RÙA VÀNG

Tên khác:             Rùa núi, sơn quy.

Tên khoa học: Testudo elongata Blyth Họ Rùa vàng (Testudinidae).

MÔ TẢ

Thân ngắn bọc bằng một vỏ do nhiều phiến sừng hay vảy cứng ghép lại. Phần lưng lồi lên gọi là mu hay mai, phần bụng phẳng là yếm. Mai có màu vàng nâu, ở giữa mỗi phiến sừng có đốm đen sẫm. Đầu tròn, đuôi ngắn. Bốn chân to, các ngón chân có móng.

Rùa đực nhỏ hơn rùa cái.

PHÂN BỐ, NƠI SỐNG

Trên thế giới, rùa vàng phân bố ở châu Á gồm các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia…

Ở Việt Nam, rùa vàng sống hoang ở khắp nơi từ Bắc vào Nam. Thường gặp ở vùng núi, chỗ ẩm có nhiều cây bụi, ven sông rạch, đồng ruộng. Rùa ăn sâu bọ, côn trùng, cua, cá, ốc, cỏ… Đẻ trứng, vùi trong cát.

Ở miền Nam, rùa vàng chỉ hoạt động kiếm ăn vào mùa mưa.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HOẠCH, CHẾ BIẾN

Yếm rùa và máu rùa.

Bắt rùa quanh năm, nhung nhiều nhất vào tháng 8 -12. Cắt tiết hứng máu để riêng hoặc đập chết, bóc lấy yếm, cạo hết thịt, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Có thể nhúng rùa vào nUỐc sôi để 5 – 10 phút, rồi bóc yếm. Dược liệu có thể chất cứng chắc, mặt ngoài màu nâu xám, mặt trong màu vàng, dễ gẫy ở những đường ghép các phiến.

Khi dùng, đập vỡ yếm thành mảnh nhỏ, tẩm giấm, nướng vàng, tán bột. Yếm rùa thường được chế biến thành cao theo cách sau: Ngâm yếm vào nước sôi trong vài giờ hoặc nước tro bếp. Cạo sạch trong, ngoài yếm. Tẩy bằng rượu sau khi đã đập thành những mảnh nhỏ, rồi nấu với nước 2 – 3 lần, mỗi lần một ngày đêm. Lọc, đem cô nước lọc thành cao đặc và đổ khuôn. Nếu nấu yếm rùa với mai ba ba thì được nhị giáp cao, với gạc hươu nai lại được quy lộc nhị tiên cao.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Yếm rùa chứa chất béo, chất keo và muối Ca.

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

  • Yếm rùa được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là quy bản hay quy giáp, có vị ngọt, mặn, tính hàn, không độc, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, mạnh gân xương, giảm đau, chữa suy nhược, lao lực gầy yếu, nóng trong, sốt rét, ho lâu ngày, chân tay đau nhức, thận kém, trẻ em yếu xương chậm biết đi.

Liều dùng hàng ngày: 5 – 10g quy bản, tán bột uống hoặc sắc nước uổng. Hoặc dùng cao quy bản với liều 10 – 20g mỗi ngày, chia làm 3 lần. Dùng một tháng. Có thể phối hợp với cao ban long, ngâm rượu và mật ong.

Chú ý: Người có máu hàn, hay bị tiêu chảy không được dùng yếm rùa.

Yếm rùa và cao quy bản còn được dùng chữa thận hư, di tinh, mộng tinh, ho, hen suyễn, kiết lỵ, băng huyết, bạch đới.

  • Máu rùa: Chữa khó thở, thở khò khè, pha với rượu với tỷ lệ 2 phần máu và một phần rượu (dùng ngay máu vừa cắt tiết con vật). Ngày uống hai lần, mỗi lần 1 chén nhỏ.

Một số chuyên gia về chất kích thích coi máu rùa là một vị thuốc đại bổ, làm tăng nhanh sức lực và sự dẻo dai của cơ thể, rất cần cho các vận động viên thể dục, thể thao.

BÀI THUỐC

  • Chữa kinh nguyệt không đều, khí hư, đau lưng, chân tay tê mỏi, kiết lỵ: Yếm rùa (20g), vỏ thân cây đỗ trọng nam (30g), rễ cây trung quân (20g), rễ nhàu (20g), sâm Bố Chính (20g).

Tất cả thái nhỏ, phơi khô hoặc sao vàng, ngâm rượu. Ngày uống 1 – 2 chén nhỏ chia làm hai lần trước bữa ăn.

  • Chữa ho lâu ngày: Yếm rùa (30g), đảng sâm (30g), tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 – 20g.
0/50 ratings
Bình luận đóng