THIÊN NIÊN KIỆN

Tên khác:            Sơn thục, ráy hương, bao kim, sơn phục, vạt hương (Tày), hìa hẩu ton (Dao), duyên (Ba Na). Tên khoa học: Homalomena occulta (Lour.) Schott

Họ Ráy               (Araceae)

MÔ TẢ

Cây thảo, có thân rễ dài, trong có xơ cứng, rất thơm. Thân rất ngắn. Lá hình tim, đầu thuôn nhọn, bẹ lá to, cuống dài, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu lục nhạt.

Cụm hoa là một bông mo, mỗi khóm 3 – 4 bông mo; bông ngắn nằm gọn trong mo chia làm hai phần: phần mang hoa đực dài gấp đôi phần mang hoa cái, không có bao hoa, hoa đực có 4 nhị, hoa cái Thiên niên kiện có bầu hình trứng, noãn nhiều.

Quả mọng thuôn, hạt có vân.

Mùa hoa quả: tháng 4 – 6.

Vị thuốc Thiên niên kiện điều trị đau lưng
Vị thuốc Thiên niên kiện điều trị đau lưng

PHÂN BỐ, NƠI MỌC

Trên thế giới, thiên niên kiện phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Mỹ.

Ở Việt Nam, thiên niên kiện mọc hoang ở các tỉnh miền núi từ Bắc vào Nam. Cây ưa ẩm và ưa bóng, thường tập trung thành đám, thành vạt thuần loài, dọc các bờ khe suối, dưới tán rừng. Trữ lượng tự nhiên của cây khá phong phú.

BỘ PHẬN DÙNG, THU HÁI, CHẾ BIẾN

Thân rễ, thu hái vào mùa thu đông, cắt gần sát với gốc thân, chừa khoảng 10 cm để cây duy trì và tái sinh. Đào về, rửa sạch đất, cắt bỏ rễ, chặt thành từng đoạn dài 10 – 20cm, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng mới thái phiến để giữ cho tinh dầu khỏi bay mất.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thân rễ thiên niên kiện chứa tinh dầu với các chất a-pinen, p-pinen, linalol, a-terpineol, myrcenol, moslen, sabinen, eugenol, limonen, homalomenol, oplopanon, oplodioi…

CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG

Thiên niên kiện được dùng chữa tê thấp, chân tay tê bại, nhức mỏi, các khớp đau. Liều dùng hàng ngày: 6- 12 g dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc hoàn tán. Thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Dược liệu còn chữa phù thũng, mẩn ngứa, mụn nhọt.

Dùng ngoài, thân rễ thiên niên kiện giã với muối, đắp làm tan nhọt độc. Thân rễ phơi khô, tán bột rắc để trừ sâu, nhậy, côn trùng khác.

Tinh dầu cất từ thân rễ được dùng chế dầu xoa, làm hương liệu.

BÀI THUỐC

  • Chữa tê thấp: Thân rễ thiên niên kiện (12g), rễ bưởi bung (10g), quả dành dành (8g). Tất cả thái mỏng, ngâm rượu uống. Kết hợp lấy lá cây ba chạc giã nát với lá tầm gửi cây sau sau, đắp.

Hoặc thiên niên kiện (12g), rễ cỏ xước (20g), hy thiêm (20g), thổ phục linh (20g), nhọ nồi (16g), ngải cứu (12g), ké đầu ngựa (12g). Sao vàng, sắc uống làm hai lần trong ngày.

  • Chữa dị ứng, mẩn ngứa, lở sơn: Thiên niên kiện (10g), sả (10g), gừng (10g). Sắc uống ngày một thang.
0/50 ratings
Bình luận đóng