Hiện nay, có rất nhiều loại siêu vi gây viêm gan, nhưng hiện nay đa số bệnh viện tại Việt Nam có thể xác định được viêm gan siêu vi A (HAV), viêm gan siêu vi B (HBV), viêm gan siêu vi C (HCV).
I. CHẨN ĐOÁN.
Chẩn đoán sơ bộ.
Dịch tễ.
- Tiền căn gia đình: có người thân bị viêm
- Tiền căn cá nhân: có quan hệ tình dục không bảo vệ, dùng chung kim tiêm, thủ thuật xuyên qua da, truyền máu từ 2 tuần đến 6 tháng trước khi có triệu chứng đầu tiên của bệnh.
Lâm sàng
- Vàng mắt, vàng da- niêm không quá 28 ngày.
- Không sốt hoặc sốt nhẹ.
- Mệt mỏi, uể oải,
- Rối loạn tiêu hóa: nôn ói, chán ăn, đau hạ sườn phải.
- Gan to và đau
- Đối với các thể nặng có thể phát hiện rối loạn tri giác, xuất huyết da – niêm, gan teo nhỏ.
Cận lâm sàng
AST (SGOT) và ALT (SGPT) gia tăng tối thiểu là gấp 2 lần trị số cao nhất của giới hạn bình thường. Thông thường, trong viêm gan siêu vi cấp, AST và ALT gia tăng từ 5- 10 lần, có khi > 20 lần trị số cao nhất của giới hạn bình thường.
Chẩn đoán xác định dựa vào xét nghiệm huyết thanh và được thực hiện lần lượt như sau:
– Đầu tiên nên làm IgM anti-HAV, IgM anti-HBc và HBsAg
+ IgM anti-HAV (+): viêm gan siêu vi A cấp.
+ IgM anti-HBc (+): viêm gan siêu vi B cấp.
+ HBsAg (+) đơn thuần: không kết luận được viêm gan siêu vi B (có thể là người mang mầm bệnh cũng có thể là viêm gan siêu vi B cấp và mạn).
- Sau đó, nếu IgM anti-HAV và IgM anti-HBc (-), chẩn đoán tạm thời là viêm gan siêu vi cấp A – không B và làm tiếp anti-HCV
+ Anti-HVC (+): viêm gan siêu vi C, nếu có thêm bằng chứng về chuyển huyết thanh thì kết luận là viêm gan siêu vi C cấp. Trong trường hợp anti-HVC (-), có thể làm HCV RNA để xác định chẩn đoán.
II. ĐIỀU TRỊ
Bệnh nhân nghi ngờ viêm gan siêu vi có các dấu hiệu nặng sau đây cần được nhập viện ngay để theo dõi và điều trị:
- Rối loạn tri giác.
- Xuất huyết.
- Rối loạn hô hấp
- Trụy tim mạch
- Nôn ói nhiều
- Không ăn uống được
- Sốt cao
Cần loại trừ nhiều bệnh lý nội, ngoại khoa có vàng da niêm
II.1. Chế độ ăn uống
- Khẩu phần nhiều đạm, nhiều đường, ít mỡ
- Không bia rượu
- Không nên kiêng ăn thái quá, khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều lần, mỗi lần một ít, nếu cần, đổi bửa ăn chính vào lúc sáng và trưa, chiều tối nên ăn nhẹ.
II.2. Sử dụng các loại thuốc
- Hạn chế các loại thuốc có thể gây độc gan: Không dùng corticoid, cẩn thận khi sử dụng phenobarbital, thuốc kháng lao, kháng sinh nhóm ..
- Vitamin K110 mg/ngày tiêm bắp, 3-5 ngày khi prothrombin giảm <60%
- Cholestyramin: 1 gói (4g) x 2-3 lần/ngày khi bệnh nhân có dấu hiệu ngứa.
- Các loại thuốc có nguồn gốc dược thảo như Silymarin, Biphenyl dimethyl dicarboxylat không gây độc và giảm transaminases có thể xem xét sử dụng trong viêm gan siêu vi cấp.
- Xem xét dùng Lamivudine 100mg/ngày, nếu như bệnh viêm gan siêu vi B cấp diễn tiến nặng hoặc rơi vào viêm gan tối cấp. Chưa có bằng chứng về lợi ích của Tenofovir và Entecavir trong viêm gan B tối cấp.
- Đối với viêm gan siêu vi C cấp, xem xét dùng Peginterferon alfa 2a/2b hoặc Interferon Nên bắt đầu điều trị ít nhất là 8 tuần sau khi có triệu chứng đầu tiên hay sau 12 tuần mà HCV RNA vẫn còn trên ngưởng phát hiện. Liều dùng thường là Peginterferon alfa 2a: 180mcg/tuần, hoặc Peginterferon alfa 2b 1.5mcg/tuần kéo dài 24 tuần. Không cần phối hợp với Ribavirin.
II. 3. Nghỉ ngơi
- Không cần thiết nghỉ ngơi tuyệt đối và hoàn toàn tại giường nhưng làm việc nặng gắng sức làm cho bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài
- Thời gian nghỉ ngơi nên kéo dài cho đến khi hết vàng da – mắt và transaminases <2 lần so với chỉ số cao nhất của giới hạn bình thường.
- Không nên lao động nặng, gắng sức ít nhất là 3 tháng kể từ khi hết giai đoạn nghỉ ngơi.
II.4. Theo dõi thường xuyên về lâm sàng và xét nghiệm
Về lâm sàng.
Diễn tiến của vàng da – mắt, rối loạn tiêu hóa, tình trạng uể oải, mệt mỏi, có hay không xuất huyết, phù chi, báng bụng, rối loạn tri giác…
Về xét nghiệm.
- AST và ALT hàng tuần cho đến khi <2 lần so với trị số cao nhất của giới hạn bình thường, sau đó mỗi tháng một lần, ít nhất trong 6 tháng. Nếu AST, ALT tiếp tục tăng hoặc kéo dài >6 tháng, bệnh nhân có biểu hiện của bệnh viêm gan mạn tính.
- HBsAg, anti – HBs, anti – HCV mỗi 3 tháng. Nếu sau 6 tháng kể từ khi có biểu hiện viên gan cấp, bệnh nhân vẫn còn HBsAg(+), hoặc anti – HCV(+) có nghĩa là bệnh viêm gan siêu vi cấp đã chuyển sang giai đoạn mạn tính. Nếu anti – HBs(+), IgM anti –HBc trở thành (-) có nghĩa là bệnh nhân viêm gan siêu vi B cấp có biểu hiện phục hồi.
- Prothrombin trong các thể nặng.
- Siêu âm bụng để phát hiện các bệnh gây tắc mật.