(Cortex Cinnamomi)
1. Nguồn gốc, đặc điểm
Là vỏ thân hoặc vỏ cành đã chế biến khô của cây (Cinnamomum cassia Presl.) hoặc một số loài Quế khác (Cinnamomum sp.), họ Long não (Lauraceae).
Đó là những mảnh vỏ dày 1 mm trở lên, dài 50cm, thường cuộn tròn thành ống. Mặt ngoài màu nâu đến nâu xám, có các lỗ vỏ và vết cuống lá. Mặt trong màu nâu hơi đỏ đến nâu sam, nhẵn. Quế rất dễ bẻ gãy, vết bẻ có màu nâu đỏ, có ít sợi tơ. Dược liệu Quế nhục có mùi thơm đặc trưng, vị cay, ngọt.
Quế đã được ghi trong Dược điển Việt Nam (2002).
2. Thành phần hóa học
Vỏ quế có chứa chủ yếu là tinh dầu (2 – 5%), thành phần chính của tinh dầu là aldehyd cinamic, alcol cinamic, xymen, linanol, coumarin. Ngoài ra, còn có các thành phần khác như: tanin, glucid, diterpen vòng…
3. Công dụng, cách dùng
Nhục Quế là một dược liệu quý và rất thông dụng, có tác dụng bổ dương, tán hàn, thông huyết mạch do kích thích tuần hoàn, giảm đau, gây co bóp tử cung và nhu động ruột… Dùng chữa các chứng bệnh: Chân tay lạnh, lạnh lưng, đau gối, nôn mửa, đau bụng, bế kinh, tiểu tiện khó khăn.
Cách dùng :
Ngày uống 1 – 4g, dạng thuốc sắc, thuốc thang, hoàn tán.
Hiện nay đã có một số chế phẩm bào chế có thành phần là Quế đã lưu hành trên thị trường như: Bát vị quế phụ, Hoàng kì kiện trung thang, Vạn ứng cao…
Lưu ý: Người có chứng âm hư, dương thịnh, phụ nữ có thai không dùng.
Nhục Quế còn là nguyên liệu để chiết xuất tinh dầu, dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc và xuất khẩu.