy khô, bẻ ra có màu hồng, mùi thơm, thì được hồng sâm. Loại củ sâm nhỏ, rửa sạch, nhúng vào nước sôi trong vài phút, rồi tẩm đường vài ngày, phơi hoặc sấy khô, bẻ ra có màu trắng ngà thì được bạch sâm.
Có khi còn tẩm sâm với gừng để làm tăng tính ấm của dược liệu. Lấy gừng giã nát lấy nước cốt, tẩm vào sâm đã thái mỏng, ủ 30 phút, rồi sao nhỏ lửa cho đến khô.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC
Rễ nhân sâm chứa các saponin triterpen, gọi là ginsenosid; các chất bay hơi như Y pachoulen, p íarnesen, mayuron, acid palmitic. Đường trong nhân sâm là glucose, rhamnose, sucrose, maltose. Các flavonoid gồm kaempíeroal, triíolin và panasenosid.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ
Nhân sâm có khả năng tăng sức đề kháng của cơ thể và đặc biệt đối với hệ thần kinh trung ương, tăng cường sức dẻo dai của con người, chống mệt mỏi, độc hại. Ngoài ra, nhân sâm còn có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch ở dạng cao mạnh hơn dạng chiết nước.
Nhân sâm là một vị thuốc bổ quý, đứng đầu trong tứ bảo vật của y học cổ truyền: Sâm, nhung, quế, phụ. Tác dụng chính của sâm là tăng thể lực và trí lực chữa cơ thể suy nhược, bệnh tim mạch, tiểu đường, thiếu máu, xơ vữa động mạch. Gần đây, người ta còn tìm được một số hoạt chất có khả năng phòng và chống ung thư.
Liều dùng hàng ngày: 2 – 4g dưới dạng lát cắt để ngậm nuốt nước, rượu thuốc, hãm hoặc làm cao, hoàn tán.
BÀI THUỐC
- Thuốc bổ toàn thân “Cao tam tài”: Nhân sâm (4g), thiên môn (10g), thục địa (10g). Tất cả thái nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 – 2 lần trong ngày. Có thể ngâm rượu uống.
- Chữa tỳ vị hư nhược, nhức mỏi chân tay, nôn mửa: Nhân sâm (10g), bạch truật (9g), phục linh (9g), cam thảo nướng (6g). Tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6 g sắc uống.
- Thuốc bổ phổi, chữa hen suyễn, khó thở: Nhân sâm (4g), hồ đào nhục (10g). sắc uống ngày một thang.
Một số điều lưu ý khi dùng Nhân sâm mà bạn nên biết:
Không dùng Nhân sâm trong các trường hợp sau:
+ Tăng huyết áp do can dương vượng: Huyết áp cao kèm theo có các chứng nhức đầu, hay cáu giận, hoa mắt chóng mặt…
+ Âm hư hoả động: thường gặp ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh với các biểu hiện như có cơn bốc hoả, khó ngủ, vã mồ hôi, ban đêm (đạo hãn), háo khát…
+ Đang mắc bệnh thực tà: ví như các bệnh nhiễm trùng cấp tính. Dùng sâm có thể làm bệnh nặng thêm.
+ Xuất huyết: băng huyết, chảy máu cam, ho ra máu, đại tiện ra máu…
+ ỉa chảy cấp
+ Suy thận, viêm túi mật, sỏi thận, hen suyễn.
+ Thai phụ sắp đẻ hoặc đẻ khó. Nếu dùng sâm có thể gây băng huyết khi sinh nỏ. Nhưng nếu băng huyết, dùng sâm lại cầm lại được.
+ Trẻ em “Thuần dương vô âm” do vậy không nên dùng sâm cho trẻ nhỏ.
Thận trọng khi dùng Nhân sâm trong các trường hợp:
Cảm mạo, sốt, mất ngủ, khó ngủ, tim đập nhanh, chán ăn, đi tiểu ít hoặc khó…
Lưu ý: Không dùng Nhân sâm cùng với các thuốc Aspirin, các thuốc giảm đau non – Steroid như Paracetamol, Analgin và các thuốc chống đông máu. Trước khi phẫu thuật cũng không nên dùng Nhân sâm.
Khi dùng Nhân sâm, nếu có hiện tượng đi lỏng thì khi sắc thuốc phải cho thêm vài lát gừng hoặc đổi sang ngâm rượu sâm.
Cách bảo quản Nhân sâm:
Ở gia đình nên bảo quản Nhân sâm bằng cách đơn giản như sau: Nếu thời gian để lâu mới dùng thì nên ngâm Nhân sâm ngập trong mật ong là tốt nhất. Nếu dùng ngay thì nên để củ sâm trong lọ kín có chứa gạo rang. Cách này không để lâu được. Nhiều trường hợp giữ sâm trong gạo rang, nhiều năm sau đem dùng thì củ sâm đã bị mọt đục ruỗng chỉ còn xác.