Một số dược liệu chứa các dẫn chất lacton khác:
– Kawain, có trong rễ cây Piper methysticum họ Hồ tiêu – Piperaceae được dùng dưới tên “ gonosan “ để chữa bệnh lậu.
– Acid parasorbic, có trong quả mọng chín của cây Sorbus aucuparia (Rosaceae). Acid parasorbic ở dạng lỏng có vị ngọt, có tác dụng ức chế Staph. aureus ở nồng độ 1:2.000 và ức chế Trypanosoma equiperdum ở nồng độ 1:50.000.
– Một số dẫn chất coumarin. Vichkonova (1973) khi thử trên Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Candida albicans, Trichomonas vaginalis, Entamoeba histolytica, thấy 14 trong 33 coumarin phân lập từ thực vật bậc cao ở nồng độ 15,6 – 62,5mg/ml có tác dụng kháng khuẩn có ý nghĩa. Các chất có tác dụng mạnh nhất là: 4 methyl-7-hydroxy coumarin, pimpinellin, isopimpinellin và prangolarin.
Các sesquiterpen lacton cũng có tác dụng kháng khuẩn. Vichkanova và các cộng sự (1971) đã thử 61 chế phẩm chứa lacton (14 chất sesquiterpen lacton và 41 cao có chứa lacton chiết từ các cây họ Cúc – Asteraceae) 7 chế phẩm thấy có tác dụng kháng khuẩn mạnh, hầu hết các hoạt chất sesquiterpen lacton đều ức chế các đơn bào (Trichomonas vaginalis và Entamoeba histolytica) ở mức độ mạnh hơn là các vi khuẩn khác.
Đáng chú ý là chất artemisinin (= quinghaosu) là hoạt chất chính của cây thanh cao hoa vàng Artemisia annua L. (Asteraceae) có tác dụng diệt ký sinh trùng sốt
rét Plasmodium vivax và P. falciparum. Hiện nay trong nước ta đang trồng thanh cao hoa vàng và đã chiết xuất một lượng lớn artemisinin.
Trong cây ké – Xanthium strumarium L., họ Cúc – Asteraceae, có xanthatin và xanthumin là 2 sesquiterpen lacton có tác dụng kháng khuẩn (xem phần: Dược liệu chứa diterpenoid glycosid).