I. ĐẠI CƯƠNG:

  1. Đau thần kinh tọa là đau theo đường đi của dây thần kinh tọa từ điểm khởi đầu cho đến điểm kết thúc của nó.
  2. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm L4/L5, hay L5/gây chèn ép các rễ thần kinh tương ứng. Các nguyên nhân khác có thể gặp như viêm nhiễm, bệnh lý cột sống, u thần kinh, ung thư xâm lấn chèn ép thần kinh tọa.

    Đau thần kinh tọa

 

Nguyên nhân

>Đau dây thần kinh tọa không nhất thiết cứ phải gặp ở người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ tuổi hay phải làm những việc nặng gây thoái hóa đĩa đệm đều có thể gây nên hội chứng đau thắt lưng kèm đau dây thần kinh tọa.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa cũng có rất nhiều nhưng hay gặp là do thoát vị đĩa đệm, hẹp ông sông nguyên phát hay thứ phát do hậu quả của hư đĩa đệm, gây chèn ép rễ thần kinh liên quan, hẹp lỗ gian đốt sống, viêm ngoài màng cứng

Các dấu hiệu đau dây thần kinh tọa:

  • Đau giữa cột sống hay lệch một bên, đau tăng lên khi bị rung người (đi xe qua ổ gà, vấp vào đá).
  • Cảm giác đau lan từ lưng xuống, lệch sang một bên mông, xuống đùi, khoeo, gót chân. Hoặc thấy đau ngược lại, từ gót chân lên.
  • Nhói lưng khi ho, khi hắt xì hơi, khi cười.
  • Cột sống cứng, bị đau khi nghiêng người, chỉ cần chuyển dịch một chút cũng đau.
  • Có thể thấy teo cơ bên chân đau nếu tình trạng đau kéo dài.
  • Làm động tác cúi người xuống không được vì đau.
  • Tùy theo tổn thương, họ có thể không nhấc được gót hay mũi chân, dần dần xuất hiện teo cơ đùi, mông, cẳng chân bên tổn thương.
  • Khi bệnh nặng, chân tê bị mất cảm giác, phản xạ đi tiêu đi tiểu có thể mất.

Cách phòng tránh

  • Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu.
  • Tự giữ vững nếu cảm thấy có một cơn ho háy hắt hơi mạnh sẽ đến.-
  • Thực hiện nâng nhấc đồ vật một cách an toàn.
  • Thường xuyên tập thể dục, gồm cả những bài tập co giãn nhẹ.
  • Làm nhẹ ví và đừng để nó ở túi quần ngay sau hông.
  • Ngủ nằm với một chiếc gối dưới đầu gối hoặc ngủ nghiêng với chiếc gối giữa hai chân.
  • Mang giày đúng cỡ, thoải mái…

II. CHẨN ĐOÁN:

Chẩn đoán đau thần kinh tọa dựa vào biểu hiện lâm sàng đặc trưng, chẩn đoán nguyên nhân dựa trên cận lâm sàng, chủ yếu là MRI hoặc CT cột sống thắt lưng.

1. Biểu hiện lâm sàng:

  • Đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa:

+ Đau rễ L5: Đau vùng hông lan đến phần giữa của mông, phía sau và bên của đùi, mặt ngoài cẳng chân, mặt mu của bàn chân, tận cùng là ngón chân cái và 3 ngón giữa của bàn chân.

+ Đau rễ S1: Đau vùng hông lan đến phần giữa của mông, mặt sau của đùi, mặt sau cẳng chân, gót chân, gan bàn chân và tận cùng là ngón út (ngón 5) của bàn chân.

  • Khám lâm sàng:

+ Dấu Lasègue (+) ở các độ khác nhau tùy mức độ chèn ép rễ thần kinh.

+ Ấn các điểm đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa (điểm Valleix) bệnh nhân sẽ đau tăng lên.

+ Dấu ấn dây chuông (+).

+ Rối loạn cảm giác (tê bì, kiến bò, nóng rát) ở vùng thần kinh tọa chi phối.

+ Giảm vận động hoặc liệt nhóm cơ tương ứng ở chi dưới do thần kinh tọa chi phối.

+ Giảm hoặc mất phản xạ gân xương bên thần kinh tọa bị đau.

+ Rối loạn cơ tròn: Một số trường hợp thoát vị đĩa đệm chèn ép chùm đuôi ngựa đưa đến rối loạn cảm giảm vùng tầng sinh môn và trực tràng, tiểu khó hoặc bí tiểu, đại tiện khó.

+ Teo cơ bên chân đau: Nếu đau thần kinh tọa đã lâu.

Lưu ý: Một số triệu chứng gợi ý định hướng các nguyên nhân khác (ngoài thoát vị đĩa đệm) như sốt, gầy sút, đau nhiều về đêm, ảnh hưởng tổng trạng, đau cột sống thắt lưng cao L1- L3 hoặc thấp S1 – S3, bệnh nhân có một số các biểu hiện khác ngoài dấu hiệu đau thần kinh tọa …

2. Cận lâm sàng:

Các xét nghiệm huyết học, sinh hóa, chỉ số viêm … thường trong giới hạn bình thường đối với đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm. Một số bất thường về huyết học và hoặc sinh hóa giúp định hướng các nguyên nhâm viêm hoặc bệnh ác tính.

  • Chụp X quang cột sống thắt lưng: Giúp chẩn đoán phân biệt các bất thường khác: trượt đốt sống, viêm thân sống đĩa đệm, dấu hiệu hủy xương hoặc đặc xương bất thường.
  • Chụp CT scanner: Giúp chẩn đoán được nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là do thoát vị đĩa đệm hay do nguyên nhân khác.
  • MRI cột sống: Giúp chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ, dạng thoát vị đĩa đệm, cũng như giúp chẩn đoán các nguyên nhân khác (viêm, nhiễm, u thần kinh, K di căn …)

III. CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

  • Đau thần kinh đùi, đau thần kinh bì đùi, đau thần kinh bịt.
  • Bệnh lý khớp háng: Hoại tử vô trùng chỏm xương đùi, viêm khớp háng, thoái hóa khớp háng.
  • Bệnh lý cơ thắt lưng chậu: Viêm, áp xe,
  • Viêm khớp cùng chậu, viêm cột sống dính khớp. loãng xương gây lún đốt sống.

IV. ĐIỀU TRỊ: Tùy theo nguyên nhân

1. Điều trị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm:

Điều trị nội khoa:

Điều trị không dùng thuốc:

  • Nghỉ ngơi, tránh cử động mạnh, không mang xách nặng, hạn chế đứng/ ngồi lâu.
  • Vật lý trị liệu: Massage, kéo dãn cột sống, ấn cột sống …
  • Điều trị bằng thuốc:

Giảm đau chọn một trong các thuốc theo bậc thang giảm đau của tổ chức Y tế thế giới (WHO):

+  Nhóm  Acetaminophen  (Paracetamol,  Efferalgan),  Efferalgan  codein, Paracetamol 0,5g liều từ 1-2viên x 3-4 lần / ngày.

+ Paracetamol 500mg + codein 30mg (Eferalgan- codein) 1-3 viên/ngày

+ Paracetamol 325mg + Tramadol 37.5 mg (Ultracet) 1-2 viên x 4 -6 lần/ngày, không quá 8 viên/ ngày

+  Nhóm kháng viêm nonsteroid:

Diclofenac (voltaren…) viên 50mg x 2 viên/ ngày hoặc viên 75mg 1viên / ngày sau ăn no.

Ức chế ưu thế COX 2:

  • Piroxicam 10mg x 2 lần/ngày
  • Etodolac (edosic…) 600-1.200mg/ngày
  • Nabumeton (korum, novidol…) 1 – 2g /ngày

Ức chế chọn lọc COX 2:

  • Celecoxib 200 – 400mg/ngày.
  • Meloxicam(Mobic) 7,5mg x 2 lần/ngày Thuốc dãn cơ chọn một trong các thuốc sau:

+ Thiocolchicosit (Coltramyl 4 mg): 2 viên x 2 lần/ ngày

+ Mephenesin (Decontractyl): 500 – 1000 mg x 3 lần/ ngày

+ Tolperisone (Mydocalm 50 mg, 150 mg): 50 – 150mg x 3 viên / ngày

+ Eperison (Myonal) 50mg x 3 viên/ ngày

+ Tizanidine 2 – 4 mg x 3 – 4 lần/ ngày

+ Nhóm Benzodiazepin: Diazepam 5 – 15 mg/ ngày, Temazepam 7,5 – 30 mg/ ngày …

Trường hợp có đau rễ thần kinh nhiều, đau mạn tính, có thể dùng:

+ Vitamin B12 (Methylcobalamin): 500 mcg x 3 lần/ ngày (uống)

+ Gabapentin 25 – 35 mg/kg/ ngày: 3 lần, khởi đầu 10 mg/kg/ngày

+ Pregabalin 150- 300mg/ngày chia 3 lần.

+ Cytidine 5mg + Uridine 3mg (Nucleo e.m.p forte) 1-2 viên x 2 lần/ngày

Can thiệp ngoại khoa:

Chỉ định ngoại khoa cho các trường hợp: Thoát vị đĩa đệm mức độ nặng: Hội chứng chùm đuôi ngựa, mất cảm giác vùng tầng sinh môn, biểu hiện tăng đau, hẹp ống sống nặng, liệt chi dưới. Thất bại với điều trị nội khoa bảo tồn (điều trị nội khoa đúng phương pháp trên 8 tuần mà không có kết quả) …

2. Điều trị đau thần kinh tọa do các nguyên nhân khác:

+ Các nguyên nhân do viêm nhiễm: Tùy do vi trùng thường, vi trùng lao hay ký sinh trùng mà có chỉ định cho phù hợp.

+ Các nguyên nhân khác: U thần kinh, ung thư … khám chuyên khoa để có hướng điều trị thích hợp.

0/50 ratings
Bình luận đóng