Nhận định chung
Sốc giảm thể tích tuần hoàn là loại sốc đặc trưng bởi tưới máu tổ chức không thỏa đáng do giảm nặng thể tích dịch trong lòng mạch. Nguyên nhân của bệnh có thể do mất dịch hoặc cung cấp dịch không đầy đủ. Khi cơ thể còn bù trừ được (biểu hiện nhịp tim nhanh, tăng sức cản mạch hệ thống, tăng co bóp cơ tim) huyết áp vẫn duy trì trong giới hạn bình thường, nếu huyết áp giảm thể tích dịch trong lòng mạch có thể mất ≥ 30%, vì vậy khi huyết áp giảm là sốc đã ở giai đoạn muộn.
Mất dịch trong lòng mạch
Mất máu do chấn thương, xuất huyết.
Thoát dịch ra tổ chức kẽ.
Mất dịch vào khoang thứ 3: do viêm tụy, tắc ruột non, lồng ruột, cổ chướng, hội chứng thận hư.
Mất dịch ngoài lòng mạch
Nôn nhiều.
Ỉa chảy mất nước.
Tiểu nhiều do tăng áp lực thẩm thấu (tăng đường máu, đái nhạt do yên), suy tuyến thượng thận.
Sử dụng thuốc lợi tiểu.
Mất nước vô hình
Thở nhanh, sốt cao, bỏng mức độ vừa và nặng.
Không ăn uống được
Viêm niêm mạc miệng, viêm loét họng, chán ăn uống.
Phác đồ điều trị sốc giảm thể tích tuần hoàn ở trẻ em
Nguyên tắc điều trị
Duy trì chức năng sống theo ABCs.
Khẩn trương bù lại thể tích tuần hoàn đã mất, giám sát dịch tiếp tục mất, điều chỉnh nội môi.
Điều trị nguyên nhân.
Xử trí cụ thể ban đầu
Mục tiêu điều trị trong giờ đầu
Mạch trở về bình thường theo tuổi
Huyết áp tâm thu ≥ 60 mmHg với trẻ 10 tuổi.
Thời gian đầy mao mạch < 2s.
Tinh thần về bình thường.
Nước tiểu ≥ 1 ml/kg/h.
Chống suy hô hấp
Thông thoáng đường thở, kê gối dưới vai, đầu thấp.
Cho thở oxy lưu lượng cao 5 – 10 lít/ph (100%). Nếu không cải thiện, môi đầu chi tím, SpO2 < 92% hoặc sốc nặng: đặt ống nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Tuần hoàn
Thiết lập đường truyền tĩnh mạch ngoại biên hoặc truyền trong xương/bộc lộ ven nếu không lấy được ven.
Truyền 20 ml/kg dung dịch Ringer lactat hoặc Natriclorua 0,9% trong 5 – 15 phút. Có thể bơm dịch nhanh trong trường hợp sốc nặng. Đánh giá lại sau mỗi liều dịch truyền, có thể nhắc lại liều trên nếu cần, lượng dich truyền có thể tới 40 – 60 ml/kg trong giờ đầu. Từ liều dịch thứ hai cần chú ý quá tải dịch (ran phổi, gan to ra), hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng có thể sử dụng dung dịch cao phân tử/albumin 4,5% cho những bệnh nhân sốc giảm thể tích không phải do mất nước đơn thuần (do mất máu, viêm dạ dày ruột, viêm tụy, tắc ruột…), liều lượng dung dịch cao phân tử cho bệnh nhân sốc mất máu là 3ml cho mỗi ml máu mất (nếu chưa có máu), tốt nhất là truyền máu.
Chú ý điều trị rối loạn đường máu.
Điều trị tiếp theo
Nếu thoát sốc tiếp tục truyền dịch duy trì trong ngày tùy theo mức độ thiếu hụt + lượng dịch tiếp tục mất + lượng dịch nhu cầu và chú ý điều trị rối loạn điện giải nếu có – Nếu bệnh nhân sốc giảm thể tích đơn thuần sẽ thoát sốc sau khi điều trị bước đầu. Nếu sốc không cải thiện sau truyền dung dịch đẳng trương với liều 60 ml/kg cần thăm khám tìm các nguyên nhân sốc khác và điều trị theo nguyên nhân như:
+ Sốc do mất máu: cần truyền khối hồng cầu cùng nhóm với liều 10 ml/kg, đưa Hb ≥ 10 g% Hct ≥ 30%.
+ Sốc giảm thể tích như: bỏng, hoặc mất dịch do tăng tính thấm thành mạch (tắc ruột, viêm tụy cấp), thường khó xác định chính xác lượng dịch mất.
+ Cần truyền dung dịch keo trong những trường hợp thể tích trong động mạch giảm do áp lực keo thấp do giảm albumin, hội chứng thận hư.
Điều trị theo nguyên nhân:
+ Nếu sốc do mất máu: cầm máu tại chỗ, hoặc phẫu thuật nếu có chỉ định phẫu thuật để ngăn ngừa lượng dịch tiếp tục mất.
+ Sốc giảm thể tích do các nguyên nhân khác: điều trị bệnh chính.
Theo dõi điều trị các biến chứng nếu có: rối loạn điện giải, suy chức năng đa cơ quan.