Già và sự thích nghi
Khi bắt đầu hóa già, khả năng thích nghi với mọi biến đổi của môi trường xung quanh ngày càng bị rối loạn, ví dụ sự thích nghi với nóng, lạnh, tác động tâm lí… thường không phù hợp và không kịp thời.
Ở người trẻ và khỏe mạnh, các hằng số sinh lí (ví dụ huyết áp động mạch, nhịp tim, các thông số hô hấp…) thường ở trong giới hạn khá hẹp nên có thể dựa vào để đánh giá trình độ sức khỏe.
Nhưng tuổi già càng cao, những biến đổi càng nhiều và có nhiều khác biệt giữa những người cùng lứa tuổi: cùng một tuổi cao, có người huyết áp động mạch bình thường, thậm chí thấp, trong khi đó có người huyết áp lại cao; hay cùng một lứa tuổi già có người tóc bạc nhiều, có người tóc bạc ít hoặc chưa bạc.
Mặc dù có những khác biệt khá lớn ở tuổi già, giữa người này với người khác, nhưng tất cả đều có điểm giống nhau là sự giảm khả năng thích nghi. Có thể coi đó là dấu hiệu bao giờ cũng có ở lứa tuổi cao.
Nguyên nhân già
Trong thời gian đầu người ta cho nguyên nhân già là do những biến đổi về nội tiết. Sự thực thì tuy có các rối loạn ở tuyến nội tiết, ở tuyến sinh dục (biểu hiện rõ nhất trong thời kì mãn kinh) hoặc ở tuyến yên với rất nhiều hoocmon khác nhau (ACTH, TSH, FSH…) có những bệnh cảnh khác nhau, gặp ở lứa tuổi già, nhưng không thể coi đó là nguồn gốc chung của già. Những rối loạn nội tiết không giải thích được rất nhiều hiện tượng tuổi già.
Gần đây nghiên cứu các tổ chức tế bào, lão khoa thực nghiệm đã đi vào lĩnh vực sinh học phân tử. Càng ngày càng có nhiều minh chứng cho quá trình hóa già phụ thuộc vào những biến đổi của các yếu tố cấu thành của tế bào và tổ chức.
Hiện nay người ta đã đề cập đến sự hóa già ở mức phân tử.
Lão khoa thực nghiệm: khi nghiên cứu các biến đổi ở mức tế bào trong quá trình hóa già đã chú ý đến hai điểm:
- Sự hóa già của cơ thể không đồng đều. Một số tổ chức không già, hoặc già rất ít, thường là những tổ chức luôn luôn được đổi mới, ví dụ như biểu mô. Tế bào biểu mô ruột khi chết đi được nhanh chóng đổi mới và thay thế.
- Có những tế bào không bao giờ đổi mới một khi đã được hình thành, ví dụ các tế bào hạch của hệ thần kinh trung ương. Tế bào này không gián phân vì thế không thể nhân lên được.
Trong các nhân tế bào có những nhiễm sắc gồm các nucleoprotein. Nucleoprotein có DNA (axit desoxyribonucleic) với cấu trúc xoắn đôi. ở đây, dưới dạng hóa học, có mã di truyền về tất cả các đặc tính và chức năng của một tế bào nhất định. Cơ chế làm cho “ARN đưa tin” đến được các ribôsôn đã được biết rõ. Thông qua cơ chế đó, một protein tế bào mới được tạo thành.
Các tế bào hạch của hệ thần kinh trung ương không phân chia. Các đại phân tử DNA không được đổi mới sẽ già đi; có hiện tượng cứng các đại phân tử. Cũng có thể hiện tượng nảy là do gắn mạnh đại phân tử với các histon, nhưng trong cơ chế này còn nhiều điều chưa rõ. Hậu quả là có sự rối loạn truyền “mã” dẫn đến việc sản xuất ra các protein không thích hợp. Khi các rối loạn có liên quan đến các nucleoprotein của các nhân tế bào hạch, các tế bào sẽ chết. Trên thực tế người ta nhận thấy lúc mới đẻ, các tế bào hạch này rất nhiều, nhưng khi cơ thể đã già rồi số lượng các tế bào đó giảm nhiều.
Khi số lượng tế bào hạch thần kinh bị hủy khá nhiều, về mặt lâm sàng có thể có các rối loạn về trí nhớ, nhất là trí nhớ cố định. Trong lúc đó, trí nhớ đối với các việc cũ, trái lại, vẫn còn và có thể còn ăn sâu hơn…
Cơ chế nói trên cũng có thể giải thích được các hiện tượng như việc kéo dài thời gian các phản xạ, hoặc phản ứng chậm đối với việc thực hiện các hoạt động hữu ý hay không hữu ý.
Trong quá trình hóa già, việc thích nghi với những biến đổi môi trường xung quanh trở nên khó khăn và không phù hợp, ví dụ rối loạn ở các giác quan làm giảm và làm sai lạc về tiếp nhận các thông tin bên ngoài. Rối loạn thần kinh thực vật khiến việc đáp ứng các yếu tố bên trong và bên ngoài cũng bị sai lệch hoặc chậm trễ.
Các tê bào cơ bắp cũng có những biến đổi tương tự. Khi cơ thể không phát triển nữa các tế bào cơ không đổi mới nữa, chỉ những tế bào thoái hóa còn có khả năng nhận kích thích thần kinh mới có thể tái sinh được.
Sự hóa già của các cơ xương biểu hiện bằng khả năng hoạt động giảm sút. ở những cơ còn trẻ, lành mạnh, việc chuyển axit photphoric từ creatin photphat đến adenosin diphotphat đã dẫn tới hình thành adenosin triphotphat. Khi cơ đã hóa già, hoạt động này giảm.
Nghiên cứu trên tổ chức liên kết có thể coi là một mô hình nghiên cứu những biến đổi trong quá trình hóa già. Chất protit cơ bản ở đây là colagen. Colagen được phân bố dưới dạng các sợi ở khắp cơ thể, ở gân, ở lớp đệm của chân bì (derme), ở xương, colagen rất nhiều.
Các sợi colagen (chất tạo keo) gồm ba chuỗi polypeptit nối với nhau dưới dạng xoắn đôi. Các chuỗi này có ở ngoài các tế bào. Các dây nối có thể ngắn (cầu hydro) hoặc dài (cầu nối đồng hóa trị: cross-links), các dây nối dài tăng lên nhiều ở tuổi già. Trên lâm sàng có thể thấy hiện tượng cứng khớp, nhiều khi được chẩn đoán quá dễ là thoái khó’p.
Với trình độ hiểu biết hiện nay, chưa thể nêu lên một cách khái quát mối liên hệ giữa biến đổi hình thái và biến đổi chức năng ở mức tổ chức trong quá trình già.
Hiện nay cũng chưa thể xác định được một cách rõ rệt những yếu tổ nào thúc đẩy, yếu tố nào làm chậm việc hóa già. Do đó, cũng chưa thể hiểu rõ được tại sao việc hóa già lại khác nhau nhiều giữa người này với người khác.
Trên đây, mới nêu vài ví dụ quan sát trên tổ chức thần kinh, cơ và tổ chức liên kết. Nhưng ngay từ bây giờ, cũng có thể thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu sự hóa già ở mức tổ chức, cả về phương diện cấu trúc lẫn chức năng. Trên cơ sở hiểu biết sự hóa già của tổ chức, có thể dễ dàng hiểu biết hơn sự hóa già của toàn cơ thể.
Do đó, việc nghiên cứu lão khoa thực nghiệm hết sức quan trọng để tìm những nguyên nhân và quy luật của sự hóa già.