Mít (danh pháp hai phần: Artocarpus heterophyllus) là loài thực vật ăn quả, mọc phổ biến ở Đông Nam Á và Brasil. Nó là cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), và được cho là có nguồn gốc ở Ấn Độ. Quả mít là loại quả quốc gia của Bangladesh.
Cây mít thân gỗ cao 12-20m, lá hình trái xoan nguyên hay chia thùy về một phía, có những lông mọc dễ rụng, dài 9-20cm. Cụm hoa ở trên thân cây hoặc ở trên cành già. Quả to hình trái xoan hay thuôn, có quả dài tới 60cm, thuộc loại quả kép gồm nhiều quả bế đính trên một đế hoa chung. Quả bế (chính là hạt mít ta thường gọỉ) bên ngoài được bọc một lớp mạc mềm màu vàng nhạt có vị ngọt tính mát (múi mít) do các mảnh bao hoa tạo thành.
Cây mít mọc hoang và được trồng lấy quả ăn ở khắp vùng nước ta, có nhiều loại mít.
Các món ăn có sử dụng mít
Mít tươi. Các múi mít chín có thể ăn tươi, có vị rất ngọt do có hàm lượng đường như glucoza, fructoza cao (10-15%).
Ở Huế có món mít trộn với tôm, hành, nước mắm ăn kèm với bánh tráng nướng. Quả mít non có thể sử dụng như rau để nấu canh, kho với cá, xào với thịt, làm gỏi.
Xơ mít có thể dùng làm dưa muối gọi là nhút. Món này làm từ xơ mít chín hoặc từ quả mít xanh. Phương ngôn “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” nhắc đến hai đặc sản của vùng quê ở Nghệ An.
Hạt mít cũng ăn được và có giá trị dinh dưỡng nhất định. Hột có thể đem rang, luộc, hoặc hấp. Trước khi ăn thì bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài; có mùi thơm và vị bùi.
Mứt mít.
Theo Đông y, quả mít xanh chát làm săn da, quả mít chín với các múi mít có vị ngọt tính ấm, có tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt. Hạt mít có vị ngọt, tính bình có mùi thơm, tác dụng tán kết, tiêu thũng, giải độc, giảm đau.
Thuốc ứng dụng từ quả mít:
Bài 1. Thuốc chữa phụ nữ ít sữa
+ Quả mít non 20g
+ Đậu đỏ nhỏ hạt 30g
+ Gạo nếp 50g
+ Chân giò lợn 100g
Các vị thuốc làm sạch, cho vào nồi thêm đủ nước, ninh nhừ thành cháo. Người bệnh chia 3 lần ăn hết trong ngày, lúc đói.
Cần ăn liền 5 ngày liền.
+ Hạt mít 30g
+ Lạc nhân 20g
+ Quả mướp non 50g
+ Gạo nếp 50g
+ Móng giò lợn 150g
Hạt mít bỏ vỏ, giã dập; các vị thuốc khác làm sạch, cho vào nồi thêm đủ nước, ninh nhừ thành cháo. Người bệnh chia 3 lần ăn hết trong ngày, lúc đói.
Cần ăn liền 5 ngày liền.
Bài 2. Thuốc chữa bệnh tiểu khó
+ Hạt mít 30g
+ Râu ngô 30g
+ Rễ cỏ tranh 30g
+ Rau má 30g
Hạt mít bỏ vỏ, giã dập, cùng các vị thuốc cho vào nồi thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ, khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần ăn hết trong ngày, lúc đói. cần ăn liền 5 ngày liền.
Lưu ý:
- Khi ăn mít nên luộc hạt mít ăn, làm như vậy để giúp giảm bớt tính ấm của múi mít.
- Những người máu nóng hay có rôm, lở ngứa nên hạn chế ăn mít, vì có thể sẽ gây mụn nhọt cơ thể.