Bia tuy có một số chất dinh dưỡng nhất định và là đồ uống có tính chất khai vị tốt, nhưng có một số người bệnh sau đây cần phải kiêng uống bia:
- Những người bị viêm loét dạ dày, hành tá tràng và ruột: Bia có tác dụng làm giảm khả năng hợp thành chất prostaglandin E, trong niêm mạc dạ dày, mà như ta đã biết là chất prostaglandin E, lại có tác dụng chống lại kích thích của dịch vị đối với niêm mạc dạ dày, làm cho niêm mạc dạ dày giữ được công nàng bình thường vốn có của nó. Do vậy, những người bị viêm dạ dày mạn tính, bị viêm loét ruột, loét hành tá tràng, nếu uống bia vào cơ thể gây nên những tổn hại niêm mạc dạ dày và ruột, làm cho người bệnh bị chướng tức bụng và có cảm giác rát bỏng ở bụng càng thêm trầm trọng hơn, bị ợ nhiều lần và ăn uống sẽ giảm sút. Đặc biệt những người bị viêm dạ dày có tính khô héo (khô teo) mạn tính thì khả năng hợp thành prostaglandin E của cơ thể vốn đã bị giảm sút nhiều, nay uống bia sẽ càng làm giảm sút khả năng này lên gấp bội. Vì vậy, những người này lại càng cần kiêng uống bia hơn ai hết.
- Những người mẹ đang cho con bú: Bia được sản xuất bằng nguyên liệu chủ yếu là đại mạch đem ủ gây men, thế mà đại mạch lại có tác dụng thu rút sữa về. Bia được sản xuất bằng đại mạch ủ gây men sẽ có tác dụng ức chế sự tiết sữa, cho nên đối với những phụ nữ đang cho con bú, uống bia sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Thêm vào đó nữa, trong bia cũng còn có hàm lượng rượu cồn nhất định, chất rượu cồn này sẽ vào trong sữa của người mẹ uống bia, qua bú sữa, trẻ nhỏ sẽ hấp thu vào cơ thể, làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Do đó các người mẹ đang cho con bú phải kiêng uống bia.
- Những người bị bệnh sỏi ở hệ tiết niệu: Trước đây không ít người quan niệm hết sức sai lầm và phiến diện là bia có tác dụng lợi tiểu, uống nhiều có thể phòng tránh được bệnh sỏi ở đường tiết niệu. Sự thực hoàn toàn không phải là như vậy. Qua nghiên cứu, các chuyên gia của Trường Đại học Heidelberg ở Đức đã phát hiện trong nước mầm đại mạch có nhiều chất như canxi, oxalic acid và một số loại acid khác nữa. Những chất này có thể thúc đẩy tạo nên sỏi ở đường tiết niệu, do đó những người bị bệnh sỏi ở hệ thống tiết niệu cũng cần kiêng uống bia.
- Những người bị bệnh gan cũng không nên uống bia. Sở dĩ vậy
bởi vì trong quá trình thay đổi, chuyển hóa chất trong cơ thể, gan có tác dụng rất quan trọng. Chất rượu cồn có trong bia, sau khi qua dạ dày và ruột vào trong cơ thể, cần phải qua sự thay đổi chuyển hóa chất ở các cơ quan trong cơ thể như gan để cuối cùng đem phân giải đại bộ phận thành dioxide carbon. Những người bị bệnh gan mạn tính hoặc nhất là đang trong thời kì cấp tính, công năng của gan không kiện toàn, nên không thể nào kịp thời phát huy được những công năng như giải độc của nó. Vì vậy nếu uống bia dễ làm cho cơ thể bị trúng độc rượu cồn, mặt khác, rượu cồn còn trực tiếp làm tổn hại đến tế bào gan nữa.