4. Sự tạo thành alcaloid trong cây

Trước đây người ta cho rằng nhân cơ bản của các alcaloid là do các chất đường hay thuộc chất của đường kết hợp với amoniac để có nitơ mà sinh ra. Ngày nay bằng phương pháp dùng các nguyên tử đánh dấu (đồng vị phóng xạ) người ta đã chứng minh được alcaloid tạo ra từ các acid amin.
Vì C14 và N15 có tính phóng xạ, tia β phát ra có thể trực tiếp tác dụng lên nhũ dịch thuốc ảnh nên có thể chụp X quang hoặc đo bằng máy đo phóng xạ. Người ta đã dùng acid amin có C14 và N15, những acid amin này được giả thiết là tiền chất của alcaloid đưa vào môi trường nuôi cấy hoặc có thể tiêm vào thân cây hay rắc lên bề mặt của lá. Alcaloid tạo ra trong cây được chiết xuất và phân lập, người ta thấy alcaloid này có tính phóng xạ. Làm phản ứng phân hủy để tìm xem phần nào của alcaloid có nguyên tử phóng xạ. Qua làm thực nghiệm đã chứng minh được nguyên tử nitơ và hầu như mọi trường hợp các nguyên tử carbon của acid amin đều nằm trong cấu trúc nhân cơ bản của alcaloid. Ngoài ra, trong cấu trúc alcaloid còn có những hợp chất khác như gốc acetat, hemi hoặc monotecpen tham gia vào. Những công trình nghiên cứu về sinh tổng hợp các alcaloid đi từ tiền chất là các amin rất phong phú.
Qua định tính và định lượng trong các bộ phận khác nhau của cây và theo dõi sự thay đổi của chúng trong quá trình phát triển của cây người ta thấy nơi tạo ra alcaloid không phải luôn luôn là nơi tích tụ alcaloid. Nhiều alcaloid được tạo ra ở rễ lại vận chuyển lên phần trên mặt đất của cây, sau khi thực hiện những biến đổi thứ cấp chúng được tích lũy ở lá, quả hoặc hạt. Người ta đã chứng minh alcaloid chính trong cây Beladon là L – hyoscyamin được tạo ra ở rễ, sau đó chuyển lên phần trên mặt đất. Khi cây một tuổi thân cây chứa nhiều alcaloid hơn lá, khi cây 2 tuổi thân cây hóa gỗ nhiều hơn, hàm lượng alcaloid giảm xuống, hàm lượng alcaloid ở phần ngọn đạt được mức tối đa vào lúc cây ra hoa và giảm đi khi quả chín.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Văn Thu (2011), “Bài giảng dược liệu”, tập I. Trường đại học Dược Hà Nội
Phạm Thanh Kỳ và cs. (1998), “Bài giảng dược liệu”, tập II. Trường đại học Dược Hà Nội
Đỗ Tất Lợi (2004), “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, Nhà xuất bản Y học
Viện dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản khoa hoc kỹ thuật.
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật.
0/50 ratings
Bình luận đóng